“Đại học Bách khoa Hà Nội không chỉ phát triển cho mình mà còn phát triển cho quốc gia”

Sáng 17/3, tại Đại học Bách khoa Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Kim Sơn đã trao Quyết định chuyển Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thành Đại học Bách khoa Hà Nội, đồng thời trao các Quyết định công nhận Hội đồng đại học, Chủ tịch hội đồng, Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025.

Chuyển đổi mô hình là công cụ để giải phóng cho sức sáng tạo từ bên trong

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ niềm vui và gửi lời chúc mừng tới Đại học Bách khoa Hà Nội. Sự vui mừng theo Bộ trưởng, trước hết là vì sự phát triển của trường, chuyển đổi mô hình và cơ cấu tổ chức từ trường thành đại học để tiếp tục phát triển, để có điều kiện thuận lợi hơn cho sự phát triển, có điều kiện để phát triển tổ chức bên trong, để quản trị tốt hơn theo thông lệ thế giới.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi lễ

“Điều quan trọng ở đây là dấu ấn của sự phát triển, khi mà khuôn, vỏ, áo cũ đã trở nên chật hẹp, cần phải lột xác để phát triển. Một chữ “trường” và một chữ “đại học” tuy chỉ là ngôn từ nhưng có sự khác biệt rất lớn và thể hiện một sự lựa chọn mô hình phát triển phù hợp với quy định của pháp luật. Cho nên sự chúc mừng này không chỉ dành cho một cái tên mà trước hết chúng ta cùng mừng cho sự phát triển của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội nay là Đại học Bách khoa Hà Nội”, Bộ trưởng nói.

Cùng với việc chuyển đổi mô hình, Bộ trưởng cũng chia sẻ niềm vui trước sự phát triển của Đại học Bách khoa Hà Nội trong suốt 66 năm qua, khi cơ ngơi, trang thiết bị ngày càng hiện đại, kết quả nghiên cứu không ngừng gia tăng và ngày càng hội nhập quốc tế. Đặc biệt là các kết quả phát minh sáng chế, các giải pháp khoa học công nghệ và chuyển giao ngày càng gia tăng về số lượng và chất lượng.

Cùng với công bố Quyết định chuyển Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thành Đại học Bách khoa Hà Nội, Quyết định công nhận Hội đồng mới, Ban Giám đốc mới và một số các vị trí lãnh đạo cũng được công bố. Chúc mừng tân Hội đồng và tân Giám đốc, Bộ trưởng cũng lưu ý sự công nhận hôm nay mới là một bước có tính chất tạm thời khi chuyển đổi, Hội đồng còn cần phải có bước kiện toàn trong thời gian sắp tới. Trong đó, cần có sự điều chỉnh để có sự tham dự và đại diện của các đơn vị thành viên, các trường và các đơn vị cấp dưới.

Cũng theo Bộ trưởng, Đại học Bách khoa Hà Nội còn rất nhiều việc phải làm để hoàn thiện cơ cấu đại học nhiều cấp với cấu trúc chặt chẽ của quản trị hiện đại. Cần hoàn thiện chiến lược và định hướng phát triển lâu dài, hoàn thiện lại quy chế tổ chức và hoạt động để vừa tạo điều kiện cho các thành tố cấp thấp nhất có được quyền tự chủ tương đối về học thuật và tạo nên sự năng động chung cho toàn hệ thống.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trao Quyết định công nhận Hội đồng Đại học Bách Khoa Hà Nội. Hội đồng có 23 thành viên.

