Tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ Giáo dục các nước Đông Nam Á đã thông qua 51 tài liệu, báo cáo về hoạt động của các Trung tâm khu vực thuộc Hội đồng Bộ trưởng Giáo dục Đông Nam Á (SEAMEO) trong năm vừa qua; đóng góp của các nước đối với hoạt động của Ban Thư ký SEAMEO; các hội nghị, hội thảo đã tổ chức và kế hoạch tổ chức các hoạt động trong thời gian tới, việc kết nạp thêm thành viên cho tổ chức SEAMEO…
Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục Đông Nam Á lần thứ 52 diễn ra tại Philippines
Cùng với Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á, Đối thoại Chiến lược giáo dục lần thứ 6 cũng được tổ chức với Chủ đề: “Ưu tiên giáo dục nền tảng và học tập suốt đời: Đầu tư vào các kỹ năng đọc viết cơ bản, làm toán và giáo dục STEM trong Kỷ nguyên số”.
Thay mặt Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Việt Nam, tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc bày tỏ sự vui mừng và chia sẻ một số hướng đi đổi mới thành công đối với giáo dục cơ bản và học tập suốt đời trong thời gian gần đây.
Xác định hướng đi đổi mới giáo dục cần thiết trong thế kỷ 21, Việt Nam đã xây dựng chiến lược giáo dục và cụ thể hóa tầm nhìn và mục tiêu giáo dục mới trong nhiều hoạt động trọng tâm hướng đến nâng cao chất lượng giáo dục cơ bản và khuyến khích tăng cường học tập suốt đời.
Song song với những nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi số trong đổi mới phương pháp dạy học và trong quản lý giáo dục, Bộ GDĐT đã tập trung vào chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện phương pháp dạy học tích cực, xây dựng và phát triển phương pháp học tập tích cực thay thế phương pháp học tập thụ động, bồi dưỡng tư duy phản biện và tư duy sáng tạo cho người học.
Tại Việt Nam, Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 đã được ban hành và triển khai thực hiện với mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục cơ bản. Một trong những điều chỉnh quan trọng của Chương trình GDPT 2018 là chú trọng hình thành, nâng cao năng lực công nghệ thông tin và ngoại ngữ cho học sinh. Điều này thể hiện ở việc môn Ngoại ngữ thứ nhất và môn Tin học đã được triển khai dạy học ở cấp tiểu học, bắt đầu từ lớp 3. Nhiều địa phương, môn Tiếng Anh đã được tổ chức dạy học từ lớp 1, lớp 2. Đề án Ngoại ngữ Quốc gia cũng đã và đang tiếp tục triển khai nhằm đẩy nhanh, mạnh các nỗ lực nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy học ngoại ngữ.
Thứ trưởng cho biết, đối với học tập suốt đời, Việt Nam đang ở giai đoạn ba của Đề án xây dựng xã hội học tập của quốc gia. Bộ GDĐT đã ban hành các chính sách, chương trình và sáng kiến thúc đẩy xây dựng xã hội học tập trong nước để mọi công dân đều được tiếp cận với giáo dục mở một cách bình đẳng, có khả năng chuyển đổi giữa giáo dục thường xuyên và giáo dục chính quy, cũng như chuyển đổi giữa các cơ sở giáo dục.
Các chính sách ưu tiên nhóm dân tộc thiểu số, những người dễ bị tổn thương, chịu thiệt thòi để các đối tượng này có thể phát huy hết tiềm năng cũng như nhận thức đúng vai trò của mình, có khả năng phát triển bản thân, tự hoàn thiện và có sự hiểu biết toàn diện về thế giới. Để thực hiện điều này, các Bộ và cơ quan khác nhau đã phối hợp triển khai nhiều dự án với kế hoạch đa dạng.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhận định, hiện nay, Việt Nam cũng đang đối mặt với không ít khó khăn trông công cuộc học tập suốt đời như: tính truyền thống vào giáo dục cơ bản đã dẫn đến việc học tập suốt đời chưa được công nhận; có sự khác biệt trong nhận thức của người dân giữa các nhóm xã hội khác nhau về những lợi ích của việc học tập suốt đời; sự tiếp cận công nghệ số lại có sự chênh lệch, không đồng đều; thiếu sự đầu tư mạnh mẽ từ cộng đồng doanh nghiệp để thúc đẩy học tập suốt đời; các trung tâm học tập cộng đồng chưa phát huy hết vai trò trong việc hướng dẫn người dân tham gia học tập…
Tại hội nghị, Thứ trưởng đã đề xuất những giải pháp tháo gỡ khó khăn trong triển khai học tập suốt đời như: Tổ chức nhiều hoạt động học tập suốt đời; xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng để đảm bảo mọi người có thể tiếp cận internet; đào tạo và nâng cao năng lực giáo viên; ứng dụng công nghệ thông tin; xã hội hoá sự nghiệp giáo dục; thúc đẩy chuyển dịch lao động giữa các nước SEAMEO
Kết thúc đối thoại, lãnh đạo Bộ Giáo dục các nước đã ra Tuyên bố chung, trong đó cam kết sẽ nỗ lực hợp tác để đạt được các mục tiêu: Củng cố các chính sách, chương trình và thực tiễn toàn cầu và khu vực về giáo dục nền tảng và học suốt đời. Tích hợp các nguyên tắc và khái niệm chuyển đổi số trong các chương trình đọc viết và làm toán hướng tới một mô hình tương lai và có khả năng thích ứng cho người Đông Nam Á.
Ưu tiên những người học dễ bị tổn thương bằng cách phát triển các phương pháp toàn diện hơn, liên kết với các lĩnh vực rộng lớn hơn các chiến lược để bảo vệ các nhóm dân số bị thiệt thòi và khắc phục tình trạng bất bình đẳng. Tăng cường nâng cao năng lực cho giáo viên và cán bộ giáo dục để theo kịp với những thay đổi trong môi trường học tập kỹ thuật số.
Thiết kế một chiến lược vận động để tập trung mạnh mẽ hơn vào việc đầu tư vào Đọc viết, Làm toán và Giáo dục STEM trong Kỷ nguyên số và Tăng cường các sáng kiến giám sát và đánh giá để đảm bảo rằng các sáng kiến về giáo dục nền tảng, học tập suốt đời được thực hiện hiệu quả.