Chương trình Toán giai đoạn 2021 đến 2030: hướng tới tầm cao mới, diện mạo mới, vị thế mới cho Toán học việt nam

Mục tiêu của Chương trình: Tiếp tục phát triển Toán học Việt Nam bền vững và mạnh mẽ về mọi mặt: nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo, tương xứng với tiềm năng trí tuệ của con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của đất nước trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đưa Toán học trở thành một bộ phận hữu cơ trong sự phát triển chung của khoa học, công nghệ và kinh tế - xã hội; nâng cao vị thế của Toán học Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Sau 10 năm thực hiện Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học (Chương trình Toán) giai đoạn 2010 đến 2020, toán học Việt Nam đã thay đổi về chất, tạo đà cho bước phát triển mới tiếp theo. Hiện nay, toán học Việt Nam trước những cơ hội và thách thức mới, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và bối cảnh chuyển đổi số toàn cầu. Ngày 22 tháng 12 năm 2020 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã thay mặt Chính phủ ban hành Quyết định số 2200/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2021 đến 2030. Ngày 10 tháng 6 năm 2021 Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đã thay mặt Bộ Giáo dục và Đào tạo ký Quyết định số 1842/QĐ-BGDĐT ban hành Kế hoạch triển khai Quyết định số 2200/QĐ-TTg ngày 22/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2021 đến 2030

Điều này cho thấy tầm nhìn của Chính phủ về vai trò của toán học đối với sự phát triển kinh tế xã hội nói chung, đối với sự phát triển của khoa học và công nghệ nói riêng trước bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đồng thời, Chương trình Toán giai đoạn mới 2021-2030 đồng thời cũng thể hiện sự đánh giá cao về hiệu quả, tác động của Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2010 đến 2020.

Có thể nói, đầu tư cho Toán học, tiếp tục thực hiện Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2021 đến 2030 với kế hoạch hoạt động và ưu tiên mới là một giải pháp then chốt để thực hiện thành công cách mạng công nghiệp lần thứ tư ở Việt Nam. Nhiều chuyên gia, nhiều nước phát triển đều có quan điểm rằng: Năng lực Toán học đang trở thành một trong những thước đo chính đánh giá năng lực cạnh tranh nền kinh tế của một quốc gia. Với vai trò đặc biệt trong thời kỳ chuyển đổi số, Toán học cần được tiếp tục quan tâm và có những chính sách, chiến lược phát triển phù hợp. Do vậy, chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học cần được đầu tư thực hiện trong giai đoạn 2021-2030 để phát huy những thành quả đã có, khắc phục những tồn tại, tạo đà cho những thay đổi đột phá và phát triển bền vững.

Dưới đây là một số mục tiêu của Chương trình Toán giai đoạn 2021-2030:

Mục tiêu chung: Tiếp tục phát triển Toán học Việt Nam bền vững và mạnh mẽ về mọi mặt: nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo, tương xứng với tiềm năng trí tuệ của con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của đất nước trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đưa Toán học trở thành một bộ phận hữu cơ trong sự phát triển chung của khoa học, công nghệ và kinh tế - xã hội; nâng cao vị thế của Toán học Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Mục tiêu cụ thể

1. Đến năm 2030, phấn đấu có 05 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng trong Top 500 của thế giới về lĩnh vực Toán học, trong đó có ít nhất 02 cơ sở được xếp hạng trong Top 400.

Đây là một mục tiêu rất tham vọng và nhiều thách thức. Tuy vậy, theo các chuyên gia, nếu có sự chuẩn bị tốt thì mục tiêu này có thể đạt được.

2. Phấn đấu tăng gấp đôi số lượng công bố trên các tạp chí trong Danh mục tạp chí có uy tín trên thế giới (tạp chí SCIE) so với giai đoạn 2010 – 2020.

Đây cũng là một mục tiêu đầy áp lực, nhưng có thể có cơ hội và niềm tin vì sự thành công của Chương trình Toán giai đoạn 2021-2022.