Phân tích rõ hơn, Bộ trưởng cho rằng, mô hình đại học là mô hình thích hợp để triển khai cơ cấu đa ngành. Với một hệ thống lớn và phức tạp, số lượng cán bộ, sinh viên đông, đa dạng, mô hình này vừa bảo đảm sự tự chủ và điều hành thống nhất của bộ máy chỉ huy chung của đại học, vừa tạo điều kiện cho các thành tố cấp thấp nhất có được quyền tự chủ tương đối về học thuật, tạo nên sự năng động chung cho toàn hệ thống. Mô hình này có nhiều ưu thế, phù hợp với một trình độ quản lý cao, nguồn lực dồi dào, dày đặc các hoạt động học thuật và tiếng nói chuyên môn có uy quyền, vai trò của các giáo sư được phát huy cao độ, đặc biệt là các cấp điều hành chuyên môn.

Các quyền hành chính tập trung ở cấp đại học, còn quyền và tiếng nói chuyên môn là cơ chế vận hành của các đơn vị cấp dưới. Nếu vận hành không tốt, nguy cơ phức tạp và chia cắt, thiếu thống nhất từ bên trong rất có thể diễn ra, hoặc làm phát sinh thêm sự cồng kềnh của bộ máy hành chính. Cho nên, các trường thuộc đại học dễ có nhu cầu tự chủ cao hơn, mong muốn tự chủ cao hơn và hoạt động độc lập bên trong. Điều này cũng sẽ rất dễ làm thay đổi mục tiêu ban đầu của sự chuyển đổi.

Cho rằng, Đại học Bách khoa Hà Nội cần trả lời cho đúng và đầy đủ câu hỏi "chúng ta chuyển trường đại học thành đại học để làm gì và tại sao cần phải làm như vậy?", Bộ trưởng nhấn mạnh: Thay đổi một cái tên không phải nhanh và dễ nhưng thay đổi một mô hình, một định hướng, từ sự lựa chọn đến sự vận hành đầy đủ và hiệu quả là cả một khoảng cách. Đại học Bách khoa cần xác định chặng đường đổi mới của mình mới chỉ đang bắt đầu. Một đại học vận hành theo mô hình mới, với mô hình quản trị tiên tiến, đại học số, sự chuyển đổi đó cần phải được tiến hành cùng lúc và đồng bộ, cần phải thấy hết các thách thức còn đang chờ phía trước. Sự chuyển đổi mô hình từ trường đại học thành đại học phải được xem là công cụ để giải phóng cho sức sáng tạo từ bên trong, giải pháp cho các năng lực sáng tạo bằng một cơ chế mới. Nếu không phải vậy sự thay đổi sẽ rất ít ý nghĩa.

Trụ cột, chỗ đứng phải là công nghệ và kỹ thuật

Chia sẻ nhận định, Đại học Bách khoa Hà Nội đã, đang và sẽ là một cơ sở giáo dục, một trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học công nghệ số 1 của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ và kỹ thuật, Bộ trưởng đồng thời cho rằng, Đại học Bách khoa đứng trước cơ hội và định hướng mở rộng đa ngành, nhưng cần xác định trụ cột, chỗ đứng phải là công nghệ, kỹ thuật và kỹ thuật cao.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chúc mừng và trao các quyết định công nhận Chủ tịch Hội đồng, Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025

“Trường không chỉ phát triển cho mình mà còn cho quốc gia nói chung và thực hiện vai trò đầu tàu dẫn dắt cho cả khối các trường đại học, cao đẳng thuộc khối công nghệ, kỹ thuật. Rà soát cơ cấu ngành nghề là phù hợp với bối cảnh cách mạng công nghiệp mới, bối cảnh công nghệ thay đổi từng ngày để dẫn dắt hệ thống. Điều này, Đại học Bách khoa Hà Nội cần phải tuyên bố rõ trong sứ mệnh, trong chức năng nhiệm vụ. Trong quá trình thực hiện, Bộ GDĐT sẽ giám sát việc tuân thủ sứ mệnh được tuyên bố và thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ đã lựa chọn, đã được công nhận. Đây là việc cần thiết của việc quản lý các trường đại học và các đại học thời tự chủ cao”, Bộ trưởng lưu ý, đồng thời khẳng định, Bộ GDĐT xác định việc ưu tiên đặc biệt cho việc phát triển khối ngành công nghệ và kỹ thuật.

