Yên Bái thực hiện Chương trình GDPT mới thực chất, bền vững

Ngày 21/4, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ tham dự và phát biểu tại hội nghị.

Cùng dự có lãnh đạo Uỷ ban nhân dân (UBND) tỉnh Yên Bái; lãnh đạo Vụ Giáo dục Tiểu học, Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT); lãnh đạo Sở GDĐT tỉnh Yên Bái, các Phòng GDĐT và một số cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh.

Chất lượng giáo dục của lớp 10 năm học này tốt hơn

Báo cáo tại Hội nghị, Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Yên Bái Nguyễn Thu Hương cho biết: Để triển khai Chương trình GDPT 2018, Sở GDĐT đã tham mưu HĐND, UBND tỉnh ban hành các Nghị quyết, đề án phát triển giáo dục và đào tạo. Sở GDĐT đã chỉ đạo, tổ chức triển khai các nội dung của đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo hướng thực chất, bền vững và phù hợp với thực tế của địa phương.

Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Yên Bái Nguyễn Thu Hương báo cáo tại hội nghị

Công tác lựa chọn sách giáo khoa đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy trình. Các bộ sách giáo khoa đã lựa chọn được giáo viên và học sinh tỉnh đánh giá tốt, phù hợp với điều kiện của địa phương. Việc phát hành sách giáo khoa đảm bảo đủ số lượng 100% sách giáo khoa cho học sinh trước thềm năm học mới.

Công tác xây dựng tài liệu giáo dục địa phương được thực hiện đảm bảo thời gian, tiến độ theo đúng lộ trình. Quá trình biên soạn có sự tham gia của các chuyên gia và giáo viên cốt cán trong các lĩnh vực. Đến nay, đã hoàn thành biên soạn, thẩm định, được Bộ GDĐT phê duyệt tài liệu lớp 1, 2, 3, 6, 7, 8, 9, 10 và triển khai dạy học trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định.

Sở GDĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông tích cực đổi mới phương pháp dạy học, đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin. Trong đó khai thác hiệu quả các học liệu điện tử, tiếp cận chương trình theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, vận dụng phù hợp những thành tố tích cực của các mô hình, phương thức giáo dục tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục.

Hiện nay, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường phổ thông tỉnh Yên Bái có 8.977 người. Tỷ lệ giáo viên hiện có so với định mức năm học 2022 - 2023 đạt 85%. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tiếp tục được chú trọng, đầu tư và từng bước tăng cường theo hướng kiên cố hóa, hiện đại hóa, đảm bảo đủ phòng học cho các lớp 1, lớp 2, lớp 3 được học 2 buổi/ngày và bố trí các phòng học bộ môn cho các lớp thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Chia sẻ tại hội nghị, đại diện Trường THCS Tú Lệ cho hay, để nhận được sự ủng hộ, đồng thuận, nhà trường đã thực hiện tuyên truyền những điểm mới của Chương trình GDPT 2018 tới học sinh, phụ huynh và xã hội. Để triển khai Chương trình GDPT mới hiệu quả, nhà trường đã phân công cán bộ giáo viên tham gia theo đúng phân môn phù hợp. Đối với các môn học mới như giáo dục địa phương, hoạt động trải nghiệm, nhà trường định hướng cho học sinh theo đúng chương trình, tổ chức các hoạt động giúp học sinh tìm hiểu, phát triển văn hóa tại địa phương.

Xác định thay đổi toàn diện giáo dục sẽ đi kèm cùng khó khăn, thầy Phạm Văn Thư, Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Văn Thụ (Lục Yên, Yên Bái) nhận định: Điều khó khăn nhất là làm xã hội nhận thức được những điểm mới, điểm tốt của Chương trình GDPT mới. Trên địa bàn vùng cao, miền núi thì việc làm này còn khó khăn hơn nhiều lần.

Đánh giá sau gần 1 năm thực hiện chương trình mới đối với lớp 10, thầy Phạm Văn Thư cho biết, chất lượng giáo dục của lớp 10 năm học này tốt hơn, học sinh có khả năng phản biện xã hội, tổ chức tập thể, hoạt động ngoại khóa cao hơn so với các khối lớp thực hiện chương trình giáo dục 2006.

