Lịch sử ra đời ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 gắn liền với lịch sử của tổ chức giáo giới tiến bộ trên thế giới. Năm 1946, một tổ chức quốc tế các nhà giáo tiến bộ được thành lập ở Paris lấy tên là FISE (Féderation International Syndicale des Enseignants - Liên hiệp quốc tế các Công đoàn Giáo dục). Năm 1949, tại Hội nghị quốc tế Vacsava, tổ chức FISE xây dựng một bản "Hiến chương các nhà giáo" gồm 15 chương. Nội dung chủ yếu là đấu tranh chống nền giáo dục tư sản, phong kiến; xây dựng nền giáo dục tiến bộ; bảo vệ những quyền lợi vật chất và tinh thần chính đáng của nghề dạy học và nhà giáo. Mùa xuân năm 1953, Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Nguyễn Khánh Toàn làm trưởng đoàn dự Hội nghị quan trọng kết nạp Công đoàn giáo dục của một số nước vào tổ chức FISE tại Viên (Thủ đô nước Áo), trong đó có Công đoàn Giáo dục Việt Nam. Chỉ một thời gian ngắn sau khi thành lập (22/7/1951), Công đoàn giáo dục Việt Nam đã được kết nạp là một thành viên của FISE. Từ ngày 26 đến 30/8/1957, tại Thủ đô Vacsava, Hội nghị FISE có 57 nước tham dự, trong đó có Công đoàn giáo dục Việt Nam, quyết định lấy ngày 20 tháng 11 làm ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo.
Do tính chất và mục đích tốt đẹp của ngày hiến chương các nhà giáo quốc tế, theo đề nghị của ngành Giáo dục, ngày 28/9/1982 Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 167 – HĐBT, lấy ngày 20 /11 hàng năm là Ngày Nhà giáo Việt Nam. Từ đó tới nay, Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 là một ngày lễ lớn, thể hiện truyền thống văn hoá “tôn sư trọng đạo”, “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Truyền thống tốt đẹp đó đã trở thành một đạo lý cao cả, thiêng liêng thấm sâu vào trong nhận thức, tình cảm của mỗi người dân Việt Nam. Ngày 20/11 là dịp để các thế hệ học trò bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến thầy cô, để toàn xã hội ghi nhận công lao, tầm quan trọng của giáo dục đối với sự phát triển của đất nước cũng như chia sẻ niềm vui, tri ân tới những người đã góp công sức và tâm huyết cho sự nghiệp trồng người cao cả, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Cùng với ngày Quốc tế hiến chương nhà giáo, thế giới còn có Ngày Quốc tế Nhà giáo (World Teachers’ Day) được tổ chức hàng năm vào ngày 5 tháng 10. Lễ kỷ niệm việc bắt nguồn từ Khuyến nghị của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) / UNESCO năm 1966 liên quan đến “Điều kiện của giáo viên, trong đó đặt ra các tiêu chuẩn liên quan đến quyền và trách nhiệm của giáo viên, và các tiêu chuẩn cho sự chuẩn bị ban đầu cho nền giáo dục mới, tuyển dụng, việc làm và các điều kiện dạy và học". Khuyến nghị liên quan đến tình trạng của nhân lực giảng dạy giáo dục đại học đã được thông qua vào năm 1997 để bổ sung cho Khuyến nghị năm 1966 trong đó có bao gồm nhân viên giảng dạy trong giáo dục đại học. Ngày Quốc tế nhà giáo đã được tổ chức từ năm 1994. Có thể nói, đây là ngày để kỷ niệm quan trọng để tôn vinh các nhà giáo và cách mà họ đang chuyển đổi nền giáo dục nhưng cũng để phản ánh về sự hỗ trợ mà họ cần để triển khai đầy đủ tài năng và thiên chức của mình, đồng thời suy nghĩ lại con đường phía trước cho nghề nghiệp trên toàn cầu.
Ngày Quốc tế Nhà giáo năm 2022 được đồng tổ chức bởi ILO, UNICEF và Tổ chức Giáo dục Quốc tế (EI). Chủ đề của Ngày Quốc tế Nhà giáo 2022 là “Sự chuyển đổi của giáo dục bắt đầu từ giáo viên”. Lễ kỷ niệm đã đề cập đến các cam kết và lời kêu gọi hành động được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh về giáo dục chuyển đổi, vào tháng 9 năm 2022, và phân tích những tác động của chúng đối với giáo viên và việc giảng dạy. Lễ kỷ niệm kéo dài ba ngày tại Trụ sở UNESCO sẽ bao gồm lễ trao Giải thưởng UNESCO-Hamdan cho sự phát triển giáo viên, và một loạt các sự kiện giới thiệu cách thức đảm bảo điều kiện làm việc tốt của giáo viên, khả năng tiếp cận các cơ hội phát triển nghề nghiệp và tư cách nghề nghiệp được công nhận là ưu tiên hàng đầu hướng tới các hệ thống giáo dục linh hoạt hơn. UNESCO đang nỗ lực để tận dụng vai trò quan trọng của các tác nhân thay đổi chính này.
Thiết nghĩ, trong những ngày này, cùng với việc tổ chức các hoạt động tri ân, kỉ niệm, tôn vinh các nhà giáo, cần có những hoạt động nữa để bàn về vai trò của họ trong công cuộc đổi mới giáo dục, bàn về chính sách đối với giáo viên và cán bộ giáo dục (chẳng hạn như chính sách đãi ngộ, chính sách thu hút nhân tài, chính sách về phát triển chuyên môn, …). Đồng thời, cũng cần có những kêu gọi tiếp tục, mạnh mẽ hơn nữa để có thật nhiều những nhà giáo đổi mới, nhà trường đổi mới, để biến những đổi mới từ giáo viên trở thành động lực mạnh mẽ hơn cho quá trình đổi giáo dục và đào tạo.
Tài liệu tham khảo: https://www.unesco.org/en/days/teachers#:~:text=World%20Teachers'%20Day%20is%20held,all%20teachers%20around%20the%20globe.
Tạp chí Giáo dục