Với tầm quan trọng của khối ngành công nghệ, kỹ thuật, theo Bộ trưởng, Đại học Bách khoa Hà Nội cần phải có đầu tư trọng tâm, trọng điểm, toàn diện cho hệ thống phòng thí nghiệm, trang thiết bị để đại học có thể hoàn thành được sứ mệnh của mình. Tự chủ nhưng vẫn cần thiết và cần phải được tiếp tục đầu tư lớn. Đặc biệt, Đại học Bách khoa Hà Nội cần phải đi đầu trong việc thực hiện tự chủ; tự chủ đầy đủ, tự chủ có chiều sâu, tự chủ trong một giai đoạn mới, vừa theo thông lệ của thế giới, vừa phù hợp với đặc điểm chính trị, xã hội, kinh tế, con người, văn hóa của Việt Nam.

Trước đó, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn thăm cơ sở vật chất Đại học Bách khoa Hà Nội

“Việc chuyển trường thành đại học cũng nằm trong hệ thống các hoạt động thực hiện về tự chủ đại học, nhưng tới một ngày nào đó nó như một việc đương nhiên trong tổ chức và quản trị đại học. Tự chủ là một thuộc tính của đại học. Muốn sản sinh ra tri thức mới, phát triển đội ngũ trí thức, đào tạo bậc cao môi trường hoạt động của nó phải là môi trường tự chủ, tự do cho sáng tạo với tất cả ý nghĩa đầy đủ nhất”, Bộ trưởng chia sẻ.

Với những gì Đại học Bách khoa Hà Nội đã khẳng định được trong suốt chiều dài lịch sử 66 năm qua và với khí thế, quyết tâm đang được thể hiện, Bộ trưởng bày tỏ sự kỳ vọng vào một tương lai phát triển của Đại học, đồng thời tin tưởng Đại học Bách khoa Hà Nội có thể hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, tiếp tục phát triển và phát triển một cách mạnh mẽ, để có một Đại học với mô hình đại học đa ngành mẫu mực cho khối công nghệ và kỹ thuật riêng, cho khối đại học Việt Nam nói chung.

"Một Bách khoa thống nhất trong đa dạng nhưng đa dạng phải thống nhất"

Ngay sau lễ công bố các Quyết định, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn và lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ GDĐT đã có cuộc làm việc với Đại học Bách khoa Hà Nội.

Tại cuộc làm việc, Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội Huỳnh Quyết Thắng đã báo cáo về tình hình hoạt động trong bối cảnh mới của Đại học Bách khoa Hà Nội; những kết quả đạt được và bài học điền hình. Đồng thời, cũng nhận diện những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, cùng với định hướng, mục tiêu, lộ trình phát triển.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu trong cuộc làm việc với Đại học Bách khoa Hà Nội

Trao đổi tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định sự tiên phong về mô hình mới của Đại học Bách khoa Hà Nội, đồng thời cho biết, mô hình này khác với Đại học Quốc gia, khác với Đại học vùng và gần hơn với thông lệ quốc tế về đại học đa ngành. Với tính tiên phong này, Bộ trưởng đề nghị sớm nhất sau 3 năm Đại học Bách khoa Hà Nội cần sơ kết mô hình, có đánh giá ngay để chia sẻ kinh nghiệm cho những đơn vị đi sau.

Bộ trưởng cũng lưu ý Đại học Bách khoa Hà Nội cần đề xuất cơ chế chính sách thí điểm cho mô hình đại học đa ngành mới. Bên cạnh đó là sớm hoàn thiện mô hình, tính toán hệ thống các trường bên dưới trên cơ sở kinh nghiệm của của các Đại học Quốc gia, Đại học vùng đi trước.