Là một trong những huyện khó khăn nhất tỉnh Yên Bái, đại diện Phòng GDĐT huyện Mù Cang Chải chia sẻ: Để khắc phục những bất cập về cơ sở vật chất, huyện đã huy động nguồn xã hội hóa để mua sắm, trang bị thêm thiết bị giảng dạy cho Chương trình GDPT mới. Các lớp chưa có phòng học môn Tin học, các trường thực hiện mượn phòng học liên trường để học sinh có đủ điều kiện học tập.

Cán bộ quản lý không tạo ra lực cản đổi mới cho giáo viên

Tại hội nghị, đại diện Vụ Giáo dục Tiểu học, Vụ Giáo dục Trung học Bộ GDĐT đã trao đổi, nêu các ý kiến, đề xuất tháo gỡ các khó khăn, bất cập liên quan đến việc triển khai Chương trình GDPT 2018 như thiếu giáo viên, định biên, biên chế giáo viên; chính sách hỗ trợ giáo viên vùng sâu, vùng xa; tài liệu giáo dục địa phương; triển khai, phân công giáo viên các môn học mới; mua sắm trang thiết bị, cơ sở vật chất tại các cơ sở giáo dục; những ưu tiên, hỗ trợ cho học sinh miền núi về sách giáo khoa, về chính sách giáo dục.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đánh giá cao sự nỗ lực của ngành giáo dục tỉnh Yên Bái. Trong điều kiện khó khăn nhưng Chương trình GDPT 2018 tại địa phương đã được thực hiện một cách bài bản, quy củ, chặt chẽ nhưng không kém sự linh hoạt. Điều đó thể hiện ở những kết quả cụ thể, sự chuyển biến rõ rệt trong giáo dục và đào tạo.

Thứ trưởng cho biết, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về Chương trình GDPT mới có nhiều điểm mới, điểm tốt. Tuy nhiên không phải bất kỳ ai cũng nắm được. Vì vậy cần phải tăng cường tuyên truyền cho xã hội biết, nhận thức đúng, đủ về Chương trình GDPT 2018.

Theo Thứ trưởng, đổi mới giáo dục phổ thông quan trọng nhất là chuyển các phương pháp giáo dục từ bao cấp sang phân cấp. Chương trình mới phân cấp quyền cho nhà trường, cho thầy cô, để chủ động, linh hoạt, sáng tạo thực hiện nhằm đảm bảo sát, đúng, phù hợp với từng địa phương trong quá trình đổi mới toàn diện giáo dục. Các giáo viên phải trăn trở về sự tiên tiến, tư duy về sự đổi mới trong giáo dục thì Chương trình GDPT mới hoàn thành được mục tiêu đề ra.

Nhận định một trong những điểm đáng ghi nhận của ngành giáo dục Yên Bái là xây dựng chương trình trường học hạnh phúc, tạo động lực cho các giáo viên, học sinh đến trường, Thứ trưởng cho rằng, đó cũng là đổi mới tư duy quản lý nhân sự thành quản lý nguồn nhân lực, chăm lo chính sách, bồi dưỡng tạo điều kiện cho đội ngũ nhà giáo.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ thăm Trường Tiểu Học Sơn A (thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái)

Lưu ý với ngành giáo dục Yên Bái về việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, Thứ trưởng nhấn mạnh: “Quan tâm đầu tư thực chuẩn, xây dựng trường học hạnh phúc bằng ý chí, bằng tư duy, phấn đấu có lộ trình và sớm ngày nào tốt cho học sinh ngày ấy. Nếu xây dựng một ngôi trường đẹp chỉ cần một dự án, nhưng để xây dựng uy tín, chất lượng giáo dục, niềm tin của phụ huynh, học sinh mới là điều quan trọng”.

Khằng định việc đổi mới giáo dục có thành công hay không quan trọng là đổi mới công tác quản lý, xây dựng văn hóa trong nhà trường, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, Thứ trưởng lưu ý, các cán bộ quản lý phải sẵn sàng tư duy đổi mới với nhận thức đầy đủ để không tạo ra lực cản cho đội ngũ nhà giáo.

Trước đó, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đã đến thăm, tặng quà, động viên các giáo viên, học sinh tại Trường Tiểu Học Sơn A, Trường THCS Sơn A, Trường THPT Thị Xã Nghĩa Lộ và làm việc với Phòng GDĐT Thị xã Nghĩa Lộ, Tỉnh Yên Bái.

Nguồn tin: Trung tâm Truyền thông giáo dục

Bạn đang đọc bài viết Yên Bái thực hiện Chương trình GDPT mới thực chất, bền vững tại chuyên mục Tin tức, sự kiện của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn