Về khái niệm bền vững tài chính trong cơ sở giáo dục đại học

Bài viết này trình bày về một số khái niệm liên quan đến chủ đề bền vững tài chính trong cơ sở giáo dục đại học từ các nghiên cứu quốc tế và trong nước.

Bền vững trong giáo dục đại học (GD ĐH) nói chung và trong cơ sở GD ĐH nói riêng là khái niệm đã xuất hiện từ lâu nhưng lại được hiểu và có cách tiếp cận rất khác nhau. Trong nghiên cứu của mình, nhóm Lai và cộng sự (2019) đã tổng kết về các các hiểu và tiếp cận về bền vững trong GD ĐH (hoặc cơ sở GD ĐH) từ những năm 1970 trở lại đây. Cụ thể, trong khoảng 30 năm từ 1970 đến hết những năm 1990, hai từ khóa “bền vững” và “GD ĐH” chủ yếu liên quan tới nhau thông qua những nghiên cứu về môi trường và tác động của nó tới phát triển bền vững. Trong khi chủ đề này tiếp tục được nghiên cứu trong những năm 2000, hai từ khóa “bền vững” và “GD ĐH” trong những năm này lại được gắn kết với nhau thông qua các chủ đề mới như: bền vững và học tập suốt đời, bền vững và e-learning hay giáo dục về sự bền vững. Còn trong thập niên 2010 – 2020, cũng theo Lai và cộng sự (2019), việc bền vững gắn liền mật thiết với GD ĐH gắn liền với sự kiện Liên hiệp quốc ban hành 17 mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals), trong đó có riêng một mục tiêu số 4 (SDG4) là về giáo dục.

Tương tự như SDG4, bền vững tài chính (financial sustainability) trong GD ĐH là một khái niệm mới xuất hiện trong khoảng hơn một thập niên trở lại đây.

Ví dụ, Sazonov và cộng sự (2015) cho rằng bền bững tài chính sẽ là một trong những thách thức lớn nhất đối với cơ sở GD ĐH trong thời gian tới. Chỉ những trường có cơ cấu tài chính đủ mạnh và có các nguồn thu ổn định mới có thể thực hiện được hết các nhiệm vụ đa dạng cũng như đáp ứng được các thách thức đa dạng trong môi trường toàn cầu hóa.

Salmi (2009) cũng cho rằng một hệ thống GD ĐH cần đảm bảo 5 nguyên tắc sau để có thể bền vững tài chính:

- Huy động được các nguồn lực, cả công lẫn tư để có thể đáp ứng đồng thời nhu cầu mở rộng về mặt quy mô lẫn nâng cao chất lượng theo các nguyên tắc về bình đẳng

- Đảm bảo rằng các cơ chế chia sẻ chi phí luôn luôn phải song hành cùng với sự hỗ trợ phù hợp với sinh viên

- Cấp ngân sách dựa trên kết quả và trong một số điều kiện phù hợp theo cơ chế cạnh tranh

- Đảm bảo sự tương thích giữa các công cụ tài chính

- Có cơ chế minh bạch trong thiết kế và vận hành các quy định về tài chính.

Ở cấp độ trường ĐH, khi thảo luận về mức độ bền vững về mặt tài chính, nhóm nghiên cứu của Ahmad và cộng sự (2019) đã đưa ra 15 biện pháp nhằm tăng cường nguồn thu cho trường ĐH và 26 biện pháp nhằm cắt giảm chi phí cho trường ĐH, cụ thể là bảng 5 và bảng 6 (Ahmad và cộng sự, 2019).

Để thu được bảng kết quả này, Ahmad và cộng sự (2019) đã tiến hành khảo sát mức độ tán thành của người trả lời về các chiến lược bền vững tài chính dài hạn, bao gồm các chiến lược cắt giảm chi phí và chiến lược tăng nguồn thu của cơ quan/tổ chức nơi họ đang làm việc. Mức độ đồng ý được tính theo thang điểm Likert với “1” tương đương “Rất không đồng ý” đến “6” tương đương với “Hoàn toàn đồng ý”. Mỗi câu hỏi cũng cho phép người trả lời nhận xét bổ sung thêm ý kiến cá nhân của mình. Nội dung hai bảng kết quả được trình bình qua bảng 1 và 2 dưới đây.

Bảng 1. Những chính sách quan trọng nhằm giảm chi phí hoạt động của một cơ sở giáo dục (Ahmad và cộng sự, 2019)

Bảng 2. Những chính sách quan trọng đối với khả năng tăng cường nguồn thu của một cơ sở GD ĐH ( Ahmad và cộng sự , 2019)

TS Phạm Hiệp

Tài liệu tham khảo:

Ahmad, N. N. N., Ismail, S., & Siraj, S. A. (2019). Financial sustainability of Malaysian public universities: officers’ perceptions. International Journal of Educational Management, 33(2), 317–334. https://doi.org/10.1108/IJEM-06-2017-0140

Lai, S., Pham, H.-H. H.-H., Nguyen, H.-K., Nguyen, T.-C., & Le, A.-V. (2019). Toward Sustainable Overseas Mobility of Vietnamese Students: Understanding Determinants of Attitudinal and Behavioral Loyalty in Students of Higher Education. Sustainability, 11(2), 383. https://doi.org/10.3390/su11020383

Salmi, J. (2009). Scenarios for Financial Sustainability of Tertiary Education. In Higher Education to 2030. vol. 2. Globalisation (pp. 285–322). OECD’s Centre for Educational Research and Innovations. https://doi.org/10.1787/9789264075375-12-en

Ghi chú: Các quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Bạn đang đọc bài viết Về khái niệm bền vững tài chính trong cơ sở giáo dục đại học tại chuyên mục Chính sách và thực tiễn giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19