Thời lượng và chất lượng của quá trình bình duyệt: Từ góc nhìn tác giả

Bài viết của hai tác giả Janine Huisman và Jeroen Smits mang đến góc nhìn chuyên sâu về thời lượng và chất lượng của quá trình bình duyệt bài báo khoa học, thông qua phân tích dữ liệu từ 3500 trường hợp bình duyệt do tác giả của các bài báo khoa học báo cáo lại trên nền tảng website SciRev.sc.

Quá trình bình duyệt một bài báo khoa học thường được xem là một trong những công đoạn yếu nhất của toàn bộ quy trình sản xuất tri thức khoa học. Mặc dù nhiều trường hợp các bài báo có thể bình duyệt chỉ trong chưa tới một ngày, nhưng chúng thường bị bỏ lại trên bàn làm việc của các biên tập viên, các chuyên gia trong một khoảng thời gian dài hơn thế trước khi được đưa vào quy trình xuất bản. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có rất nhiều thời gian bị lãng phí.

Để tìm hiểu chi tiết về thời lượng và một số yếu tố then chốt khác của quá trình bình duyệt, nhóm tác giả tiến hành phân tích dữ liệu từ hơn 3500 trải nghiệm bình duyệt được các tác giả bài báo đăng tải trên website SciRev.sc. Trang web này cho phép các nhà khoa học chia sẻ trải nghiệm bình duyệt của mình khi nộp bản thảo cho các tạp chí khoa học lớn. Các dữ liệu này sau đó có thể được các nhà khoa học khác sử dụng để tham khảo trong quá trình lựa chọn tạp chí để đăng bài.

Dữ liệu được sử dụng trong bài nghiên cứu này là các trường hợp bình duyệt nghiên cứu diễn ra trong khoảng từ năm 2013 đến 2016. Website sẽ đưa ra cho người dùng các câu hỏi về thời lượng của các giai đoạn khác nhau trong quá trình bình duyệt bài báo khoa học, số lượng, chất lượng và độ khó của các kết quả phản biện, kết quả của quá trình bình duyệt, đồng thời đề nghị người dùng đưa ra đánh giá tổng thể về toàn bộ trải nghiệm của mình. Người dùng được kiểm tra kĩ lưỡng về danh tính để đảm bảo họ thực sự là một nhà khoa học.

Trong số 3500 trường hợp bình duyệt, có 572 trường hợp (16,3%) bản thảo bị từ chối mà không gửi cho phản biện, 693 trường hợp (19,8%) bị từ chối sau vòng phản biện đầu tiên, 2128 trường hợp (60,8%) bản thảo được chấp nhận sau một hoặc nhiều vòng phản biện, 43 trường hợp (1,2%) bản thảo đã được chấp nhận ngay lập tức mà không cần qua phản biện và 64 trường hợp (1,8%) bản thảo được tác giả rút lại.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, có sự khác biệt lớn về thời gian bình duyệt giữa các ngành nghiên cứu. Trong khi các tác giả thuộc chuyên ngành Dược và Sức khoẻ công cộng nhận được phản hồi đầu tiên trong thời gian trung bình 8-9 tuần, con số này đối với chuyên ngành Khoa học tự nhiên, Kỹ thuật, Tâm lý học và các tạp chí tổng quát là 11-14 tuần, đối với Kinh tế học, Kinh doanh, Khoa học Xã hội, Toán học, Khoa học máy tính, Khoa học nhân văn là 16-18 tuần. Trong khi 27-28% số tác giả từ chuyên ngành Dược và Sức khoẻ công cộng nhận được trả lời trong toàn 1 tháng, thì 18% tác giả thuộc các chuyên ngành Toán học, Khoa học máy tính, Kinh tế học và Kinh doanh phải chờ hơn 6 tháng.

Ngoài ra, thời lượng của quá trình bình duyệt còn nằm ở thời gian tác giả sửa chữa lại bản thảo theo ý kiến phản biện. Nhiều ý kiến cũng đánh giá tính hiệu quả của quy trình biên tập tại Tạp chí cũng là một trong những nguyên nhân, khi đề cập tới việc có nhiều bản thảo bị từ chối không qua bình duyệt (desk reject) nhưng cũng mất nhiều thời gian để thông báo quyết định này tới các tác giả.

Vân An lược dịch

Nguồn:

Huisman, J., & Smits, J. (2017). Duration and quality of the peer review process: the author’s perspective. Scientometrics, 113(1), 633–650. https://doi.org/10.1007/s11192-017-2310-5

Ghi chú: Các quan điểm của Tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Bạn đang đọc bài viết Thời lượng và chất lượng của quá trình bình duyệt: Từ góc nhìn tác giả tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19