3. Tăng gấp đôi số lượt nhà khoa học nước ngoài (bao gồm cả người Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài) đến làm việc, trao đổi và hợp tác khoa học được hỗ trợ từ Chương trình so với giai đoạn 2010-2020.

Theo đánh giá, đây là mục tiêu dễ thực hiện nhất, nhưng sẽ là một mục tiêu quan trọng để đem lại cơ hội hợp tác, phát triển và nhằm góp phần thực hiệc các mục tiêu khác một cách mạnh mẽ.

4. Phấn đấu có ít nhất 05 hướng nghiên cứu chủ đạo về Toán ứng dụng và Toán trong công nghiệp, với đội ngũ có năng lực thực hiện các chương trình, hợp đồng nghiên cứu - phát triển với nhà nước, doanh nghiệp.

Mục tiêu này thể hiện ý nghĩa và tầm nhìn của các nhà hoạch định chính sách, các nhà toán học về sự phát triển và vai trò của toán học. Tuy vậy, theo nhiều chuyên gia, đây là một mục tiêu phức tạp, khó thực hiện như là tính tham vọng của nó.

5. Hỗ trợ, phối hợp và tham gia đào tạo khoảng 400 tiến sĩ ngành Toán, Toán ứng dụng và Thống kê, trong đó 50% nghiên cứu sinh có ít nhất 02 công bố trên các tạp chí SCIE.

Mục tiêu này thể hiện sự đầu tư cho sự phát triển toán học, cộng đồng các nhà nghiên cứu toán học với chất lượng ngày càng cao trong tương lai. Đây là một mục tiêu khó thực hiện, trong bối cảnh số lượng nhân lực đầu vào trong lĩnh vực toán học còn đang rất hạn chế hiện nay.

6. Đào tạo, bồi dưỡng khoảng 80% giảng viên, giáo viên Toán cốt cán của các cơ sở giáo dục đại học, trung học phổ thông đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình đào tạo, chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

Theo các chuyên gia, đây là một mục tiêu rất ý nghĩa, nhằm xây dựng và phát triển văn hoá toán học cho Việt Nam. Từ đó, phát huy tinh thần yêu toán, học toán, góp phần nâng cao hiệu quả dạy và học môn Toán ở các cấp học khác nhau.

7. Xây dựng Hệ tri thức các khoa học về Toán trong Hệ tri thức Việt số hóa.

Mục tiêu này nằm trong mục tiêu chung về xây dựng Hệ tri thức Việt số hoá. Thực hiện thành công mục tiêu này sẽ giúp có sự đánh giá đầy đủ, đúng và toàn diện hơn về Toán học Việt Nam cũng như vai trò của nó đối với sự phát triển khoa học và công nghệ.

Để thực hiện mục tiêu tổng thể và các mục tiêu cụ thể kể trên, các giải pháp hay nhóm nhiệm vụ cơ bản đã được đề xuất. Các giải pháp này không bao trùm toàn bộ hoạt động phát triển Toán học, mà chỉ tập trung vào một số nhóm giải pháp trên cơ sở kế thừa và phát triển những kết quả đã đạt được của Chương trình trong giai đoạn trước, bám sát nhu cầu phát triển nhân lực và của nền kinh tế trong thời kỳ chuyển đổi số. Tóm lược các giải pháp cơ bản được mô tả thành 8 nhóm nhiệm vụ như dưới đây:

Nhóm nhiệm vụ 1. Đẩy mạnh truyền thông phổ biến tri thức Toán học

a) Tổ chức các hoạt động truyền thông phổ biến giáo dục Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEM) cho học sinh, sinh viên; giới thiệu vai trò của Toán học trong mọi mặt của đời sống, đặc biệt là trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư;

b) Hỗ trợ và phối hợp với các địa phương tổ chức các hoạt động quảng bá Toán học như: chuỗi hoạt động hưởng ứng ngày Toán học thế giới (14 tháng 3 hằng năm), Ngày hội Toán học mở, các cuộc tranh tài, Trại hè Toán học;

c) Tư vấn, hỗ trợ các địa phương xây dựng và phát triển các trung tâm ươm tạo tài năng, các không gian trải nghiệm Toán và khoa học.

