Trước sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, giáo dục đại học cần làm gì để thích nghi?

Trước những nhận định về khả năng gần như vô hạn của ChatGPT, tác giả Leanne Ramer (giảng viên Đại học Simon Fraser, Canada) đã đưa ra những phản hồi khuyến khích giáo dục đại học có diễn ngôn cởi mở, liên ngành và hỗ trợ nghiên cứu tìm hiểu AI từ nhiều góc độ.

Năm 2023, mọi lĩnh vực trong đời sống đều có thể sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và các ứng dụng ngày càng mở rộng. Có thể nhận xét rằng AI thâm nhập vào hầu hết mọi khía cạnh trong cuộc sống của con người. Vì vậy, việc phát hành ChatGPT đã gây ra “sự náo động” trong giáo dục đại học.

Khắp các cơ sở giáo dục đại học, tác động của ChatGPT đối với tính liêm chính trong học thuật trở thành mối lo ngại chung của nhà quản lý giáo dục và giáo viên. Sinh viên có thể sử dụng các công cụ AI để gian lận. Những bài tập cơ bản ở mức độ một AI phiên bản thử nghiệm có thể dễ dàng làm và đạt điểm cao không còn là cơ sở chính xác để giáo viên có thể đánh giá đúng đắn sinh viên.

Do đó, giáo viên nên tận dụng tiềm năng của AI trong giảng dạy và nghiên cứu thay vì giám sát hoạt động hay hạn chế quyền truy cập máy tính. Giáo viên phải nhanh chóng điều chỉnh cách tiếp cận của bản thân để đánh giá, chuẩn bị học và làm việc với AI khi nó phát triển. Đồng thời, giáo viên cần nâng cao tư duy của bản thân và khai thác kiến thức chuyên môn trong các lĩnh vực để đối mặt với những thành kiến cố hữu cũng như các vấn đề về đặc quyền và quyền tiếp cận. Bên cạnh những khuyến nghị trên, trước sự phát triển của AI, Leanne Ramer cũng đưa ra kêu gọi hành động liên ngành đối với các cơ sở giáo dục đại học thông qua 3 bước: Thích ứng, Phát triển và Nâng tầm.

Bước 1: Thích ứng

ChatGPT là dấu hiệu báo trước về sự phát triển của công nghệ sau này và nó buộc giáo viên phải nhanh chóng thay đổi để có thể khai thác các tiềm năng của ứng dụng. Bắt đầu thật dễ dàng: hãy tạo một tài khoản miễn phí và sử dụng nó. Thử nghiệm này sẽ nhanh chóng cho thấy cách ChatGPT có thể được sử dụng trong môn học và lớp học mà giáo viên phụ trách – cũng như những hạn chế của ứng dụng. Ví dụ: Leanne Ramer đã bắt đầu cuộc trò chuyện với ChatGPT bằng các câu hỏi về giải phẫu chức năng cấp độ 300 và 400. 

Và cuộc trò chuyện này diễn ra rất tệ khi ChatGPT không có thông tin hoặc thông tin sai lệch. Đối với nhiều giáo viên, 10 phút trên ChatGPT làm giảm bớt những lo ngại về việc con người sẽ lạm dụng nó. ChatGPT tạo lập văn bản, mã (code), lập luận và nêu giải pháp có vẻ hợp lý nhưng không chính xác. Đối với việc giảng dạy, đây là một “mỏ vàng” mà giáo viên có thể khai thác.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng những hạn chế này có thể sẽ tồn tại trong thời gian ngắn: nó sẽ cải thiện nhanh chóng và sẽ được thay thế bằng công nghệ mới hơn và tốt hơn (bao gồm cả ChatGPT-4). Tạm thời, giáo viên khai thác những hạn chế của ChatGPT giúp sinh viên tiếp cận cùng một nội dung hoạt động trong các lĩnh vực nhận thức cao hơn, thay vì nội dung chỉ dừng ở mức độ tư duy bậc thấp hay khả năng ghi nhớ. Giáo viên có thể dạy sinh viên đánh giá lại các giải pháp do AI đề xuất theo cách sinh viên đánh giá tính chính xác của bất kỳ nguồn thông tin nào khác – và tư duy phản biện này là một bài học xứng đáng với nỗ lực, chuyên môn của giáo viên và học phí của sinh viên.

Bước 2: Phát triển

Ngoài việc kiểm tra và chỉ ra những hạn chế của ChatGPT với tư cách là một công cụ dạy và học, giáo viên cần học cách tận dụng các khả năng của nó. Trước đó, Matt Miller đã đưa ra những ý tưởng sử dụng AI trong giáo dục. Theo Leanne Ramer, có hai cách có thể áp dụng rộng rãi.

Đầu tiên là tận dụng ChatGPT như một công cụ tìm kiếm mạnh mẽ và là bệ phóng cho nghiên cứu và ý tưởng. Giáo viên chỉ cho sinh viên cách sử dụng ChatGPT để tạo ý tưởng cho bài nghiên cứu. Ứng dụng có thể cung cấp một bản tóm tắt ở cấp độ cao về một lĩnh vực và giúp giáo viên soạn thảo một chiến lược tìm kiếm trong cơ sở dữ liệu học thuật. Giáo viên thử đặt câu hỏi phù hợp và sử dụng gợi ý phù hợp – và điều này rất quan trọng: tận dụng AI một cách hiệu quả là một kỹ năng mà sinh viên cần trau dồi.

