Một số khuyến nghị về chính sách tự chủ trong giáo dục đại học tại Việt Nam

Tự chủ đại học là một trong những chính sách đại học quan trọng trong đổi mới giáo dục đại học tại các quốc gia trên thế giới. Mỗi quốc gia có một chính sách riêng về tự chủ đại học dựa trên các đặc điểm riêng. Dựa trên những kinh nghiệm đó, Việt Nam có thể rút ra các bài học để chính sách về tự chủ đại học hiệu quả hơn.

Giáo dục đại học (GDĐH) thế giới có xu thế chuyển đổi từ mô hình đào tạo tinh hoa, được nhà nước tài trợ sang hình thức đào tạo đại trà, thị trường hóa với áp lực cạnh tranh toàn cầu. Giáo dục đại học Việt Nam, trong xu thế chung của thế giới, đã mở rộng và phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Tự chủ đại học được xem là một trong những chính sách quan trọng thúc đẩy đổi mới trong giáo dục đại học tại Việt Nam. Tuy nhiên, sau gần 20 năm thực hiện, tự chủ đại học tại Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập và chưa đạt được kết quả như kì vọng (Mai et al., 2020). Để các chính sách tự chủ hiệu quả hơn, Việt Nam có thể học tập các quốc gia khác trên thế giới trong xây dựng vài triển khai chính sách.

Bài báo Models of university autonomy and their relevance to Vietnam của nhóm tác giả Mai Ngọc Anh, Đỗ Thị Hải Hà, Mai Ngọc Cương và Nguyễn Đăng Núi được đăng trên tạp chí Journal of Asian Public Policy đã đề cập đến những vấn đề của tự chủ trong giáo dục đại học Việt Nam và bài học kinh nghiệm của thế giới.

Bằng phương pháp tổng quan hệ thống, nhóm tác giả đã tổng hợp và đánh giá các bài báo có chủ đề về tự chủ đại học tại các quốc gia đại diện cho các mô hình quản trị đại học trên thế giới. Bên cạnh đó, để có thể xác định các vấn đề trong chính sách tự chủ của Việt Nam, nhóm tác giả cũng tổng hợp và đánh giá các văn bản pháp luật có liên quan trong giai đoạn từ 2005 đến nay. Kết hợp với quá trình quan sát và trao đổi với nhóm  nhân viên chính thức và lãnh đạo tại một số cơ sở công lập tại Việt Nam, bằng phương pháp tiếp cận quy nạp và diễn dịch, nhóm tác giả đã so sánh các chính sách tự chủ đại học theo các mô hình quan trị khác nhau và đưa ra một số khuyến nghị cho Việt Nam.

Nguồn ảnh: VNU Hanoi

Bài học kinh nghiệm từ các quốc gia khác cho thấy, mỗi quốc gia có một chính sách riêng về tự chủ đại học và mức độ tự chủ của các cơ sở GDĐH của từng quốc gia là khác nhau. Các chính sách về tự chủ đại học được xây dựng dựa trên đặc điểm văn hóa, khung pháp lý cũng như các tiêu chuẩn riêng của từng quốc gia. Ví dụ, ba quốc gia Đức, Pháp và Trung Quốc đều có các đặc điểm tương đồng trong các tiêu chí trên bốn khía cạnh chính của tự chủ đại học bao gồm: nhân sự, học thuật, tài chính và tổ chức. Các vị trí quan trọng trong các cơ sở GDĐH công lập đều được nhà nước bổ nhiệm hoặc có biên chế của nhà nước; bên cạnh các vị trí cố định, các cơ sở GDĐH cũng có các hệ thống theo dõi và đánh giá định kỳ giúp nâng cao hiệu quả hoạt động; các cơ sở GDĐH công lập cũng được đa dạng hóa nguồn thu ngoài nguồn thu từ tài trợ của chính phủ; học phí vẫn được Chính Phủ tài trợ, sinh viên chỉ phải chi trả một phần học phí thấp hơn đáng kể so với phần tài trợ của Chính Phủ;  quyền tự do học thuật được xác định dựa trên kết quả kiểm định và đánh giá của các đơn vị kiểm định độc lập. 

Bên cạnh những điểm tương đồng, các quốc gia cũng có nhiều điểm khác biệt trong chính sách tự chủ đại học về cơ cấu quản trị; mức độ cho phép huy động tài chính từ bên ngoài; quy trình đánh giá và bổ nhiệm nhân sự và mức độ tự do học thuật. Dựa trên những đặc điểm này, một số khuyến nghị về chính sách tự chủ trong giáo dục đại học của Việt Nam đã được đưa ra:

Về góc độ tổ chức, hiệu trưởng các cơ sở GDĐH đang gặp khó khăn trong điều hành trường khi chịu tác động của hai cơ chế quản lý riêng biệt nhưng có ảnh hưởng mạnh đến chiến lược phát triển của trường là Hội đồng trường và Đảng Ủy. Để có thể giải quyết vấn đề này, cần tách bạch vai trò của Đảng ủy và Hội đồng trường trong xây dựng chiến lược phát triển cơ sở GDĐH. Về góc độ tài chính, các cơ sở GDĐH hiện nay được cấp ngân sách theo chu kỳ ba năm. Ngoài ra, các cơ sở GDĐH tính toán mức thu học phí dựa trên khung quy định của chính phủ. Điều này đã làm các cơ sở GDĐH không thể “tính đúng, tính đủ” mức học phí đảm bảo đúng chi phí đào tạo đã bỏ ra. Để giải quyết vấn đề này, các cơ sở GDĐH Việt Nam cần được cấp ngân sách theo một cơ chế bền vững hơn và học phí cần được tính toán đủ chi phí đào tạo (Dao, 2015). Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ người học cần được đẩy mạnh để  vai trò xã hội của các cơ sở GDĐH tiếp tục được phát triển (Le et al., 2021). Về góc độ nhân sự, phức tạp trong cơ chế quản lý và chảy máu chất xám đang là những vấn đề mà các cơ sở GDĐH Việt Nam đang phải đối mặt (Dao, 2015; Mai et al., 2020). Để giải quyết vấn đề này, các cơ sở GDĐH cần cải thiện môi trường làm việc, nâng cao thu nhập của nhân viên và có cơ chế phù hợp nhằm đánh giá hiệu quả làm việc nhằm đảm bảo tính công bằng trong quản lý nhân sự (Mai et al., 2020). Cuối cùng, về góc độ học thuật, GDĐH Việt Nam cần có một hệ thống các cơ sở đảm nhiệm vai trò kiểm định chất lượng một cách độc lập và không có liên hệ trực tiếp với các cơ sở GDĐH. Các cơ sở GDĐH có thể tự do lựa chọn các cơ sở kiểm định chất lượng (Mai et al., 2020).

Phạm Oanh lược dịch

Nguồn:

Anh Ngoc Mai, Ha Thi Hai Do, Cuong Ngoc Mai & Nui Dang Nguyen (2020): Models of university autonomy and their relevance to Vietnam, Journal of Asian Public Policy, DOI: 10.1080/17516234.2020.1742412

Ghi chú: Những quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Bạn đang đọc bài viết Một số khuyến nghị về chính sách tự chủ trong giáo dục đại học tại Việt Nam tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19