Nhóm nhiệm vụ 2. Thúc đẩy công bố công trình Toán học chất lượng cao

a) Thiết lập hệ thống giải thưởng đối với các nghiên cứu xuất sắc để nâng cao chất lượng công bố;

b) Hỗ trợ giảng viên, giáo viên trẻ thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu, ứng dụng Toán học;

c) Duy trì và phát triển các nhóm nghiên cứu, hướng nghiên cứu mạnh truyền thống, đồng thời hỗ trợ hình thành và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh trong nước và các nhóm nghiên cứu hỗn hợp trong nước - quốc tế, đặc biệt ở các hướng nghiên cứu hiện đại, liên ngành;

d) Hỗ trợ xây dựng và phát triển tạp chí về Toán ứng dụng và Toán trong công nghiệp được xếp trong danh mục các tạp chí uy tín trên thế giới (ECSI/Scopus).

Nhóm nhiệm vụ 3. Thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng Toán học, chú trọng phát triển một số lĩnh vực có nhu cầu cao trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư

a) Tổ chức thường xuyên các diễn đàn, hội nghị, hội thảo, các nhóm làm việc phối hợp giữa Trường/Viện - Nhà nước - Doanh nghiệp về các chủ đề Toán ứng dụng và Toán trong công nghiệp;

b) Ưu tiên bố trí kinh phí cho các đề tài, dự án nghiên cứu ứng dụng Toán để giải quyết các vấn đề trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội như: trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, bảo mật và an toàn thông tin, vận trù học, môi trường và biến đổi khí hậu;

c) Tham gia nghiên cứu, đề xuất, đóng góp xây dựng chính sách; Phối hợp với các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp nhà nước triển khai một số nhiệm vụ quốc gia có trọng số cao về Toán ứng dụng, đặc biệt là Chương trình chuyển đổi số quốc gia;

d) Tham gia đào tạo nhân tài, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển các công nghệ cốt lõi của chuyển đổi số có hàm lượng Toán học cao như: trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (blockchain), mật mã và an toàn thông tin, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, vận trù học;

đ) Xây dựng trung tâm dữ liệu lớn phục vụ nghiên cứu tư vấn, phân tích và xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội.

Nhóm nhiệm vụ 4. Hỗ trợ triển khai chương trình giáo dục phổ thông môn Toán

a) Tham gia nghiên cứu và tổ chức các diễn đàn trao đổi về các mô hình, phương pháp giáo dục Toán học hiện đại và đề xuất cho Việt Nam;

b) Triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng sinh viên, học viên sư phạm ngành Toán, giáo viên môn Toán cốt cán, giáo viên trung học phổ thông chuyên Toán, trong đó chú trọng tính chất liên ngành, kết nối với các môn học khác.

Nhóm nhiệm vụ 5. Hỗ trợ đào tạo tài năng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành Toán

a) Tổ chức các khóa bồi dưỡng dành cho học sinh, sinh viên về các chủ đề thời sự trong Toán học hiện đại nhằm phát hiện và bồi dưỡng tài năng Toán học trẻ; có chính sách cấp học bổng để thu hút và nâng cao chất lượng sinh viên, học viên ngành Toán;

b) Tổ chức và tham gia đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao (đặc biệt là thạc sĩ, tiến sĩ) trong lĩnh vực Toán ứng dụng và Toán trong công nghiệp;

c) Triển khai bồi dưỡng giảng viên Toán của các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chú trọng nội dung giảng dạy môn Toán cho các ngành khác, kể cả khoa học xã hội, để nâng cao tính định lượng và chất lượng sử dụng công cụ Toán học;

d) Hỗ trợ xây dựng, cập nhật, chuẩn hóa các chương trình đào tạo trình độ đại học và sau đại học các khoa học về Toán cũng như khối kiến thức Toán học trong các chuyên ngành, lĩnh vực khác.