ChatGPT cũng có thể được sử dụng để giúp sinh viên thực hành nhận thức và học cách học. Là người học việc trong chuyên ngành của mình, sinh viên dựa vào người dạy để đưa ra các chiến lược và suy nghĩ nhằm giải quyết nội dung một cách rõ ràng và ChatGPT có thể được tận dụng trong quá trình này.

Đối với bài báo trên New York Times về tiềm năng giáo dục của ChatGPT, Kevin Roose đã phỏng vấn giáo viên Lịch sử lớp 8 Jon Gold. Jon Gold cho biết bản thân đã sáng tạo khi yêu cầu ChatGPT đưa ra các câu hỏi trách nghiệm về một bài học Jon lựa chọn. Từ đó, Leanne Ramer đề xuất ý tưởng mới: giáo viên có thể hướng dẫn sinh viên sử dụng tạo lập các câu hỏi, sau đó chọn câu hỏi hay nhất và gửi câu hỏi đó để đóng góp vào một bài kiểm tra.

Và, điều này mô hình hóa nhiều ý tưởng quan trọng: cách thức và liệu có nên sử dụng AI làm điểm khởi đầu để tóm tắt và đánh giá hay không; làm thế nào để tích cực kiểm tra bản thân về vật chất, thay vì dừng lại ở tiêu thụ thụ động; điều gì tạo nên một câu hỏi kiểm tra hay và tại sao; điều gì làm cho một câu hỏi dễ hoặc khó và tại sao; và những khía cạnh nào của tài liệu đáng để tham khảo và tại sao.

Bước 3: Nâng tầm

ChatGPT là chất xúc tác mời gọi giáo viên tự vấn về các phương pháp giảng dạy của bản thân – với kết quả tiềm năng là nâng cao chất lượng công việc. Song song, giáo viên cần nâng cao tư duy của mình. Thay vì tập trung vào vấn đề sinh viên gian lận trong các bài kiểm tra thì ban đầu, giáo viên cần chuyển hướng các cuộc đối thoại và năng lượng của bản thân vào các vấn đề phức tạp hơn xung quanh việc sử dụng AI: đâu là những quan điểm, ý kiến được lấy làm quy chuẩn (tức là những thành kiến cố hữu) được tích hợp trong ứng dụng? Những loại dữ liệu nào được AI sử dụng và những dữ liệu đó được thu thập như thế nào? Tác phẩm, ý kiến và phát ngôn của cá nhân hay tập thể nào được coi là có thẩm quyền chi phối câu chữ của ứng dụng (và điều đó được xác định như thế nào)? Phát ngôn của ai bị gạt ra bên lề, bị giảm thiểu hoặc bị loại trừ? Các công cụ AI trong tương lai có giá trị bao nhiêu và chi phí này sẽ do sinh viên hay các cơ sở giáo dục chi trả?

Để đối mặt với những vấn đề xung quanh AI, phản hồi khuyến khích diễn ngôn cởi mở, liên ngành và hỗ trợ nghiên cứu tìm hiểu AI từ nhiều góc độ, bao gồm cả ý nghĩa đạo đức và xã hội là những phản hồi Leanne Ramer đưa ra đối với ChatGPT và những người kế nhiệm công nghệ này. Ngoài việc buộc giáo viên phải cập nhật các phương pháp giảng dạy mới, ChatGPT buộc giáo viên phải rời khỏi “vùng an toàn” mà tham gia với các đồng nghiệp ở các đơn vị và bộ môn khác: giáo viên ngoài chuyên môn của bản thân còn cần chuyên môn trong các lĩnh vực khác để cung cấp thông tin cho quá trình ra quyết định trong thực tiễn và để kiểm tra vai trò của AI trong giáo dục đại học và trong xã hội.

Đã hết thời gian để các nhà giáo dục thảo luận về khả năng lạm dụng AI trong giáo dục đại học. Thời gian cho việc khai thác công nghệ này để nâng cao giáo dục đại học lên một thứ gì đó phù hợp đã đến. Các tổ chức và cá nhân từ chối thích nghi với một thế giới mà AI đóng vai trò trung tâm có nguy cơ trở thành “loài khủng long bị tuyệt chủng khoảng 65 triệu năm trước”. Có lẽ đã đến lúc nhiều tiêu chuẩn và quy trình kiểm tra đánh giá khi không còn phù hợp trong giáo dục đại học cũng phải chịu chung số phận.

Huyền Đức dịch

Nguồn:

Leanne Ramer (2023 Feb 22). Adapt, evolve, elevate: ChatGPT is calling for interdisciplinary action. Times Higher Education (THE).

https://www.timeshighereducation.com/campus/adapt-evolve-elevate-chatgpt-calling-interdisciplinary-action?fbclid=IwAR0Z3bSp4oPuSH2_sIA5x81s3hejw2CNN2jbdSuIE3CKir90Ic6-Z9NrcM0

Ghi chú: Những quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Bạn đang đọc bài viết Trước sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, giáo dục đại học cần làm gì để thích nghi? tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19