7 bước để xây dựng công cụ đánh giá chất lượng tiến trình trong giáo dục hiệu quả

Các công cụ đánh giá như rubric và bảng kiểm (checklist) ngày càng phổ biến để theo dõi, hỗ trợ đánh giá chất lượng tiến trình dạy và học. Với mục đích giúp giáo viên và các nhà giáo dục lựa chọn được công cụ phù hợp với mục đích đánh giá của bản thân, nghiên cứu của tác giả Richard McInnes được thực hiện.

Các công cụ đánh giá chất lượng tiến trình (Course Quality Evaluation Instruments/ viết tắt: CQEI) bao gồm các tiêu chí khách quan để xác định một cách thực tế và nhất quán các điểm mạnh và điểm yếu tương đối của các nội dung trọng tâm của môn học, chủ đề hay hoạt động – từ đó chỉ ra “chất lượng”. Hiện nay có hơn 100 công cụ đánh giá, cho thấy mức độ phổ biến ngày càng gia tăng của chúng. CQEI thường liệt kê các nhóm tiêu chí có thể đánh giá như: thiết kế học tập, đánh giá, công nghệ, tương tác xã hội và khả năng tiếp cận,... để đánh giá chất lượng.

Nhưng tại sao lại có nhiều công cụ đánh giá khác nhau cùng tồn tại? Các công cụ đánh giá hiệu quả nhất là các công cụ được điều chỉnh phù hợp với bối cảnh, mức độ phổ biến và nhóm người học cụ thể. Điều này khiến nhiều cơ sở giáo dục tạo ra hoặc chỉnh sửa một công cụ đánh giá cho phù hợp với nhu cầu. Điều này cho phép các cơ sở giáo dục thiết lập tiêu chuẩn riêng cho chất lượng hoặc mục tiêu ở các lĩnh vực muốn cải thiện. Ngược lại, khi các công cụ đánh giá không được bối cảnh hóa, tác dụng của chúng đối với các cá nhân hay nhiệm vụ cụ thể sẽ bị giảm đi, nghiêm trọng hơn là chúng không phù hợp để đáp ứng các mục tiêu về hiệu suất và chất lượng.

Các công cụ đánh giá chất lượng cao, được sử dụng phù hợp có thể mang lại lợi ích cho học sinh và các giáo viên. Vậy làm thế nào để đánh giá chất lượng? Nghiên cứu của Richard McInnes cung cấp hướng dẫn cho giáo viên, các nhà giáo dục về cách chọn, cách chỉnh sửa công cụ tốt nhất phù hợp với mục đích đánh giá.

Nghiên cứu hoàn thành đánh giá phạm vi kiểm tra của 75 công cụ đánh giá chất lượng tiến trình và rút ra được một số kết luận thông qua hoạt động. Từ đó, nghiên cứu đưa ra lời khuyên cho những giáo viên, nhà giáo dục muốn lựa chọn, phát triển hoặc cập nhật những công cụ đánh giá chất lượng tiến trình phù hợp.

Dưới đây là bảy bước để lựa chọn được công cụ đánh giá chất tiến trình hiệu quả:

  1. Bối cảnh hóa công cụ đánh giá

Lý do mà nhiều công cụ đánh giá đánh giá tồn tại là do bối cảnh của chúng là khác nhau. Do đó, giáo viên không nên sử dụng nguyên trạng công cụ “có sẵn”, thay vào đó, hãy điều chỉnh công cụ phù hợp với bối cảnh đánh giá, mục đích đánh giá của giáo viên.

  1. Thiết kế công cụ đánh giá dựa trên cơ sở nghiên cứu

Giáo viên nên tránh chỉ đơn thuần xác định những thứ mà cá nhân yêu thích. Thay vào đó hãy sử dụng tài liệu học thuật uy tín để xác nhận các phương pháp đánh giá phù hợp nhất và các yếu tố chỉ số về “chất lượng”.

  1. Nêu rõ các tiêu chí đánh giá

Thách thức chính đối với một CQEI hiệu quả là đảm bảo nó được diễn giải một cách nhất quán. Thảo luận các tiêu chí đánh giá với những người cộng sự quan trọng cho đến khi giáo viên tự tin rằng từ ngữ của mình rõ ràng. Giáo viên cũng có thể muốn cung cấp các giải thích sâu hơn về các tiêu chí bằng các ví dụ.

