Địa phương chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới

Ngày 8/3, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Hữu Độ cùng lãnh đạo các Vụ, Cục liên quan có buổi làm việc với tỉnh Đắk Nông và tỉnh Bình Định về thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Buổi làm việc được tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại buổi làm việc

Nhiều chuyển biến rõ nét

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Đắk Nông Phan Thanh Hải cho biết, trong những năm qua, UBND tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo Sở GDĐT tổ chức nghị cán bộ chủ chốt ngành giáo dục để quán triệt, triển khai thực hiện và chỉ đạo tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên trong toàn ngành về quan điểm đổi mới chương trinh sách giáo khoa. Đồng thời, ngành giáo dục đã phối hợp với các cơ quan báo, đài tuyên truyền trong nhân dân, nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Căn cứ các văn bản hướng dẫn của Bộ GDĐT, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường, đảm bảo yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương và cơ sở giáo dục; phát huy tính chủ động, sáng tạo của tổ chuyên môn và giáo viên trong việc thực hiện chương trình; khai thác, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới.

Để triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Sở GDĐT đã ban hành các văn bản nhằm hướng dẫn, triển khai bồi dưỡng đội ngũ, giáo viên, cán bộ quản lý thực hiện Chương trình GDPT 2018 trên địa bàn tỉnh theo các văn bản hướng dẫn của Bộ GDĐT. Chỉ đạo tổ chức các đợt tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, chuyên đề bộ môn cho cán bộ quản lý, giáo viên các cấp học.

Về cơ sở vật chất, trang thiếu bị dạy học, các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Đắk Nông cơ bản đáp ứng đủ 01 phòng học/ lớp. Các trường đã bố trí, sắp xếp linh họat các phòng học bộ môn, thí nghiệm thực hành, thư viện, thiết bị giáo dục… để đảm bảo quá trình dạy và học theo chương trình GDPT mới.

Là cơ sở giáo dục có những chuyển biến rõ nét trong quá trình thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, thầy Vũ Tiến Tiệp, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Vừ A Dính, xã Đắk Som (Đắk Glong) cho biết, nhà trường luôn được sự quan tâm thường xuyên của Sở GDĐT, Phòng GDĐT, tập huấn cho đội ngũ giáo viên dạy lớp 1, 2, 3 sử dụng sách giáo khoa mới; tổ chức nghiên cứu các văn bản về thay đổi nội dung nhằm giúp cho giáo viên cập nhật sự thay đổi về cả nội dung cũng như phương pháp dạy học mới. Học sinh chủ động tiếp thu kiến thức, tích cực thực hiện hoạt động giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực theo đúng mục tiêu của chương trình GDPT 2018. Công tác quản lý giáo dục của nhà trường được tăng cường, đội ngũ giáo viên được chuẩn hóa, được tăng cường phân cấp, phân quyền cho nhà trường, giáo viên. Bên cạnh đó, kinh phí giáo dục được ưu tiên, cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục được đầu tư, từ không đồng bộ thành đồng bộ.

Thầy Đào Quang Thanh, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du, huyện Đắk Glong nhận định: Nội dung sách giáo khoa, chương trình GDPT mới phù hợp với thực tiễn của nhà trường, địa phương. Cấu trúc chương trình, sách giáo khoa đảm bảo tính logic, phù hợp đặc thù của mỗi môn học, lứa tuổi học sinh. Đội ngũ giáo viên chuyên ngành, tổ chuyên môn, giáo viên phụ trách các môn học mới được tập huấn, bồi dưỡng modul, về sách giáo khoa, triển khai các môn học. Nội dung và hình thức sách giáo khoa mới có nhiều thực hành, thực tiễn, thiết kế sáng tạo, mới mẻ, khơi dậy tinh thần chủ động học tập của học sinh. Thông qua đó, học sinh được mở rộng kiến thức về xã hội và bản thân.

Không bỡ ngỡ, lúng túng khi triển khai đổi mới

Thông tin tại buổi làm việc, Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Bình Định Đào Đức Tuấn cho hay, hiện nay, các cơ sở giáo dục đã chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường trên cơ sở khung thời gian của năm học, bảo đảm thực hiện Chương trình GDPT 2018 hiệu quả, phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện thực hiện của mỗi nhà trường, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của năm học.

Việc tổ chức dạy học các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc, môn học tự chọn; bố trí thời gian thực hiện chương trình đảm bảo tính khoa học, sư phạm, không gây áp lực đối với học sinh; đảm bảo cuối năm học đạt được yêu cầu cần đạt theo quy định của chương trình; tạo môi trường cho học sinh được trải nghiệm, vận dụng các kiến thức đã học, phát huy năng lực đã đạt được trong chương trình các môn học, hoạt động giáo dục vào thực tiễn.

Đa số các nhà trường, tổ chuyên môn đã xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh phù hợp với kế hoạch giáo dục từng môn học, hoạt động giáo dục của nhà trường theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm quản lý kết quả giáo dục và học tập của học sinh để giảm áp lực về hồ sơ, sổ sách, dành nhiều thời gian cho giáo viên quan tâm đến học sinh và đổi mới phương pháp dạy học.

