Tối ưu hóa chương trình tín dụng sinh viên: Những giải pháp cần thiết

Cuối năm 2022, câu chuyện về một sinh viên giao hàng online nói tiếng Pháp với nhà văn Marc Levy đã thu hút sự chú ý của nhiều người ở TP.HCM. Tôi cũng đã được nghe và bị tượng bởi khả năng đa ngôn ngữ và sự tự tin của cậu sinh viên. Tuy nhiên, khi đọc về khó khăn tài chính của cậu sinh viên trong việc học đại học, tôi đã bắt đầu suy nghĩ về cách để giúp đỡ những sinh viên đang đối mặt với những thách thức tài chính tương tự.

Mặc dù sự giúp đỡ của những người từ thiện là cần thiết và đáng quý, chúng ta cần một giải pháp bền vững hơn cho vấn đề tài chính của sinh viên. Trong quá khứ, nhà nước đã đầu tư để giữ cho học phí đại học công bằng và hợp lý. Tuy nhiên, ngày nay, đầu tư cho giáo dục đại học đã giảm đáng kể và chỉ chiếm 0,33% tổng GDP của đất nước (Đặng, 2020), vì vậy chúng ta cần phải tìm cách để đảm bảo tài chính cho sinh viên trong tương lai.

Từ năm 2007, chương trình tín dụng cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận giáo dục đại học đã được triển khai và đạt được một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, quy định tín dụng thế chấp của chương trình có hai điểm yếu. Thứ nhất, tỷ lệ nợ xấu cao. Thứ hai, việc phải trả nợ ngay sau khi ra trường đặt gánh nặng tài chính lên sinh viên chưa có thu nhập ổn định. Vấn đề này làm giảm tính hấp dẫn của chương trình, trong khi 45% sinh viên trong một cuộc khảo sát cho biết họ không vay vốn do lo ngại về áp lực trả nợ trong tương lai (Nguyễn et al., 2021). Tình trạng này cần tìm cách sáng tạo hơn về hình thức tài trợ và chính sách mới cho chương trình tín dụng giáo dục đại học.

Giáo dục đại học: Một loại sản phẩm công đặc biệt

Mặc dù việc xem giáo dục đại học là một loại hàng hóa công đặc biệt hay không vẫn gây tranh cãi trên toàn thế giới, nhưng đối với tôi, nó là một loại hàng hóa đặc biệt vì ảnh hưởng của nó đến xã hội là rất lớn. Người có trình độ giáo dục cao có thể đóng góp tích cực cho xã hội và cộng đồng với mức độ tội phạm thấp hơn.

Nếu xem giáo dục đại học là một loại hàng hóa công đặc biệt, liệu có thể áp dụng mô hình tài trợ giống như lĩnh vực hạ tầng cơ bản hay không? Hạ tầng công cộng thường được xây dựng dựa trên các khoản vay thả nổi có liên quan đến chi phí sử dụng dài hạn trong suốt vòng đời của cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, chi phí của các khoản phí như cầu đường, điện, nước sau vài chục năm sẽ phụ thuộc vào nhu cầu và khả năng thanh toán của người sử dụng. Ai sử dụng nhiều và có lợi nhuận lớn sẽ phải đóng nhiều tiền và ngược lại.

Một phương pháp có thể áp dụng vào giáo dục đại học là đầu tư từ Nhà nước và xã hội vào thành công của sinh viên thông qua hình thức tín dụng học phí trả trước. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ trả khoản vay với tỷ lệ phụ thuộc vào thu nhập (năng lực) của mình. Các sinh viên có thu nhập cao sẽ trả mức tiền cao hơn so với các sinh viên có thu nhập thấp, tương tự như cách các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất sẽ phải trả mức tiền điện cao hơn so với các hộ gia đình.

Tín dụng sinh viên: Cách tiếp cận hiện đại trong hỗ trợ học phí đại học

Đề xuất được nêu lên ở trên đây là mô hình Tín dụng sinh viên dựa trên thu nhập, một hình thức đã được triển khai trong các hệ thống giáo dục tiên tiến như Úc, Vương quốc Anh và Mỹ (Trinh, 2022). Trong bối cảnh ngân sách của các quốc gia hạn hẹp trong khi hệ thống giáo dục đại học ngày càng phát triển, chương trình tín dụng sinh viên dựa trên thu nhập sẽ giúp giảm thiểu gánh nặng cho cả ngân sách và sinh viên.

Bằng cách giảm thiểu gánh nặng tài chính, sinh viên sẽ cảm thấy dễ chịu và tích cực hơn khi đăng ký các khoản vay để theo học đại học. Hình thức trả nợ linh hoạt và phù hợp với mức thu nhập sẽ giúp sinh viên tự do lựa chọn công việc theo sở thích của mình, thay vì phải bắt buộc đưa ra quyết định theo tiêu chí kiếm tiền để trả nợ. Điều này cũng giúp các sinh viên tránh những công việc không phù hợp với năng lực và mong muốn của mình, chẳng hạn như làm giao hàng như được đề cập ở đầu bài viết.

Sinh viên sẽ chi trả khoản tiền khác nhau dựa trên mức thu nhập sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, khoản tiền trả nợ này có thể giúp bù đắp cho những sinh viên thu nhập thấp hoặc thất nghiệp. Hầu hết sinh viên tốt nghiệp sẽ có thu nhập trung bình, vì vậy, việc trả nợ hàng năm có thể được coi như một loại "thuế" để đổi lấy quyền lợi được miễn học phí khi học đại học, nơi đánh dấu sự khởi đầu cho sự nghiệp của họ.

Trong những tình huống khó khăn như đại dịch COVID-19, chương trình tín dụng dựa trên thu nhập có lợi thế hơn so với chương trình tín dụng thế chấp. Những sinh viên bị ảnh hưởng bởi đại dịch có thể giảm bớt gánh nặng trả nợ hàng tháng hoặc được miễn trả nợ nếu thất nghiệp.

Đã có rất nhiều thảo luận về giá trị của bằng cấp đại học, vì nó được coi là một khoản đầu tư quan trọng. Bây giờ, chúng ta cần đưa ra các chính sách để đẩy mạnh việc tiếp cận giáo dục và giúp các sinh viên đam mê học hành, như cậu sinh viên làm shipper được nhắc đến trong bài viết, có thể theo đuổi giấc mơ học tập của mình một cách tự tin và không phải lo lắng.

Trịnh Minh Thông

Tài liệu tham khảo

Đặng, C. (2020). Ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học ở Việt Nam rất thấp. Lao Động. https://laodong.vn/giao-duc/ngan-sach-dau-tu-cho-giao-duc-dai-hoc-o-viet-nam-rat-thap-857790.ldo

Nguyễn, H. M., Nguyễn, L. T., & Nguyễn, N. T. N. (2021). Nghiên cứu về hiệu lực của chính sách tín dụng đối với sinh viên Việt nam. Tạp chí Tài Chính. https://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-ve-hieu-luc-cua-chinh-sach-tin-dung-doi-voi-sinh-vien-viet-nam.html

Trinh, T. M. (2022). Tín dụng sinh viên dựa trên thu nhập - Thực trạng triển khai ở một số quốc gia trên thế giới. OSF Preprint. /https://doi.org/10.31219/osf.io/b285a

Ghi chú: Các quan điểm của Tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Bạn đang đọc bài viết Tối ưu hóa chương trình tín dụng sinh viên: Những giải pháp cần thiết tại chuyên mục Chính sách và thực tiễn giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn