Những nội dung thường gặp trong một bản đề cương nghiên cứu (Phần 2)

Nối tiếp phần trước, Tạp chí Giáo dục giới thiệu tới bạn đọc phần hai bài viết của nhóm tác giả M. Annersten và R. Wredling hướng dẫn cách viết các nội dung thường gặp của một bản đề cương nghiên cứu tiêu chuẩn.

Một bản đề cương nghiên cứu thu hút đóng vai trò rất quan trọng để các nhà nghiên cứu tập hợp đủ nguồn lực (thường là tài chính) phục vụ việc thực hiện một dự án hoặc nghiên cứu thành công. Các cơ quan tài trợ sẽ dựa vào bản đề cương này làm cơ sở để đưa ra quyết định tài trợ của họ. Một số đơn vị thậm chí còn yêu cầu nhà nghiên cứu viết đề cương thành hai bước: bước đầu tiên là một bản kế hoạch tóm tắt, và sau khi được thông qua, nhà nghiên cứu tiếp tục gửi một bản đề xuất chi tiết hơn.

Các bản đề cương nghiên cứu thường có một số mục chung cần phải đảm bảo, và trong bài viết này, nhóm tác giả trình bày một số mục quan trọng cần có trong một bản đề cương nghiên cứu tiêu chuẩn.

Phương pháp nghiên cứu

Phần mô tả các phương pháp nghiên cứu dự định cần phải được viết đủ kỹ lưỡng để khiến người đọc tin tưởng rằng các mục tiêu nghiên cứu sẽ được giải quyết. Cơ sở lý luận cho phương pháp được chọn cũng phải được nêu rõ ràng. Đầu tiên, cần trình bày thiết kế nghiên cứu, các thử nghiệm mô tả theo từng lớp cắt dọc, cắt ngang, đối chứng ngẫu nhiên. Thứ hai, cần mô tả rõ ràng về kế hoạch lấy mẫu và số lượng người tham gia; số lượng người tham gia nên được chứng minh khoa học thống kê, có tính ngẫu nhiên. Thứ ba, cần mô tả các công cụ sẽ được sử dụng trong nghiên cứu; ví dụ như bảng hỏi, các quy trình cụ thể như chương trình giáo dục bệnh nhân hoặc trang thiết bị.

Nhận thức về đạo đức nghiên cứu

Cần phải mô tả rõ bất kì khía cạnh đạo đức nào có liên quan đến nghiên cứu và cách thức giải quyết các yếu tố đó nhằm đảm bảo sự an toàn và toàn vẹn của những người tham gia nghiên cứu (bệnh nhân hoặc các tình nguyện viên khoẻ mạnh) luôn được bảo vệ trong mọi trường hợp. Các yếu tố rủi ro đối với cá nhân tham gia không được vượt quá kết quả có lợi dự kiến, cả trong trường hợp của cá nhân tham gia và các nhóm lớn. Việc tham gia nghiên cứu phải là tự nguyện và chỉ được đồng ý sau khi thông tin bằng văn bản chính xác, chi tiết được cung cấp về tác động tích cực và tiêu cực của nghiên cứu đối với người tham gia.

Thời gian nghiên cứu

Mặc dù thông thường, có vẻ như thời gian sẽ không bao giờ là đủ để tiến hành một nghiên cứu hoàn hảo, nhưng để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiến hành nghiên cứu, sẽ rất hữu ích nếu nhóm nghiên cứu có thể nêu ra một thời hạn thực tế để hoàn thành nghiên cứu, cùng một số mốc quan trọng của nghiên cứu, chẳng hạn như thời hạn đệ trình lên ủy ban đạo đức, và cần phải bố trí một khoảng thời gian dự phòng nếu ủy ban yêu cầu thêm thông tin.

Nhân sự tham gia nghiên cứu

Một nghiên cứu thường đòi hỏi sự kết hợp của nhiều kĩ năng học thuật khác nhau. Các kĩ năng chính thức và cả kinh nghiệm nghiên cứu trong lĩnh vực của các thành viên tham gia nhóm cần được mô tả ở phần. Nên mô tả sự kết hợp của các nhà nghiên cứu trong nhóm và kinh nghiệm của họ liên quan đến (các) phương pháp được sử dụng, cũng như sự đóng góp mà các nhà nghiên cứu cho rằng họ sẽ có thể thực hiện đối với một số phần của nghiên cứu.

Cơ sở vật chất

Bản đề cương nghiên cứu nên đề cập tới mức độ sẵn có của các cơ sở vật chất chuyên ngành và/hoặc thiết bị theo yêu cầu của dự án, chẳng hạn như quyền truy cập vào thiết bị sinh lý học, thư viện, máy tính, thiết bị xử lý dữ liệu, tài liệu hoặc hồ sơ đặc biệt hoặc phòng thí nghiệm; ví dụ, nghiên cứu có thể yêu cầu một trang web. Điều này nên được mô tả để cung cấp thông tin cho các nhà tài trợ hoặc cố vấn nghiên cứu và đảm bảo cho họ rằng rằng dự án sẽ có thể tiến hành theo kế hoạch.

Kinh phí

Khoản tài trợ được đề xuất phải hợp lý liên quan đến lượng tri thức thu được từ nghiên cứu. Ngân sách được đánh giá liên quan đến tính ứng dụng của nghiên cứu, kể cả dự án là dài hạn hay ngắn hạn. Ngân sách cũng cần bao gồm vật tư tiêu hao, phần mềm, chi phí vận chuyển và bưu phí, nhân viên, thiết bị, địa phương, hoàn trả cho người tham gia, điều tra y tế, phân tích trong phòng thí nghiệm, thời gian phân tích và trình bày kết quả, bao gồm chi phí đi lại và phí hội nghị, phí đăng ký tham dự.

Vân An lược dịch

Nguồn: 

Annersten, M., & Wredling, R. (2006). How to write a research proposal. European Diabetes Nursing, 3(2), 102-105. https://doi.org/10.1002/edn.52

Ghi chú: Các quan điểm của Tác giả không phản ánh quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Bạn đang đọc bài viết Những nội dung thường gặp trong một bản đề cương nghiên cứu (Phần 2) tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19