Sự quan tâm đến giáo dục trực tuyến và học tập ảo đang tăng lên qua từng năm. Sự tiếp cận với Internet của người dân, số lượng sinh viên ở độ tuổi trưởng thành đi học đại học ngày càng tăng và nhu cầu về thời khoá biểu linh hoạt là những yếu tố đã ảnh hưởng đến sự phát triển của học trực tuyến. Sự thay đổi hoàn cảnh dạy và học là đặc điểm nổi bật trong thời đại hiện nay. Học trực tuyến là mô hình giảng dạy thay thế cho môi trường giảng dạy truyền thống mà không phụ thuộc vào thời gian và địa điểm (Schachar & Neumann, 2010). Mục tiêu của loại hình học tập này là tạo ra một khuôn khổ linh hoạt giúp tăng khả năng tiếp cận học tập, nâng cao chất lượng nội dung và đạt được các mục tiêu giảng dạy.
Việc thực hành học tập trực tuyến trong các chương trình đào tạo đại học đang gia tăng. Điều này là do tương lai của giáo dục có liên quan chặt chẽ đến việc sử dụng công nghệ trong dạy và học. Ngoài ra, e-learning là xu hướng giáo dục của tương lai tương lai, tăng cơ hội học tập và nâng cao nhận thức kỹ thuật số và chất lượng của nội dung giáo dục.
Mặc dù sự phát triển của công nghệ và các ứng dụng hỗ trợ đào tạo là một dấu hiệu của kỷ nguyên hiện đại này, nhưng nó cũng đòi hỏi người giảng dạy có kỹ năng và động lực để sử dụng nó một cách hiệu quả. Mặc dù việc học tập trực tuyến ở bậc đại học ngày càng được chấp nhận trong thập kỷ qua, nhưng không có quy tắc chung hoặc cơ chế thống nhất để cung cấp nội dung giảng dạy online giữa các cơ sở giáo dục.
Hiện tại, có sự thiếu hụt trong các nghiên cứu định tính liên quan đến chủ đề quan điểm, nhận thức của sinh viên đại học trong môi trường trực tuyến về toán học. Plante và Asselin (2014) đã chỉ ra rằng sinh viên hứng thú các khóa học trực tuyến hơn, nhưng lại ít đăng ký các môn học đó. Sinh viên tin rằng học trực tuyến không hiệu quả trong việc cung cấp các kĩ năng phục vụ công việc tương lai của các bạn, mặc dù hình thức học tập này giúp cải thiện kỹ năng công nghệ và đáp ứng hoàn toàn các yêu cầu học tập của sinh viên. Nghiên cứu của Carter cộng sự (2014) đã tập trung vào nhận thức và quan niệm của sinh viên và giảng viên về việc học trực tuyến có ý nghĩa thông qua việc sử dụng phương pháp luận hỗn hợp. Bằng cách phỏng vấn các câu hỏi liên quan đến kinh nghiệm thực hành e-learning đối với nhóm khảo sát, đã có bốn yếu tố đã được đề cập, gồm sự giao tiếp giữa sinh viên-giảng viên và sinh viên-sinh viên, thiết kế khóa học, sự hỗ trợ về công nghệ thông tin và các thể chế để hỗ trợ e-learning. Tuy nhiên, vẫn cần nhiều nghiên cứu định tính hơn để đánh giá việc học trực tuyến và giải quyết khoảng cách về hiệu quả của việc học trực tuyến.
Nghiên cứu của tác giả Sami M. Alshehri được tiến hành nhằm lấp đầy khoảng trống nghiên cứu trên. Mục đích của nghiên cứu tình huống mô tả định tính này là để tìm hiểu cách sinh viên đại học các chuyên ngành liên quan đến Toán cảm nhận việc học của họ trong môi trường học tập trực tuyến. Sáu sinh viên đại học đang học tập tại Đại học King Khalid, thành phố Abha, Ả Rập Saudi, đã tham gia vào nghiên cứu này. Các công cụ thu thập dữ liệu bao gồm các cuộc phỏng vấn ảo cùng bảng câu hỏi trực tuyến, được sử dụng để thu thập dữ liệu về việc giảng dạy – hướng dẫn sinh viên trực tuyến, gồm các thành tố: công nghệ, giao tiếp và kiểm tra - đánh giá.
Kết quả nghiên cứu cho thấy sinh viên coi công nghệ là một công cụ hỗ trợ, nhưng không thể thay thế nhu cầu tương tác và tương tác giữa giảng viên và sinh viên. Ngoài ra, sinh viên trực tuyến coi giao tiếp là một yếu tố thiết yếu trong lớp học. Những người tham gia trả lời khảo sát coi các biện pháp kiểm tra - đánh giá trực tuyến không hiệu quả, tuy nhiên không cung cấp lý do có ý nghĩa cho nghiên cứu. Các bên liên quan của ngành giáo dục có thể sử dụng kết quả của nghiên cứu này để đưa ra quyết định thiết kế chương trình, hướng dẫn sinh viên một cách hợp lý và có chiều sâu hơn, nhằm gia tăng tỷ lệ đạt kết quả cao của sinh viên trong các môn học toán được tiến hành theo hình thức trực tuyến ở bậc đại học. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu có thể sử dụng kết quả nghiên cứu để xác định các yếu tố giảng dạy có khả năng dẫn đến tăng hiệu quả và thành tích học tập.
Vân An lược dịch
Nguồn:
Alshehri, S. M. (2023). Students’ perceptions in undergraduate online math courses. Cogent Education, 10(1). https://doi.org/10.1080/2331186x.2023.2203069
Ghi chú: Các quan điểm của Tác giả không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tạp chí Giáo dục.