Nhóm nhiệm vụ 6. Xây dựng và phát triển Hệ tri thức các khoa học về Toán trong Hệ tri thức Việt số hóa

a) Xây dựng cơ sở dữ liệu các nhà Toán học Việt Nam, các bộ công cụ phục vụ cho hoạt động nghiên cứu, giảng dạy và hoạch định chiến lược phát triển các khoa học về Toán và nguồn nhân lực;

b) Xây dựng hệ thống học liệu, bài giảng, hệ thống kiểm tra đánh giá trực tuyến các môn học ngành Toán bậc đại học, các hoạt động trải nghiệm, phổ biến toán học, ứng dụng liên môn của Toán học dành cho học sinh, sinh viên, giáo viên và giảng viên;

c) Tổ chức biên dịch, xuất bản, phát hành một số sách chuyên khảo, giáo trình, phần mềm, tạp chí phục vụ đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy và giới thiệu các hướng nghiên cứu, ứng dụng thời sự về Toán;

d) Tham gia xây dựng và chuẩn hóa hệ thống học liệu, tài liệu tham khảo chuyên sâu cho học sinh chuyên Toán, Tin học và khoa học liên ngành.

Nhóm nhiệm vụ 7. Xây dựng, củng cố và phát triển Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán và một số trung tâm nghiên cứu, ứng dụng Toán học mạnh của Việt Nam

a) Tiếp tục tạo điều kiện về cơ chế và tập trung đầu tư cho Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán để trở thành trung tâm nghiên cứu và đào tạo đạt trình độ khu vực và thế giới, là hạt nhân kết nối các trung tâm toán học trong và ngoài nước; phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, nhóm nghiên cứu hỗn hợp trong nước - quốc tế, chú trọng các hướng nghiên cứu mới, hiện đại, liên ngành (theo Quy chế tổ chức và hoạt động đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành):

- Tạo lập môi trường học thuật tiên tiến tương đương với môi trường của các trung tâm toán học lớn trên thế giới để thu hút và phát huy năng lực sáng tạo của các nhân tài toán học Việt Nam và tăng cường hợp tác quốc tế;

- Tiếp tục tổ chức tuyển chọn (cá nhân/nhóm nghiên cứu/nhà khoa học trẻ) đến Viện làm việc; Duy trì và phát triển các nhóm nghiên cứu, hướng nghiên cứu mạnh truyền thống, đồng thời hỗ trợ hình thành và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh trong nước và các nhóm nghiên cứu hỗn hợp trong nước - quốc tế, đặc biệt là các hướng nghiên cứu hiện đại, liên ngành;

- Hỗ trợ và tạo điều kiện làm việc thuận lợi cho sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh xuất sắc;

- Thí điểm tổ chức đào tạo chương trình Thạc sĩ Toán trong công nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực có khả năng sử dụng công cụ toán học mạnh;

- Tham gia tư vấn xây dựng các chính sách về giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ cho các Bộ, ban, ngành trong lĩnh vực Toán học.

b) Hỗ trợ phát triển một số cơ sở giáo dục đại học trở thành trung tâm toán học mạnh ở miền Bắc, miền Trung - Tây Nguyên và miền Nam, làm đầu tàu phát triển Toán học và hỗ trợ cho việc triển khai thực hiện Chương trình.

