Hãy bỏ thuốc lá ngay hôm nay
Ung thư
Hút thuốc dẫn đến vô số các loại ung thư như: mũi, miệng, thanh quản, khí quản, thực quản, dạ dày, tụy, thận, bàng quang, cổ tử cung, tủy xương và máu… Bạn tự hỏi làm thế nào mà nó xảy ra được cơ chứ, khói thuốc chỉ vào phổi thôi mà? Vâng, khi bạn hút thuốc, ngoài việc gây tác hại tại chỗ đến các bộ phận của cơ quan hô hấp như mũi, miệng, hầu, thanh quản, khí quản, 41.000 hóa chất có trong trong thuốc lá (có một tỷ lệ lớn được biết là gây ung thư) xâm nhập vào cơ thể qua các vách phế nang tại phổi, ngấm vào cơ thể. Các hóa chất này có khả năng tạo ra đột biến trong các tế bào cơ thể bạn khiến cho chúng sinh sôi nảy nở theo cách không kiểm soát được, dẫn đến ung thư.
Gây suy tim, khiến bạn có nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch và đột quỵ gấp nhiều lần
Theo CDC (Trung tâm kiểm soát dịch bệnh), một người hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh mạch vành và đột quỵ cao gấp hai đến bốn lần so với người không hút thuốc. Các hóa chất có trong khói thuốc có tác động đến toàn bộ thành phần của hệ tuần hoàn và cơ quan tạo máu; làm cho thành mạch dày hơn và dễ hình thành cục máu đông hơn. Bên cạnh đó nó cũng gây co thắt mạch máu, tăng huyết áp, dẫn đến sự hình thành mảng bám – làm tăng nguy cơ bị bệnh tim mạch.
Hủy hoại, gây tổn thương phổi, dẫn đến suy hô hấp
Hút thuốc lá dẫn đến tích tụ một số lượng hóa chất đáng kể trong phổi, đường hô hấp và toàn bộ cơ thể của bạn. Tất cả dư lượng này lâu dài sẽ làm tắc nghẽn phổi, đưa đến các vấn đề về hô hấp và suy giảm chức năng của phổi. Việc suy giảm chức năng của phổi dẫn đến thiếu oxy và máu tươi đến các cơ quan, bộ phận khác nhau của cơ thể, làm cho cơ thể luôn mệt mỏi và khó thở. Nghiên cứu cho thấy hút thuốc lá có thể dẫn đến COPD (Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính), khí thũng, viêm phế quản mạn tính, viêm phổi, nhiễm trùng phổi, hen suyễn và làm tăng nguy cơ mắc bệnh lao, ảnh hưởng trực tiếp đến các mạch máu cung cấp dương vật, khiến bạn khó có thể cương cứng và duy trì lâu sự cương cứng đó.
Gây ra giòn xương
Một số lượng lớn các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng hút thuốc dẫn đến giảm mật độ xương do tăng huy động canxi từ xương vào máu. Việc giảm mật độ xương sẽ khởi phát sớm bệnh loãng xương (đặc biệt là ở phụ nữ vì hút thuốc ảnh hưởng đến việc sản xuất estrogen), đau khớp và thậm chí rụng răng do mật độ xương giảm quá nhiều trong xương hàm. Loãng xương cũng khiến bạn có nguy cơ bị gãy xương thường xuyên hơn và vết gãy cũng chậm liền hơn.
Gây vàng ố răng
Thuốc lá có chứa chất hắc ín, một loại hóa chất làm cho răng có màu vàng nhạt. Loại hắc ín này rất khó để làm sạch bằng cách đánh răng thông thường và thường tạo thành vết ố vĩnh viễn trên răng của người hút thuốc. Ngoài ra, khi hút thuốc, khói thuốc sẽ tiêu diệt vi khuẩn chí có lợi trong miệng, tăng lượng nước bọt tiết ra là nguyên nhân hàng đầu hình thành nên cao răng.
Gây hôi miệng
Khái niệm “Hơi thở của người hút thuốc” chúng ta đã được biết đến ở những người hút thuốc lá, trong một số trường hợp nghiện thuốc lá có thể dẫn đến hơi thở có mùi rất nặng và dai dẳng khó có thể khử mùi được. Ngoài việc tiêu diệt vi khuẩn có lợi trong miệng, hút thuốc còn gây ra các vấn đề về tiêu hóa, viêm họng và tích tụ hóa chất trong khoang miệng (cổ họng và dạ dày có bệnh là một trong những lý do chính khiến hơi thở hôi, ngoài vệ sinh răng miệng kém). Hút thuốc lá tạo điều kiện thuận lợi cho các loài nấm phát triển ở khoang miệng, dẫn đến dấu hiệu “Vòm miệng người hút thuốc” (vòm miệng bao phủ bởi dư lượng hóa chất trong thuốc lá, hình thành nên các đốm nhỏ màu đỏ trên vòm miệng), cũng là một trong những lý do chính làm cho hơi thở của người hút thuốc có mùi hôi khó chịu.
Gây mù lòa
Không chỉ riêng phổi, hút thuốc lá còn ảnh hưởng rất lớn đến thị lực và có thể gây mù lòa mắt bạn. Theo CDC, hút thuốc sẽ làm tăng nguy cơ bị đục thủy tinh thể, thoái hóa điểm vàng (những tổn thương bình thường có liên quan đến tuổi tác), tổn thương thần kinh thị giác và tóm lại thì bạn có thể bị mù nếu hút thuốc lá.
Nguồn: Nguyễn Huy Hồng (sưu tầm và tổng hợp)