Việc phát hành sách giáo khoa, tài liệu tham khảo được các nhà sách trên địa bàn tỉnh đảm bảo cung ứng sách giáo khoa, sách bài tập, tài liệu tham khảo, tất cả học sinh đều mua được sách giáo khoa, các đơn vị trường học trực thuộc không có trường hợp học sinh nào không có sách giáo khoa để học. Đồng thời các nhà cung ứng có chính sách hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh nghèo, học sinh thuộc diện chính sách để xây dựng tủ sách dùng chung trong các cơ sở giáo dục phổ thông.

Về đội ngũ giáo viên, tỉnh đã được bổ sung về số lượng, được quan tâm nhiều đến cơ cấu và chất lượng. Công tác bồi dưỡng được thực hiện một cách chủ động, nội dung bồi dưỡng thiết thực, hiệu quả. Do đó, khi thực hiện chương trình mới giáo viên hoàn toàn chủ động xử lý các vấn đề mới phát sinh, không bỡ ngỡ, lúng túng.

Về cơ sở vật chất cũng đã được các địa phương quan tâm đầu tư, đa số các cơ sở giáo dục tiểu học có đủ phòng học để dạy học 2 buổi/ngày. Trang thiết bị được mua sắm bổ sung, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng giáo dục.

Đại diện Trường Tiểu học Cát Hiệp, huyện Phù Cát (Bình Định) chia sẻ: Nội dung và phương pháp dạy, học theo sách giáo khoa, Chương trình GDPT 2018 giúp thầy cô sáng tạo, chủ động, linh hoạt hơn trong việc tổ chức, thực hiện bài giảng, đánh giá quá trình học tập của học sinh. Học sinh đã mạnh dạn, tự tin, dám thể hiện quan điểm của mình và có nhiều kỹ năng vượt trội, nhất là chủ động tiếp nhận nhiệm vụ của giáo viên, khả năng làm việc nhóm, phân công nhiệm vụ trong nhóm được cải thiện cho thấy Chương trình giáo dục phổ thông 2018 phù hợp với đa số học sinh.

Hiệu trưởng Trường THPT An Nhơn số 2 (Bình Định) Huỳnh Vũ Quý cho biết: Chương trình GDPT giao quyền cho nhà trường do đó nhà trường được chủ động trong việc xây dựng kế hoạch học tập, kiểm tra, đánh giá. Cơ sở vật chất, trang thiết bị nhà trường được đầu tư cơ bản phù hợp triển khai Chương trình GDPT 2018. Đội ngũ giáo viên được nâng cao chất lượng giảng dạy thông qua bồi dưỡng, tập huấn, tổ chức trao đổi tổ chuyên môn, theo chuyên đề.

Giáo dục là một quá trình, cần thận trọng trong đánh giá

Tại buổi làm việc, đại diện các Vụ, Cục đã trao đổi, nêu các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện sách giáo khoa, chương trình giáo dục phổ thông mới tại các địa phương như tăng cường kiểm tra giám sát; kiến nghị về giá sách giáo khoa đối với các huyện nghèo, học sinh dân tộc thiểu số; tăng chỉ tiêu biên chế giáo dục; thu nhập, quy định về độ tuổi nghỉ hưu đội ngũ giáo viên; triển khai các môn học tích hợp, các môn học mới; tập huấn, bồi dưỡng modul…

Đánh giá cao tinh thần thích nghi, chủ động, linh hoạt trong thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT tại các địa phương, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề nghị tỉnh Đắk Nông và tỉnh Bình Định tiếp thu trao đổi của của các Vụ, Cục nhằm tháo gỡ khó khăn, tồn tại trong quá trình triển khai thực hiện tại địa phương.

Thứ trưởng nhấn mạnh: Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Nghị quyết số 88 của Quốc hội được Đảng, Nhà nước, nhân dân đặc biệt quan tâm. Là những người đi đầu thực hiện đổi mới, cán bộ, giáo viên phải nắm chắc, hiểu sâu chương trình. Từ đó, giúp xã hội hiểu rõ những việc ngành giáo dục đã và đang làm, hiểu được điểm mạnh, điểm yếu, chỉ rõ nguyên nhân và trách nhiệm.

Theo Thứ trưởng, giáo dục là một quá trình, khi xây dựng chương trình, có những việc triển khai được ngay, nhưng cũng có việc cần cả quá trình, không phải chờ đến khi đầy đủ mọi điều kiện mới làm. Do đó, đánh giá chương trình cần phải có thời gian, từng nhận định, đánh giá phải thận trọng. Chương trình mới được ban hành trong điều kiện hiện hành vì vậy phải xây dựng kế hoạch giáo dục linh hoạt, chủ động phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất của từng địa phương, từng cơ sở giáo dục để đạt được mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực theo đúng chương trình.

Thứ trưởng cũng lưu ý với các địa phương rà soát một số việc như: đổi mới đánh giá quá trình học tập của học sinh; công tác tập huấn, bồi dưỡng giáo viên; dạy môn học mới; lựa chọn môn học; xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường; kinh phí hoạt động, phân bổ ngân sách…

Nguồn tin: Trung tâm Truyền thông giáo dục

Bạn đang đọc bài viết Địa phương chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới tại chuyên mục Tin tức, sự kiện của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19