Nhóm nghiên cứu do Olivier Pourret dẫn đầu cũng bày tỏ sự quan tâm đến một số lập luận mà Sonne và các cộng sự (2020) đề xuất về các tạp chí truy cập mở “săn mồi”. Trước hết, cần lưu ý rằng các vấn đề xung quanh các tạp chí truy cập mở “săn mồi” phần lớn được thổi phồng quá mức, và đặc biệt là các vấn đề được những nhà xuất bản thương mại lớn liên tục áp đặt lên hệ thống truyền thông học thuật. Các định nghĩa về các nhà xuất bản/tạp chí 'săn mồi', 'lừa đảo' hoặc 'đáng ngờ' thường mơ hồ và kém rõ ràng, thậm chí còn có thể bao gồm cả các tạp chí hoàn toàn hợp pháp, chẳng hạn như các tạp chí được lập chỉ mục bởi PubMed Central.
Mới đây, Grudniewicz và cộng sự (2019) đã đề xuất một định nghĩa nhận được sự đồng thuận khá cao của giới chuyên môn: “Các tạp chí và nhà xuất bản “săn mồi” là những thực thể ưu tiên tư lợi thay vì giá trị học thuật và được đặc trưng bởi thông tin sai lệch hoặc gây hiểu lầm, không thực hành các thông lệ xuất bản và quy trình biên tập tốt nhất, thiếu minh bạch và/hoặc sử dụng các biện pháp chào mời tác giả hung hăng và bừa bãi.” Cũng cần chú ý rằng định nghĩa này, cùng với một số quan niệm nhận được sự đồng thuận cao khác, được xuất bản trước các công trình của Sonne và các cộng sự (2020), song các tác giả đã không cập nhật và áp dụng.
Các nhà xuất bản luôn tận dụng những cơ hội kinh doanh béo bở để kiếm tiền từ các nhà nghiên cứu; và các nhà xuất bản lớn nhất nằm trong số những công ty có lợi nhuận cao nhất trên thế giới. Về mặt này, các nhà xuất bản săn mồi không tệ hơn bất kỳ nhà xuất bản thương mại nào khác, ngoại trừ mối đe dọa của họ là tương đối nhỏ ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, vấn nạn xuất bản săn mồi có thể dễ dàng giảm bớt nếu các nhà khoa học được trang bị một số kiến thức có liên quan đến vấn đề này, và chúng tôi đặc biệt khuyến khích các trường đại học áp dụng rộng rãi hơn các chương trình đào tạo và tập huấn liên quan đến đạo đức học thuật. Bên cạnh “Beall’s List” (vốn đã suy giảm khá nhiều về danh tiếng và chất lượng trong thời gian gần đây), “Cabell’s Whitelist and Blacklist”, cũng như các danh sách “trắng” của các hệ thống chỉ mục Web of Science và Scopus, hay trang web Check Submit, là các nguồn tham khảo hữu ích cho phép các tác giả dễ dàng kiểm tra tạp chí mình dự định đăng tải bài viết có uy tín hay không.
Bạn đọc cũng có thể tìm đọc thêm thông tin về vấn đề này tại:
1) "Săn mồi" trong xuất bản học thuật: Một nghiên cứu trắc lượng từ cơ sở dữ liệu Scopus và khuyến nghị: https://tapchigiaoduc.edu.vn/article/87525/225/san-moi-trong-xuat-ban-hoc-thuat-mot-nghien-cuu-trac-luong-tu-co-so-du-lieu-scopus-va-khuyen-nghi/
2) Bình luận về bài báo “Journal Citation Reports và định nghĩa về tạp chí săn mồi: Trường hợp của Multidisciplinary Digital Publishing Institute (MDPI): https://tapchigiaoduc.edu.vn/article/87358/221/binh-luan-ve-bai-bao-journal-citation-reports-va-dinh-nghia-ve-tap-chi-san-moi-truong-hop-cua-multidisciplinary-digital-publishing-institute-mdpi/
3) Các yếu tố định hình động cơ đăng bài trên các tạp chí "săn mồi": https://tapchigiaoduc.edu.vn/article/86837/221/cac-yeu-to-dinh-hinh-dong-co-dang-bai-tren-cac-tap-chi-san-moi/
Vân An lược dịch
Nguồn: Pourret, O., Irawan, D. E., Tennant, J. P., Wien, C., & Dorch, B. F. (2020). Comments on “Factors affecting global flow of scientific knowledge in environmental sciences” by Sonne et al. (2020). Science of the Total Environment, 721, 136454. https://doi.org/10.1016/j.scitotenv.2019.136454
Ghi chú: Các quan điểm của Tác giả không phản ánh quan điểm của Tạp chí Giáo dục.