eLife sẽ không từ chối các bản thảo một khi đã bắt đầu quy trình phản biện - Các nhà nghiên cứu nghĩ gì?

Tạp chí truy cập mở phi lợi nhuận eLife đã đưa ra một loạt các thay đổi trong quy trình xuất bản nghiên cứu. Cụ thể, tạp chí này sẽ xuất bản tất cả các bài báo mà nó gửi đi phản biện cùng với các báo cáo của người đánh giá. Những thay đổi này được công bố vào tháng trước và đã nhận được nhiều phản hồi trái chiều.

Ý tưởng công bố công khai nội dung thẩm định không phải là mới. Bản thân eLife đã xuất bản các đánh giá về các bài báo mà họ chấp nhận và từ chối đăng kể từ năm 2021 (cũng vào năm ngoái, tạp chí bắt đầu yêu cầu bất kỳ nghiên cứu nào được gửi trước phải được xuất bản dưới dạng bản in trước). Theo hệ thống trước đây, các nhà khoa học đã trả 3.000 đô la Mỹ để xuất bản trên eLife, nhưng hiện đã giảm xuống còn 2.000 đô la. Và theo một bài xã luận ngày 20/10 thông báo về những thay đổi, tạp chí “sẽ không còn đưa ra quyết định chấp nhận/ từ chối sau khi phản biện”. Thay vào đó, nó sẽ xuất bản mọi bản thảo đã được gửi để thẩm định, cùng với các báo cáo từ những người đánh giá. Bài báo sẽ kèm theo đánh giá của eLife để giúp người đọc cảm nhận được tầm quan trọng của công việc (yếu tố này làm cho mô hình khác biệt với các hệ thống phản biện khác sau khi xuất bản như F1000 Research).

Sau khi xuất bản, tác giả có thể chọn thực hiện các thay đổi do người đánh giá đề xuất và gửi lại tác phẩm cho eLife hoặc gửi tác phẩm để xem xét tại một tạp chí khác. Mỗi lần lặp lại của bản in trước đã được đánh giá sẽ nhận được mã định danh DOI của riêng nó, Tại bất kỳ thời điểm nào, các tác giả có thể chỉ định một phiên bản cụ thể làm phiên bản của hồ sơ - gần tương đương với bài báo cuối cùng được xuất bản trên một tạp chí thông thường. Những thay đổi sẽ có hiệu lực ngay lập tức và trở thành lựa chọn duy nhất cho các nhà nghiên cứu muốn xuất bản trên eLife từ tháng 1 năm 2023.

 

Ngoài ra, eLife còn thông báo rằng hệ thống mới của họ sẽ tăng tốc đáng kể quá trình xuất bản và giúp các tác giả không phải chờ đợi hàng tháng trời để xem liệu công trình của họ có vượt qua được bình duyệt hay không. 

Sophien Kamoun, một nhà sinh vật học tại Sainsbury Laboratory ở Norwich, Vương quốc Anh, đã viết trong một bài đăng trên blog: “Nó giúp các nhà khoa học kiểm soát quá trình xuất bản”. Ông cũng cho rằng tạp chí nên công bố các quyết định về các bản in trước được đệ trình nhưng không được gửi đi phản biện: “Các quyết định từ chối phải công khai và minh bạch”.

Một số cá nhân đã phán đối lại những thay đổi được đề xuất: “Mọi người sẽ sử dụng proxy như uy tín của tổ chức và của nhà khoa học để xác định những gì họ nghĩ về một bài báo” Guy Termanentzapf, một nhà sinh học tế bào và phát triển tại Đại học British Columbia ở Vancouver, Canada đã tweet: "Điều này sẽ gây bất lợi cho các viện có uy tín thấp hơn và các nhà khoa học mới vào nghề.".

Pattinson nói rằng: “Chúng tôi luôn là một nhà xuất bản đổi mới nhằm chuyển đổi hệ thống xuất bản khoa học. Sau mười năm của công trình này, chúng tôi cảm thấy hệ thống sẽ không bao giờ thay đổi trừ khi có những lựa chọn thay thế khả thi dành cho các tác giả và cho đến nay, những lựa chọn này vẫn còn rất ít và xa vời”.

Pattinson cho biết thêm: “Chúng tôi biết các nhà nghiên cứu coi trọng hoạt động phản biện chất lượng cao và đánh giá do biên tập viên hướng dẫn, nhưng họ thực sự không thể tiếp cận các dịch vụ này nếu không tham gia vào hệ thống tạp chí. Tuy nhiên, bây giờ họ có thể”.

Lê Vân lược dịch

Nguồn 

Else, H. (2022). eLife won’t reject papers once they are under review — what researchers think. Nature. https://doi.org/10.1038/d41586-022-03534-6

Ghi chú: Các quan điểm của Tác giả không nhất thiết là quan điểm của Tạp chí

Bạn đang đọc bài viết eLife sẽ không từ chối các bản thảo một khi đã bắt đầu quy trình phản biện - Các nhà nghiên cứu nghĩ gì? tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19