- Hỗ trợ phát triển ba khoa Toán của các cơ sở giáo dục đại học: Khoa Toán-Cơ-Tin học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên-Đại học Quốc gia Hà Nội; Khoa Toán và Thống kê, Trường Đại học Quy Nhơn và Khoa Toán - Tin, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên-Đại học Quốc gia Tp Hồ Chí Minh. Các hình thức hỗ trợ bao gồm:

- Nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học và giảng dạy của giảng viên/nghiên cứu viên, đặc biệt là giảng viên/nghiên cứu viên trẻ;

- Củng cố và xây dựng mới các chương trình đào tạo tài năng, chương trình định hướng ứng dụng;

- Cấp học bổng cho sinh viên, học viên sau đại học để nâng cao chất lượng đào tạo;

- Hỗ trợ triển khai các hoạt động quảng bá, phổ biến tri thức Toán học tại địa phương. 

Nhóm nhiệm vụ 8. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo Toán học

a) Hỗ trợ phát triển Toán học trong khu vực ASEAN và Châu Á thông qua các hoạt động nghiên cứu và đào tạo quốc tế, để nâng cao uy tín và tầm ảnh hưởng của Toán học Việt Nam;

b) Tổ chức ít nhất 2 hội nghị khoa học tầm cỡ khu vực châu Á và thế giới trong giai đoạn 2021-2030;

c) Thu hút các nhà Toán học quốc tế cũng như các nhà Toán học Việt Nam ở nước ngoài đến trao đổi hợp tác nghiên cứu, đào tạo và tham dự các hoạt động chuyên môn;

d) Phát triển và mở rộng các kênh hợp tác quốc tế về nghiên cứu và đào tạo trên cơ sở bền vững và hiệu quả; Triển khai các chương trình, dự án và đề tài hợp tác quốc tế.

Được biết, Chương trình Toán giai đoạn 2021-2030 xác định giai đoạn 5 năm lần thứ nhất (2021-2025) là giai đoạn quan trọng, đặt nền móng cho sự phát triển, thành công của Chương trình với một số hoạt động chính như: - Đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, truyền thông, đào tạo và bồi dưỡng hỗ trợ cho chương trình giáo dục phổ thông 2018; - Về cơ bản hoàn thành việc xây dựng Hệ tri thức số các khoa học về  Toán trong Hệ tri thức Việt số hóa; - Xây dựng xong và đưa vào thực hiện đề án phát triển 3 cơ sở giáo dục đại học trở thành các trung tâm Toán học mạnh ở ba miền; - Xây dựng xong và triển khai đề án xây dựng tạp chí về Toán ứng dụng và Toán trong công nghiệp; - Xây dựng xong và triển khai thực hiện cơ chế, hệ thống giải thưởng đối với các nghiên cứu xuất sắc;

Tiếp đó, giai đoạn 5 năm tiếp theo (2026-2030), Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán phối hợp cùng với 3 cơ sở giáo dục đại học ở ba miền; Viện Toán học (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) và Trung tâm đào tạo Quốc tế Unesco cùng với các cơ sở giáo dục, nghiên cứu khác tổ chức khai thác, cải tiến và vận hành có hiệu quả các chương trình, đề án nhánh, hệ thống học liệu đã được xây dựng.

Dưới sự quan tâm của Chính phủ, sự chỉ đạo trực tiếp và toàn diện của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sự phối hợp của các Bộ (đặc biệt là Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính), Ngành và chính quyền địa phương, Chương trình Toán giai đoạn 2021-2030 sẽ thành công, xác lập một vị trí, diện mạo mới, tầm cao mới cho Toán học Việt Nam. Từ đó, toán học sẽ có những đóng góp xứng đáng, mạnh mẽ hơn nữa cho sự phát triển của khoa học, công nghệ, giáo dục, góp phần thực hiện việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Biên tập viên: Lương Ngọc

Bạn đang đọc bài viết Chương trình Toán giai đoạn 2021 đến 2030: hướng tới tầm cao mới, diện mạo mới, vị thế mới cho Toán học việt nam tại chuyên mục Thông tin khoa học của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19