ChatGPT ảnh hưởng đến kĩ năng viết và năng lực tư duy của người học

Chỉ trong vài giây, ChatGPT có thể tạo lập một văn bản hoàn chỉnh một cách chuyện nghiệp. Ứng dụng này hay AI nói chung dần ẩn chứa những nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình sáng tạo.

Khi công ty OpenAI ra mắt ChatGPT vào cuối năm 2022, các nhà giáo dục bắt đầu lo lắng khi ChatGPT có thể tạo lập văn bản giống như được viết bởi con người. Vậy làm cách nào giáo viên có thể phát hiện ra sinh viên sử dụng AI để gian lận trong quá trình tạo lập văn bản?

Khi viết là phương tiện phản ánh tư duy thì ChatGPT hay AI nói chung đe dọa đến kĩ năng viết của sinh viên. Tác động này dần trở thành mối quan tâm cấp bách bên cạnh sự gian lận.

Do đó, nghiên cứu của Naomi S. Baron (giáo sư Ngôn ngữ học, đại học American) tìm hiểu tác động do trí tuệ nhân tạo lên kĩ năng đọc, viết và khả năng tư duy của sinh viên. Nghiên cứu tiếp cận khách thể gồm những sinh viên ở Hoa Kỳ và châu Âu.

Sinh viên bị tác động tiêu cực

Những ứng dụng như ChatGPT chỉ là ứng dụng mới nhất trong quá trình phát triển các chương trình AI dùng để chỉnh sửa hoặc tạo lập văn bản. Trên thực tế, khả năng AI làm suy yếu kĩ năng viết và khả năng sáng tạo đã được hình thành trong nhiều thập kỉ.

Grammarly và Microsoft Editor là công cụ sử dụng trí tuệ nhân tạo để soát lỗi chính tả và chỉnh sửa ngữ pháp, văn phong tinh vi được biết đến rộng rãi nhất. Bên cạnh đó, các chương trình này còn đưa ra những cách diễn đạt khác thay thế hay tích hợp công nghệ dự đoán văn bản. Dự đoán văn bản (predictive text) là một công nghệ được sử dụng trong tin nhắn văn bản đề xuất các từ cho người dùng dựa trên các chữ cái được nhập và ngữ cảnh của cụm từ được viết. Công nghệ này chủ yếu được sử dụng trong điện thoại thông minh (smartphone) và máy tính bảng (tablet) để giúp việc soạn thảo văn bản và nhắn tin trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn. Những công cụ này liên tục khiến người dùng làm theo những đề xuất mà chúng gợi ý khiến cho quá trình sáng tạo của họ không được phát huy.

Những sinh viên tham gia cuộc khảo sát của Naomi S. Baron đánh giá cao sự hỗ trợ từ AI trong việc giúp họ đánh vần và hoàn thiện từ. Tuy nhiên, họ cũng thừa nhận những tác động tiêu cực của nó. Một số sinh viên cho biết tại một thời điểm trong tương lai, nếu phụ thuộc vào [chương trình trí tuệ nhân tạo], người dùng sẽ “mất dần khả năng đánh vần”. Một sinh viên khác thì cho rằng: “Những người muốn một cách làm dễ dàng hơn thì có thể sử dụng các phần mềm kiểm tra chính tả”. Khi được hỏi về công nghệ dự đoán văn bản, một sinh viên trả lời rằng “cảm thấy ổn” và “đặc biệt lười biếng” khi sử dụng.

Sự bộc lộ cái tôi của sinh viên giảm sút

Các công cụ AI có thể ảnh hưởng đến giọng văn của một người. Một sinh viên khi sử dụng phần mềm chỉnh sửa văn phong đã nhận xét rằng: “Tôi viết những câu chữ đó nhưng không cảm nhận mình đã viết chúng”, “mất đi giọng văn đặc trưng của bản thân”.

Tương tự, một số học sinh trung học tại Vương quốc Anh cũng bày tỏ sự quan tâm về giọng văn cá nhân khi đề cập đến Grammarly: “Grammarly sẽ loại bỏ giọng điệu nghệ thuật. Thay vì để học sinh bộc lộ cái tôi khi viết, Grammarly loại bỏ nó bằng cách đề xuất những cách diễn đạt thay thế, dẫn đến sự thay đổi trong bài viết”.

Đồng thời, nhà triết học Evan Selinger lo lắng công nghệ dự đoán văn bản “có thể khiến con người ngừng suy nghĩ”. Công nghệ tự động này dẫn đến hệ quả làm suy giảm kĩ năng viết trong khi đó, viết chính là phương tiện phản ánh tư duy và bộc lộ cái tôi cá nhân.

Trong xã hội văn minh, viết từ lâu đã được công nhận là một biện pháp giúp con người biểu đạt suy nghĩ. Tác giả Flannery O’Connor bày tỏ: “Tôi viết vì không biết mình nghĩ gì chỉ đến khi đọc lại những gì tôi đã nói”. Những tác giả như William Faulkner, Joan Didion,... cũng đồng tình với quan điểm trên. Nếu AI thực hiện tạo lập văn bản thay cho con người thì con người sẽ mất đi cơ hội suy nghĩ về vấn đề của bản thân.

