Xác định các chỉ báo của tự chủ đại học theo mối quan tâm của các bên liên quan

Nghiên cứu của tác giả Seungchan Choi hướng tới dung hòa hai quan điểm khác nhau và đưa ra một khái niệm toàn diện hơn về tự chủ đại học bằng cách áp dụng phương pháp tiếp cận hướng tới các bên liên quan trong việc xác định các chỉ báo về tự chủ đại học. Trong đó, một quan điểm coi tự chủ đại học như một biện pháp bảo vệ tự do học thuật và một quan điểm khác coi đây là biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các trường đại học.

Phương pháp đo lường quyền tự chủ đại học chủ yếu là việc định nghĩa các yếu tố của quyền tự chủ này, bởi nó có vai trò xác định vấn đề dựa trên các giả định cụ thể. Do đó, việc xác định các chỉ báo về tự chủ đại học là một điểm nút quan trọng trong cuộc đấu tranh để tạo ra sự đồng thuận về khái niệm này. Trong giới học thuật hiện nay có hai xu hướng được chú ý. Thứ nhất, cách tiếp cận được đề cập trong Bảng điểm Tự chủ Đại học của Hiệp hội Đại học châu Âu chủ yếu coi tự chủ đại học là một yếu tố cải thiện hiệu suất của các trường, tối đa hoá tỉ lệ giữa chi phí và lợi nhuận. Thứ hai, cách tiếp cận của Beiter và cộng sự (2016) dựa trên các Hiệp ước Nhân quyền của Liên hợp quốc và Khuyến nghị của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) nhằm đưa tự do học thuật trở lại chương trình nghị sự về tự chủ đại học và giải quyết 'sự xói mòn của tự do học thuật'. Bài viết này là một nỗ lực để dung hòa hai xu hướng mâu thuẫn trên và tạo ra một khung đánh giá thúc đẩy cả yếu tố tự do học thuật và yếu tố hiệu quả hoạt động của trường đại học, thông qua việc giới thiệu cách tiếp cận của các bên liên quan trong việc xác định các chỉ báo về sự tự chủ của trường đại học.

Trong khi những nỗ lực của UNESCO và Beiter và cộng sự tập trung vào tự chủ thể chế như một công cụ để bảo vệ tự do học thuật, nhiều nghiên cứu khác nhận định mối tương quan giữa tự chủ thể chế và hiệu quả hoạt động của trường đại học có thể được coi là lý do biện minh cho quyền tự chủ về thể chế. Mặc dù bằng chứng về mối tương quan tích cực của quyền tự chủ đại học đối với hiệu quả hoạt động còn gây tranh cãi. Khi ấy, câu hỏi đặt ra là ai có thể đóng vai “người nhạc trưởng” trong vấn đề tự chủ đại học, muốn để các trường đại học hành xử theo ý mình? Dựa trên những nguyên tắc đó, tác giả bài viết này sử dụng khái niệm về “các bên liên quan” được phổ biến bởi Freeman, các bên liên quan là những tổ chức, mạng lưới và cá nhân bị ảnh hưởng và có thể ảnh hưởng đến các mục tiêu và hoạt động của một tổ chức. Vì các bên liên quan của trường đại học là những chủ thể muốn có được lợi ích từ trường đại học bằng cách gây ảnh hưởng đến các hoạt động của trường, nên việc xác định họ là một cách để xác định ai là người có ảnh hưởng then chốt đến các vấn đề tự chủ của trường đại học. Một cách để tìm ra các tác nhân này là xem xét nghiên cứu về trách nhiệm của trường đại học và tìm hiểu xem các trường đại học chịu trách nhiệm trong việc đánh giá hiệu quả hoạt động của họ với ai/tổ chức nào.

Sau khi xem xét các tài liệu về giáo dục đại học, tác giả xác định sáu nhóm bên liên quan: (1) các nhân viên làm việc trong các cơ sở giáo dục, (2) nhà quản lý, (3) sinh viên, (4) chính phủ, (5) các ngành công nghiệp và (6) xã hội nói chung. Ba nhóm đầu tiên là các bên liên quan “nội bộ”, là một phần của các trường đại học. Dù là người trong cuộc nhưng họ muốn trường đại học của họ là một tổ chức được tự chủ theo cách họ muốn. Do đó, họ đều là các bên liên quan và hiệu trưởng, đồng thời là hiệu trưởng và tác nhân của nhau về tự chủ đại học. Ba nhóm còn lại là các bên liên quan bên ngoài, là những “người uỷ nhiệm” của ba nhóm đầu tiên và các trường đại học. Tuy nhiên, ở một khía cạnh nào đó, ngay cả những bên liên quan bên ngoài này cũng là những tác nhân hỗ trợ việc sắp xếp thể chế cho tự chủ đại học, và vai trò của họ với tư cách là tác nhân góp phần vào việc hình thành khái niệm về tự chủ đại học trong bài báo này.

Trong phần tiếp theo của bài báo, tác giả trình bày chi tiết về vai trò, nhiệm vụ, lợi ích, mục đích và sức ảnh hưởng của từng bên liên quan đối với quá trình tự chủ của các trường đại học trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, đồng thời giới thiệu các chỉ báo đại diện cho quan điểm của từng nhóm đối tượng này.

Vân An lược dịch

Nguồn:

Choi, S. (2021). Identifying indicators of university autonomy according to stakeholders’ interests. Tertiary Education and Management, 25(1), 17–29. https://doi.org/10.1007/s11233-018-09011-y

Ghi chú: Các quan điểm của Tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Bạn đang đọc bài viết Xác định các chỉ báo của tự chủ đại học theo mối quan tâm của các bên liên quan tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19