Giáo dục công dân toàn cầu (GD CDTC) được hiểu là mô hình được cấu trúc để trang bị, phát triển kiến thức, kĩ năng, giá trị và thái độ cần có của người dân/học để bảo đảm xây dựng được một thế giới công bằng, hòa bình, khoan dung, an toàn và bền vững hơn, thông qua việc trang bị kiến thức và các kĩ năng nhận thức nhằm xây dựng các giá trị, kĩ năng mềm và thái độ cho người học để tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác quốc tế và phát triển xã hội một cách bền vững (Buchanan, 2018).
Mục tiêu của GD CDTC nhằm nâng cao nhận thức (tầm quan trọng, kiến thức, tư duy phê phán về các vấn đề toàn cầu và mối quan hệ giữa các quốc gia và dân cư), ý thức tình cảm - xã hội (trải nghiệm ý thức phụ thuộc lẫn nhau, chia sẻ các giá trị, trách nhiệm dựa trên quyền con người và thái độ thấu hiểu, đồng cảm, đoàn kết, tôn trọng với sự đa dạng) và hành vi (động cơ và hành động có trách nhiệm, hiệu quả cho một thế giới ngày càng thân thiện, hòa bình và bền vững) cho người học trở thành CDTC để có thể đóng góp và thành công trong xã hội toàn cầu công bằng, an toàn, khoan dung và hòa bình (UNESCO, 2015; Oxfam, 2015). Để đạt được mục tiêu trên, đòi hỏi các nhà giáo dục, lãnh đạo trường học và giáo viên cần được trang bị các kiến thức và kĩ năng mới, đặc biệt là phương pháp dạy học phù hợp với GD CDTC.
Nghiên cứu về định hướng giải pháp phát triển GD CDTC, dựa trên tổng quan kinh nghiệm quốc tế của Hàn Quốc, Thái Lan và Indonesia, Bùi Diệu Quỳnh (2019) đã đề xuất một số giải pháp phù hợp để triển khai hiệu quả GD CDTC trong bối cảnh Việt Nam. Cụ thể:
- GD CDTC nên được bắt đầu từ việc đưa vấn đề GD CDTC vào các chính sách GD một cách hệ thống, có hướng dẫn thực hiện cụ thể.
- Tiếp đến là xây dựng CT GD CDTC, trong đó làm rõ mục tiêu hình thành người CDTC Việt Nam với những tiêu chí cụ thể của một CDTC mang bản sắc Việt.
- Từ mục tiêu CT GD CDTC sẽ tiến hành nghiên cứu lựa chọn và xây dựng nội dung GD CDTC cho từng giai đoạn GD phổ thông (Tiểu học, THCS, THPT) phù hợp với nhà trường Việt Nam.
- Những nội dung GD CDTC đã xây dựng mang lại hiệu quả đề ra khi những phương pháp GD CDTC sử dụng là phù hợp với cả nội dung, đối tượng người học, với điều kiện thực hiện của nhà trường và đặc điểm/ đặc trưng của địa phương triển khai.
- Năng lực cho các nhà GD thực hiện nghiên cứu về GD CDTC, đội ngũ giảng dạy thực tiễn phải được bồi dưỡng thường xuyên và không ngừng nâng cao, đặc biệt đội ngũ cán bộ quản lí phải có nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng, mục tiêu của CT GD CDTC, đảm bảo việc thực hiện được xuyên suốt theo cả chiều dọc (về quản lí) và chiều ngang (giữa những người thực hiện, người tiếp nhận).
Trong Hội thảo của Mạng lưới Quản lý giáo dục không biên giới – EdulightenUp, ThS Lê Đình Hiếu (Nhà sáng lập kiêm Giáo đốc điều hành Tổ chức giáo dục MAX Education) và ThS Đào Thu Hiền (Đại hiện Hệ thống giáo dục Ban Mai), qua nghiên cứu trường hợp Ban Mai School (Thành viên của Tập đoàn Giáo dục IGC) đã chỉ ra 4 nhiệm vụ mà các lãnh đạo nhà trường cần tập trung để kiến tạo CDTC, đó là:
(1) Xây dựng chương trình học
- Xây dựng Chương trình Giáo dục hướng mục tiêu 5 keys (Bồi đắp giá trị nhân cách; Phát triển tri thức; Năng lực kiến tạo; Rèn luyện sức khoẻ; Tư duy toàn cầu).
- Áp dụng Chương song bằng Cambridge.
- Áp dụng các chương trình phát triển Leader in Me, Junoir GymKids...Achievements.
(2) Cá nhân hóa người học
- Thiết lập mục tiêu cá nhân hóa đối với từng học sinh, giúp HS hạnh phúc khi là chính mình.
- Tổ chức trải nghiệm đáp ứng các nhóm mục tiêu khác nhau.
(3) Xây dựng trải nghiệm người học
- Thiết kế lộ trình xuyên suốt và có tính kế thừa, phát triển ở các cấp học.
- Xây dựng trải nghiệm chạm tới người học theo từng độ tuổi và cấp học.
(4) Tăng cường trải nghiệm quốc tế
- Hợp tác với các trường LiM quốc tế.
- Trao đổi học sinh.
- Tổ chức Trại hè quốc tế.
Với mong muốn thực hiện hoá giấc mơ “Nâng tầm 1 triệu người Việt trẻ vươn xa thế giới”, bên cạnh tiến hành triển khai các giải pháp và hành động cụ thể trong việc GD CDTC, để thực hiện mục tiêu này rất cần sự đồng lòng của các lực lượng trong và ngoài ngành giáo dục mà đi đầu là các nhà quản lý giáo dục. Hội thảo "Thắp lửa cùng tiến lên 2023" của Mạng lưới Quản lý giáo dục không biên giới – EdulightenUp thực sự là một sự kiện có ý nghĩa thiết thực đối với sự phát triển của giáo dục Việt Nam trong bối cảnh đổi mới hiện nay.
Tài liệu tham khảo
UNESCO(2015). Global citizenship education: Topics and learning objectives.
Oxfam (2015). Education for global citizenship: A guide for schools.
Buchanan, J. (2018). Maintaining Global Citizenship Education in Schools: A Challenge for Australian Educators and Schools. Australian Journal of Teacher Education, 43(4), 51-67.
Bùi Diệu Quỳnh (2019). Nghiên cứu giáo dục công dân toàn cầu của một số quốc gia Châu Á. Tạp chí Khoa học Giáo dục Việt Nam, số 17, 111-115.
Tạp chí Giáo dục