Đổi mới giáo dục phổ thông: Trường ngoài công lập bắt nhịp thuận lợi

Chiều 18/2, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ và lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã có buổi làm việc với Trường Tiểu học, THCS & THPT Nguyễn Siêu (Hà Nội) nhằm lắng nghe, nắm bắt tình hình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở một đơn vị giáo dục ngoài công lập.

“Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được chờ đợi từ lâu”

Trao đổi về quá trình thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 của Trường Tiểu học, THCS & THPT Nguyễn Siêu, cô giáo Nguyễn Thị Minh Thúy, Hiệu trưởng nhà trường khẳng định: Chương trình 2018 đã được trường Nguyễn Siêu chờ đợi từ lâu, bởi quan điểm xây dựng, mục tiêu của Chương trình tiệm cận, trùng khớp với các chương trình quốc tế mà trường đã triển khai trong hàng chục năm qua; tạo điều kiện thuận lợi trong việc xây dựng và phát triển chương trình tích hợp tại trường.

Quang cảnh buổi làm việc

Thuận lợi lớn nhất là Chương trình trao quyền tự chủ cho nhà trường và giáo viên, giúp nhà trường và giáo viên chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục, kế hoạch dạy học môn học, hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế trên cơ sở bảo đảm mục tiêu, nội dung, yêu cầu cần đạt của chương trình. Việc có nhiều bộ sách giáo khoa giúp giáo viên có nhiều tư liệu phục vụ dạy học, nguồn học liệu phong phú, đa dạng hình thức dạy học.

Về chuẩn bị đội ngũ giáo viên, cô Thúy cho biết: Cán bộ, giáo viên nhà trường được tham gia đầy đủ các lớp tập huấn chương trình, sách giáo khoa, những đổi mới về phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá. Ngoài ra, nhà trường xây dựng chương trình tập huấn chuyên sâu về nhiều chủ đề dành riêng cho cán bộ quản lý, giáo viên, mời các chuyên gia hướng dẫn, chia sẻ.

Kinh nghiệm nhiều năm thực hiện chương trình Cambridge, chương trình trường học mới cũng giúp cán bộ, giáo viên nhà trường được tiếp cận với phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá mới, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, nhà trường luôn nhận được sự quan tâm, đầu tư của Hội đồng trường, có đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, học liệu. Hệ thống các phòng học chức năng được trang bị đầy đủ, hiện đại, đạt chuẩn; các lớp học được đầu tư đổi mới không gian, đáp ứng yêu cầu của cả Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và chương trình quốc tế.

Chia sẻ cảm nhận ban đầu về Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cô Thúy cho hay: Chương trình mới phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đổi mới, có tính khả thi cao, phù hợp với điều kiện của nhà trường. Nội dung kiến thức có tính ứng dụng thực tế nên học sinh hứng thú tiếp nhận kiến thức, phát huy được năng lực của học sinh.

Cô giáo Nguyễn Thị Minh Thúy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học, THCS & THPT Nguyễn Siêu trao đổi tại buổi làm việc

Các môn tích hợp giúp tinh giản, tránh chồng chéo nội dung, giảm hợp lý số môn học; giúp học sinh liên kết các nhóm kiến thức liền mạch, xuyên suốt; học sinh có cơ hội vận dụng kiến thức, kỹ năng của nhiều môn học vào giải quyết các tình huống thực tiễn, mang tính ứng dụng cao, gần gũi với cuộc sống.

Bên cạnh những thuận lợi, theo Hiệu trưởng Nguyễn Thị Minh Thúy, việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại trường Nguyễn Siêu cũng còn một số khó khăn. Trong đó, lớn nhất là sự thiếu ổn định về đội ngũ giáo viên, khi giáo viên vẫn có tâm lý muốn vào trường công hoặc muốn chuyển đổi công việc ngay trong hệ thống trường tư. Ngoài ra, sự chênh lệch về tuổi tác, thế hệ giáo viên cũng dẫn tới khó khăn trong tập huấn tiếp cận chương trình.

Tác động của hơn 2 năm Covid-19 tới học sinh khối lớp 3 làm cho giáo viên rất vất vả và công tác truyền thông tới phụ huynh về việc lựa chọn tổ hợp môn học ở lớp 10 còn hạn chế dẫn tới việc lựa chọn tổ hợp cảm tính cũng là 2 vấn đề được cho là khó khăn khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại trường Nguyễn Siêu.

Một trong những đề xuất được Hiệu trưởng và nhiều giáo viên của nhà trường trao đổi là Bộ GDĐT sớm có hướng dẫn chuẩn đầu ra của chương trình mới và phương án thi tốt nghiệp năm 2025. Về vấn đề này, đại diện Bộ GDĐT đã có trả lời cụ thể.