  1. Đưa vào các cách cải thiện

Sẽ rất tốt nếu một công cụ đánh giá nói với ai đó rằng một phần trong môn học của họ không đạt chất lượng cần thiết, nhưng họ có thể làm gì với điều đó? Chọn một công cụ cung cấp các chiến lược cải tiến – hoặc tự tạo chiến lược riêng. Giáo viên nên bao gồm các ví dụ hoặc chiến lược có thể giúp người học cải thiện các yếu tố cụ thể trong môn học. Lý tưởng nhất là những chiến lược này phải đơn giản và dễ hiểu để tăng cơ hội chúng được thực hiện.

  1. Tạo cơ hội cải thiện

Để đảm bảo công cụ đánh giá của người dạy thú vị và chân thực (chứ không chỉ là một bài tập đánh dấu tích), hãy đảm bảo rằng nó cho thấy sự khác biệt giữa các tiêu chuẩn tối thiểu và các phương pháp thực hành đúng đắn hơn. Điều này có thể giúp người dạy lẫn người học theo dõi tiến trình của họ khi họ bắt tay vào quá trình điều chỉnh, cải thiện cách dạy và học.

  1. Tích hợp công cụ đánh giá vào quá trình phát triển nghề nghiệp

Hãy cố gắng tích hợp công cụ đánh giá vào các chương trình phát triển chuyên môn hiện có, từ đó nâng cao kỹ năng của các nhà giáo dục một cách toàn diện hơn (ví dụ: xem các buổi hỗ trợ nâng cao khóa học tại Đại học Bang California, Long Beach). Cho dù giáo viên đang sử dụng công cụ này để cung cấp thông tin cho các hoạt động giảng dạy của bản thân hay giáo viên đang ở vị trí lãnh đạo, thì việc chỉ hoàn thành bảng kiểm (checklist) hoặc rubric (một tập hợp những tiêu chí hay mong đợi được diễn đạt rõ ràng, giúp người dạy và người học tập trung vào những nội dung trọng tâm của một môn học, chủ đề hay hoạt động) là không thực sự đủ. Cân nhắc cách sử dụng công cụ đánh giá để nâng cao kỹ năng cũng như các đánh giá phản ánh (reflective) và đánh giá tổng kết – ví dụ như bao gồm cả việc sử dụng công cụ đánh giá chất lượng tiến trình trong các hoạt động đánh giá đồng đẳng của giáo viên.

  1. Coi CQEI như một “tài liệu sống” (living document)

“Living document” – tài liệu sống, còn được gọi là tài liệu động, là tài liệu được chỉnh sửa và cập nhật liên tục. Tiêu chí chọn công cụ đánh giá là nó phù hợp, đại diện cho một thời điểm. Để thực sự có hiệu quả, các CQEI cần phải thích ứng nhanh với sự thay đổi – giáo viên chỉ cần xem xét tác động của AI (trí tuệ nhân tạo) để nhận ra điều này. Hãy sẵn sàng xem xét các tiêu chí đánh giá, chỉnh sửa, cập nhật “living document” thường xuyên.

Tóm lại, CQEI luôn tồn tại. Chúng cung cấp các biện pháp nhất quán và đáng tin cậy về chất lượng phù hợp với nhu cầu của người dùng cá nhân, tổ chức và cơ quan giáo dục. Để đảm bảo những công cụ này đáp ứng hiệu quả những mục tiêu giáo dục, nghiên cứu cũng khuyên các giáo viên nên tham gia vào việc tạo và/hoặc chỉnh sửa các công cụ đánh giá cũng như việc sử dụng chúng.

Huyền Đức lược dịch

Nguồn:

Richard McInnes (March 24, 2023). Seven steps to make an effective course quality evaluation instrument. Times Higher Education (THE). https://www.timeshighereducation.com/campus/seven-steps-make-effective-course-quality-evaluation-instrument

 

 

 

Bạn đang đọc bài viết 7 bước để xây dựng công cụ đánh giá chất lượng tiến trình trong giáo dục hiệu quả tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19