Tác động của “nhiệm vụ thứ ba” đối với hoạt động giảng dạy và nghiên cứu của các học giả ở Việt Nam

Bài viết của nhóm tác giả Anh Nguyen Quoc, Minh Thang Le và Hiep Hung Pham tìm hiểu về mối quan hệ giữa “nhiệm vụ thứ ba” của các nhà khoa học (bao gồm sự đóng góp học thuật, thương mại hoá khoa học và quan hệ công chúng) và hai nhiệm vụ truyền thống của họ (giảng dạy và nghiên cứu) trong bối cảnh Việt Nam - một quốc gia thuộc nhóm đang phát triển.

Trong những thập niên trước, đã có nhiều nghiên cứu về chủ đề “nhiệm vụ thứ ba” của các nhà khoa học, bên cạnh hai nhiệm vụ truyền thống đã được biết đến trước đó (giảng dạy và nghiên cứu). Nhiệm vụ thứ ba chủ yếu đề cập tới mối quan hệ và sự hợp tác giữa các trường đại học với các ngành công nghiệp hoặc khối kinh tế tư nhân, với các chính phủ và các nhà hoạch định chính sách, với truyền thông đại chúng hoặc cộng đồng ảo.

Đứng từ quan điểm học thuật, động lực để các nhà khoa học thực hiện “nhiệm vụ thứ ba” có thể đến từ chính mong muốn của bản thân nhà nghiên cứu được hợp tác với các cơ quan bên ngoài nhằm phát triển sự nghiệp, hoặc tìm kiếm nguồn tài trợ cũng như các nguồn lực khác giúp họ phát triển bản thân. Tuy nhiên, mặc dù nhận được ngày càng nhiều sự quan tâm của các nhà học giả, hiện vẫn còn nhiều quan điểm khác biệt về khái niệm “nhiệm vụ thứ ba” giữa các nhà nghiên cứu. Perkmann và cộng sự (2013) coi nhiệm vụ thứ ba là những tri thức được trao đổi trong quan hệ hợp tác giữa các học giả nghiên cứu và các đối tác phi học thuật của họ (bao gồm các ngành công nghiệp, các công ty tư nhân, các chính phủ…). Trong khi đó, Poliakoff và Webb (2007) lại xem nhiệm vụ thứ ba là sự tương tác giữa giới học thuật và công chúng nói chung.

Trong bối cảnh đó, nghiên cứu của nhóm tác giả Minh Thang Le và cộng sự nhằm xác định mối quan hệ giữa nhiệm vụ thứ ba và hai nhiệm vụ truyền thống của các nhà khoa học (giảng dạy và nghiên cứu), xét trong bối cảnh của một quốc gia đang phát triển là Việt Nam. Nghiên cứu sử dụng các phương pháp phân tích nhân tố khám phá (EFA) và phép phân tích thành phần chính (PCA) nhằm khái niệm hoá chính xác về “nhiệm vụ thứ ba”, cùng phương pháp phân tích nhân tố khẳng định và phân tích hồi quy bội để đánh giá mối quan hệ giữa nhiệm vụ thứ ba và hai nhiệm vụ truyền thống.

Nguồn: cityu.edu

Cách tiếp cận được các nhà nghiên cứu sử dụng trong bài viết là cách tiếp cận theo chủ nghĩa thực chứng. Các tác giả tự phát triển bảng hỏi tự ghi dựa trên cơ sở các công trình đi trước và gửi trực tiếp qua email cho 1.000 đồng nghiệp của chính các tác giả, trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 4/2020. Tỷ lệ câu trả lời hợp lệ được gửi về là 24,5%, tương đương 245 phiếu.

Kết quả nghiên cứu cho thấy nổi lên ba xu hướng chính trong mối quan hệ giữa “ba nhiệm vụ” của các nhà khoa học. Thứ nhất, có thể chia định nghĩa về nhiệm vụ thứ ba của các giảng viên đại học tại Việt Nam thành hai quan niệm chính: “đóng góp học thuật và thương mại hoá khoa học” (AECO) và “quan hệ công chúng và các công việc làm thêm bên ngoài” (PEEW). Thứ hai, đánh giá về tác động của AECO và PEEW đối với hiệu suất công việc giảng dạy và nghiên cứu vẫn còn nhiều yếu tố trái chiều. Cụ thể, mặc dù cả AECO, PEEW và sự tương tác giữa hai nhóm yếu tố này đều có mức tác động dương đối với hiệu suất nghiên cứu của các nhà khoa học, song chỉ có PEEW có tác động dương đối với hiệu suất giảng dạy của các học giả.

Thứ ba, về tác động của các đặc điểm nhân khẩu học của các học giả tham gia khảo sát, phân tích thực nghiệm của nhóm tác giả cho thấy các mức tác động khác nhau đối với hiệu suất nghiên cứu và giảng dạy của các nhà nghiên cứu. Cụ thể, tất cả các nhân tố nhân khẩu học, bao gồm giới tính, tuổi, kinh nghiệm nghiên cứu, học hàm, học vị đều có tác động (có ý nghĩa thống kê) đến hiệu suất nghiên cứu, tuy nhiên chỉ có bằng cấp và học vị có tác động (có ý nghĩa thống kê) đến hiệu suất giảng dạy của các nhà khoa học.

Vân An lược dịch

Nguồn:

Nguyen Quoc, A., Le, M. T., & Pham, H. H. (2021). The Impact of the Third Mission on Teaching and Research Performance: Evidence From Academic Scholars in an Emerging Country. SAGE Open, 11(4). https://doi.org/10.1177/21582440211054493 

Ghi chú: Các quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí GIáo dục.

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19