Đối với một mô hình mới, theo Bộ trưởng việc nhìn nhận đúng những thuận lợi là rất quan trọng. Thuận lợi của Đại học Bách khoa Hà Nội trước hết là lịch sử, thương hiệu, là việc tiến tới một đại học từ thực lực bên trong, đã có có một bước quá độ là hình thành các đơn vị cấp dưới tương đối bài bản.

Thuận lợi tiếp theo Đại học Bách khoa Hà Nội đang có tài sản quý giá nhất là nguồn nhân lực, với một đội ngũ đông đảo về số lượng, có chất lượng tốt. “Trường phải coi đây là nền tảng quan trọng nhất - việc này phải thành tuyên ngôn”, Bộ trưởng nói.

Thuận lợi của khối công nghệ và kỹ thuật trong việc hợp tác với doanh nghiệp, thuận lợi từ chỗ dựa quan trọng là thành tựu khoa học công nghệ đi trước, thuận lợi khi ngành Giáo dục đang xác định các trường thuộc nhóm công nghệ kỹ thuật là ưu tiên hay thuận lợi khi vai trò của Bộ chủ quản đang chuyển động để phù hợp với tự chủ đại học… cũng được Bộ trưởng đề cập với Đại học Bách khoa Hà Nội, với mong muốn trường sẽ nhìn nhận đầy đủ và tận dụng được các thuận lợi này.

Trong bối cảnh mới, để thực hiện được đầy đủ quyền tự chủ, Bộ trưởng lưu ý Đại học Bách khoa Hà Nội cần tập trung hoàn thiện thể chế. Cụ thể, cần tiếp tục hoàn thiện chiến lược, quy định nội bộ, luật chơi bên trong, lấy đó làm chỗ dựa, nền tảng cho tự do, bình đẳng, rõ ràng. Trong đó, cơ chế phối hợp giữa Hội đồng và Ban Giám đốc phải rất rõ ràng, rành mạch, đúng vai và đó chính là nền tảng cho đảm bảo sự đoàn kết, bền vững. 

Một số vấn đề về mô hình đào tạo, trong đó phải bám sát cốt lõi công nghệ và kỹ thuật; vấn đề tài chính, trong đó về lâu dài không thể trông chờ vào học phí; vấn đề phát triển khảo thí như một trách nhiệm, đóng góp với ngành… cũng được Bộ trưởng chia sẻ và gửi gắm tới Đại học Bách khoa Hà Nội.

“Mong rằng với khẩu hiệu Bách khoa nhưng không nên trăm mối, mà Bách khoa nhưng một mối, thống nhất trong đa dạng nhưng đa dạng phải thống nhất sẽ là tinh thần của Đại học Bách khoa Hà Nội trong đề án phát triển mới”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Ngày 02/12/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1512/QĐ-TTg chuyển Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thành Đại học Bách khoa Hà Nội, đánh dấu một mốc chuyển mình quan trọng trong quá trình phát triển của Nhà trường.

Sự chuyển đổi này đã được chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng, cẩn trọng, là sự kế thừa những kết quả và kinh nghiệm của quá trình thực hiện tự chủ suốt thời gian dài ở Đại học Bách khoa Hà Nội, được thực hiện với tinh thần quyết liệt, đảm bảo sự phát triển đúng với định hướng, tầm nhìn và chiến lược phát triển của nhà trường qua nhiều thế hệ.

Với cam kết trách nhiệm xã hội cao nhất, Đại học Bách khoa Hà Nội kiên định con đường đổi mới để phát triển thành một đại học nghiên cứu thuộc nhóm các cơ sở giáo dục đại học hàng đầu Châu Á, là hình mẫu thành công, phát triển bền vững của một đại học tự chủ toàn diện, có những đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh cho vùng đồng bằng sông Hồng, cho đất nước.

Nguồn tin: Trung tâm Truyền thông giáo dục

Bạn đang đọc bài viết “Đại học Bách khoa Hà Nội không chỉ phát triển cho mình mà còn phát triển cho quốc gia” tại chuyên mục Tin tức, sự kiện của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19