Việc sử dụng các chương trình như ChatGPT để tạo lập văn bản đó là những văn bản đó hoàn hảo về mặt ngữ pháp. Đây vừa là một ưu thế nhưng đồng thời vừa là nhược điểm của trí tuệ nhân tạo. Tạo lập một văn bản là một quá trình. Con người đặt câu hỏi về những gì đã viết ban đầu, đọc lại và sửa lỗi hoăc đôi khi là bắt đầu lại từ đầu.

Những thách thức đối với các cơ sở giáo dục

Khi thực hiện các bài viết ở trường, lý tưởng nhất là tiết học có cuộc thảo luận giữa giáo viên và người học về những gì người học muốn viết, cùng trao đổi và viết dàn ý ban đầu dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Sau đó, người học tự suy nghĩ và hoàn thiện dàn ý. Tuy nhiên, thực tế này không thường xuyên xảy ra. Do những tác động của yếu tố thời gian của một giờ dạy, hầu hết giáo viên không có thời gian để hoàn thành vai trò “cộng tác viên biên tập” cho người học.

Những sinh viên nghiêm túc sẽ tự mình thực hiện quá trình trước khi viết – viết – đọc lại và sửa chữa bài viết như những tác giả chuyên nghiệp thường làm. Nhưng, sự cám dỗ của các công cụ kiểm tra chính tả và tạo văn bản tự động như Grammarly và ChatGPT khiến con người dễ dàng phụ thuộc thay vì cơ hội được suy nghĩ và học hỏi.

Các nhà giáo dục đang suy nghĩ làm thế nào để tận dụng tốt công nghệ AI trong việc tạo lập văn bản. Một số nhà giáo dục chỉ ra tiềm năng của AI đối với việc kích thích khả năng sáng tạo ở con người. Trước khi ChatGPT ra mắt, xuất hiện một phiên bản trước đó có tên GPT-3. Người dùng có thể nhập một cụm từ hoặc câu. Sau đó, người dùng yêu cầu ứng dụng điền thêm từ. Với khả năng trên, ứng dụng này có khả năng kích thích sự sáng tạo cho người viết.

Ý thức về “bản quyền” mờ dần

Sinh viên thụ động trong việc nhận thức được ranh giới giữa việc hỗ trợ viết và việc để AI tiếp quản hoàn toàn nội dung lẫn giọng văn.

Thậm chí, trường hợp này còn xảy ra đối với những nhà văn dày dặn kinh nghiệm. Nhà văn Jennifer Lepp thừa nhận rằng khi bản thân ngày càng phụ thuộc vào AI có tên Sudowrite, kết quả những văn bản thu lại được “không còn là giọng văn của tôi nữa. Thật khó chịu khi nhìn những gì tôi viết những lại không cảm thấy bản thân kết nối được với câu chữ và ý tưởng”.

Trong bài nghiên cứu, Naomi S. Baron đưa ra ý kiến: “Khi công nghệ phát triển và trở nên mạnh mẽ hơn, các cơ sở giáo dục nên cố gắng dạy học sinh về những ưu, nhược điểm của AI một cách tổng quát”. Tuy nhiên, tác giả cũng nhận định rằng khó có thể cưỡng lại AI bởi “hiệu quả ưu việt của nó trong việc tạo ra nội dung, hoàn thiện bài viết cũng như khiến việc viết trở nên dễ dàng hơn”.

“Viết như một hành trình của con người”

Những công cụ sử dụng trí tuệ nhân tạo như ChatGPT được tạo ra không chỉ để tạo ra nội dung tự động hóa mà còn là nhằm mục đích giao tiếp, phát triển cá nhân,...

Tuy nhiên, dù AI có nhiều chức năng nhưng bài nghiên cứu của Naomi S.Baron cũng khẳng định khả năng con người sẽ luôn sáng tạo ra những nội dung ý tưởng độc đáo, đòi hỏi góc nhìn đa chiều và sâu sắc với cuộc đời.

Mục đích của việc viết không dừng lại nộp bài để chấm điểm. Giáo viên và học sinh cần nhận ra hạn chế này để thay đổi trong cách dạy và học.

Và, viết là một hành trình, không nên là một điểm đến!

Nguồn:

Naomi S. Baron (2023, January 19). How ChatGPT robs students of motivation to write and think for themselves. The Conversation.

https://theconversation.com/how-chatgpt-robs-students-of-motivation-to-write-and-think-for-themselves-197875

Huyền Đức dịch

Ghi chú: Các quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Bạn đang đọc bài viết ChatGPT ảnh hưởng đến kĩ năng viết và năng lực tư duy của người học tại chuyên mục Khoa học giáo dục và xã hội của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19