“Tinh thần hào hứng của thầy cô giúp vững tâm hơn về quá trình đổi mới”

Cũng tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ và lãnh đạo Vụ Giáo dục Trung học, Vụ Giáo dục Tiểu học đã cùng trao đổi, đặt câu hỏi đến cán bộ, giáo viên nhà trường xung quanh việc thực hiện chương trình mới. Trong đó có sự chuyển đổi và tâm thế của đội ngũ khi triển khai chương trình; hoạt động bồi dưỡng giáo viên; xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường và kế hoạch bài dạy; tổ chức hoạt động trải nghiệm và hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp; triển khai nội dung giáo dục địa phương…

Giáo viên trường Nguyễn Siêu chia sẻ tại buổi làm việc

Chia sẻ của cán bộ quản lý, giáo viên cho thấy, thầy cô, nhà trường đã phát huy sự chủ động, linh hoạt khi triển khai chương trình mới. Chương trình mới đòi hỏi tư duy và yêu cầu đổi mới phương pháp của giáo viên cao hơn rất nhiều. Triển khai cái mới có khó khăn, nhưng đây là áp lực, đồng thời là động lực để giáo viên đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá nhằm phát triển phẩm chất, năng lực người học. Để thực hiện đổi mới, việc quan trọng nhất cần làm là thay đổi tư duy, nhận thức…

Lắng nghe chia sẻ, trao đổi của cán bộ, giáo viên Trường Tiểu học, THCS & THPT Nguyễn Siêu - những người thực thi bản thiết kế Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ, những trao đổi, ý kiến phản hồi của giáo viên đã củng cố thêm đánh giá tổng quan về việc triển khai chương trình; tinh thần hào hứng, phấn khởi của thầy cô đã giúp vững tâm hơn về quá trình đổi mới.

Theo Bộ trưởng, mỗi môi trường, hoàn cảnh sẽ có sự đón nhận khác nhau, nhìn ra vấn đề khác nhau khi thực hiện chương trình mới. Mỗi nhóm có thuận lợi, khó khăn riêng nhưng khối ngoài công lập đang có nhiều ưu thế triển khai chương trình mới và bắt nhịp điểm mới thuận lợi hơn. Trong khi nhiều trường công lập, nhất là ở vùng khó khăn, 2 vấn đề lớn đặt ra khi triển khai chương trình là trang thiết bị và đội ngũ giáo viên, thì cái khó của hệ thống ngoài công lập phần nhiều là ở chuyên môn, vấn đề đội ngũ cũng có cái khó nhưng ở khía cạnh khác so với trường công lập.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc

Nhấn mạnh, bất kể công hay tư, hay quốc tế, ban hành một chương trình mới phải tương thích với điều kiện có thể của quốc gia, điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội và cả tâm lý của người dân, Bộ trưởng khẳng định: Lần cải cách này rất sâu sắc, đi vào chiều rất sâu và càng thay đổi chiều sâu thì thách thức đặt ra càng lớn. Quá trình đổi mới là lâu dài. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có mục tiêu cốt lõi cần đạt tới ngay, nhưng cũng có việc chúng ta cần từng bước chuẩn bị để đạt tới.

Bộ trưởng cũng cho rằng, chương trình thay đổi lớn, nhưng trong thực hiện không nên cực đoan, chuyển từ cực này sang cực khác, mà cần hài hòa, kế thừa những tích cực từ cái cũ. Ví dụ, tránh cực đoan trong chuyển từ giáo dục nặng về trang bị kiến thức sang chú trọng phát triển phẩm chất, năng lực người học. Kiến thức cũng có giá trị quan trọng, phải có kiến thức mới hình thành được năng lực, chỉ có điều không phải lấy kiến thức làm mục tiêu…

Với những lợi thế hiện có, Bộ trưởng mong muốn trường Nguyễn Siêu phát huy hết sức có thể, trong triển khai có đánh giá từng chặng, từng nội dung, từng vấn đề. Một số nội dung trường làm tốt như dạy học tích hợp nên được phát huy, lan tỏa kinh nghiệm cho các đơn vị khác.

Bộ trưởng đồng thời lưu ý nhà trường cần làm tốt hơn công tác “phụ huynh vận”, huy động được sự chia sẻ của phụ huynh nhiều hơn nữa trong quá trình triển khai đổi mới, bởi phụ huynh đồng hành được thì giá trị gia tăng của đổi mới sẽ mạnh mẽ hơn.

Trước đó, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã tới dự lễ Kỷ niệm năm học thứ 30 của Trường Tiểu học, THCS & THPT Nguyễn Siêu (Hà Nội) và thừa ủy quyền của Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho nhà trường.

Nguyễn Siêu là một trong 4 trường dân lập đầu tiên của cả nước được thành lập vào năm 1991 và bắt đầu đi vào hoạt động từ năm học 1992-1993. Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển với mục tiêu chiến lược “Vì hạnh phúc gia đình, vì tiến bộ xã hội - Thầy mẫu mực, trò chăm ngoan, học giỏi”, trường Nguyễn Siêu đã luôn giữ vững ngọn cờ tiên phong, kịp thời nắm bắt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo của ngành Giáo dục, của thành phố Hà Nội và sự lãnh đạo của Đảng bộ của nhà trường để vượt qua mọi khó khăn, thử thách mà lớn mạnh, trở thành cánh chim đầu đàn của giáo dục ngoài công lập nước nhà trong sự nghiệp đổi mới, sáng tạo, hội nhập quốc tế và chuyển đổi số.

Trường Nguyễn Siêu bao gồm 2 trường: Trường Tiểu học Nguyễn Siêu, Trường THCS&THPT Nguyễn Siêu. Năm học 2022-2023 trường có 406 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó có 60 giáo viên quốc tế và 2633 học sinh. Nguyễn Siêu là ngôi trường song ngữ - đa văn hóa hàng đầu Việt Nam đào tạo công dân toàn cầu mang bản sắc Việt Nam hội nhập quốc tế.

Nguồn tin: Trung tâm Truyền thông giáo dục

Bạn đang đọc bài viết Đổi mới giáo dục phổ thông: Trường ngoài công lập bắt nhịp thuận lợi tại chuyên mục Tin tức, sự kiện của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19