Những năm gần đây, mô hình Nghiên cứu bài học vì cộng đồng học tập đã được triển khai rộng khắp tại nhiều địa phương trên cả nước ta như một cách tiếp cận mới nhằm phát triển chuyên môn cho giáo viên hiệu quả hơn. Ở Việt Nam, mô hình này còn được gọi là Sinh hoạt chuyên môn theo Nghiên cứu bài học (gọi là sinh hoạt chuyên môn mới - SHCMM) và hiện đã trở thành chính sách giáo dục quốc gia từ năm 2014. Gần đây nhất, tại Công văn số 1315/BGDĐT-GDTH ngày 16/4/2020 Hướng dẫn SHCM thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học, Bộ GDĐT cũng đề cập hướng dẫn SHCM theo nghiên cứu bài học. Đây là một bước tiến mới cho việc phát triển chuyên môn của giáo viên phổ thông.
Ảnh 1. Các đại biểu mời tại phiên thảo luận bàn tròn
Với mong muốn hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan quản lý giáo dục địa phương, các nhà nghiên cứu giáo dục và các giáo viên trong nước hiểu rõ bản chất của mô hình này, Tạp chí Giáo dục cùng với sự phối hợp của Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán, sự tài trợ của Công ty Sanshin, Quỹ Giáo dục Bắc Giang (của TS. Eisuke Saito và TS. Khổng Thị Diễm Hằng – Đại học Monash - Úc) tổ chức buổi toạ đàm trực tiếp với GS. Manabu Sato – cha đẻ của mô hình, và các diễn giả trong và ngoài nước về Mô hình Nghiên cứu bài học vì cộng đồng học tập ở quốc tế và Việt Nam.
Ảnh 2. Nguyên Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển chia sẻ tại Toạ đàm
Buổi toạ đàm đã thu hút được gần 100 đại biểu dự trực tiếp tại Hội trường và 238 đại biểu dự trực tuyến (từ các tỉnh Hà Nội, Bắc Giang, Tp. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng, Bình Phước, Phú Yên, Hà Tính, Phú Thọ,...). Nhiều đại biểu đến từ Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội, các nhà quản lí giáo dục, các giáo viên của các trường tiểu học tại Hà Nội, các trường quốc tế, đại diện các Tổ chức VVOB, Tổ chức Plan International Vietnam, ...
GS.TS. Trần Văn Nhung, Nguyên thứ trưởng Bộ GD&ĐT, TS. Nguyễn Vinh Hiển, Nguyên thứ trưởng Bộ GD&ĐT cũng đã có mặt và chia sẻ, trao đổi nhiều kinh nghiệm, ý tưởng quan trọng về chính sách và thực tiễn đổi mới giáo dục nhằm triển khai chương trình mới, phát triển chuyên môn giáo viên.
Ảnh 3. Nguyên Thứ trưởng Trần Văn Nhung chia sẻ tại Toạ đàm
Tại buổi toạ đàm GS Manabu Sato đã chia sẻ trực tiếp những tư tưởng quan trọng của mô hình sinh hoạt chuyên môn nổi tiếng thế giới này. Tầm nhìn của việc đổi mới Cộng đồng học tập là nhằm tạo ra một cộng đồng trong đó mỗi trẻ em là chủ thể (hay là nhân vật chính) của việc học trong nhà trường và tạo ra một cộng đồng học tập của giáo viên bằng cách xây dựng tình đồng nghiệp giữa các giáo viên, tạo ra một cộng đồng học tập của cha mẹ với hơn 80% cha mẹ hợp tác và tham gia vào quá trình đổi mới. Việc thực hiện đổi mới này không phải là một phong trào mà là một “mạng lưới” và toàn diện và tổng thể. Đồng thời, một số chuyên gia, một số nhà quản lí, giáo viên trực tiếp triển khai mô hình này tại Việt Nam đã chia sẻ về những khó khăn, thách thức và nhiều thành công từ quá trình nhiều năm triển khai mô hình này ở Việt Nam từ nhiều góc độ khác nhau.
Ảnh 4. GS. Manabu Sato báo cáo tại Toạ đàm
Đặc biệt, trong buổi toạ đàm, Giáo sư Manabu Sato đã chia sẻ những nội dung liên quan đến cuốn sách bằng tiếng Việt vừa xuất bản có tên “Xây dựng Cộng đồng học tập” (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 2022). Cuốn sách trình bày những tư tưởng cơ bản, quan trọng và nhiều ví dụ thực tiễn và cụ thể về xây dựng cộng đồng học tập trong bối cảnh nhà trường hiện nay, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng rất lớn tới các trường học trên toàn cầu.
Ảnh 5. Các đại biểu tham dự Toạ đàm
Các ý kiến bình luận của nhiều đại biểu đều hướng tới việc đề xuất xây dựng và phát triển cộng đồng học tập cho giáo viên nhằm phát triển chuyên môn, đổi mới và sáng tạo trong dạy học. Tên gọi đề xuất là Mạng lưới Nghiên cứu bài học Việt Nam, hướng tới sẽ là thành viên của Internation Network for School as Learning Community (http://school-lc.com/) với sự hỗ trợ của GS. Manabu Sato. Sáng kiến này sẽ giúp có một cộng đồng để chia sẻ, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm giáo dục, đặc biệt là kinh nghiệm tổ chức Sinh hoạt chuyên môn theo Nghiên cứu bài học nhằm nâng cao năng lực quan sát, phân tích việc học của học sinh, năng lực suy ngẫm về bài học, năng lực điều hành, tổ chức sinh hoạt chuyên môn để từ đó cải thiện năng lực dạy học của giáo viên và đổi mới nhà trường Việt Nam. Mạng lưới dự kiến sẽ tổ chức các hoạt động trực tuyến định kì và một số hoạt động trực tiếp cho các thành viên do các chuyên gia giáo dục, chuyên gia về nghiên cứu bài học thiết kế, dẫn dắt. Bạn đọc có thể đăng kí tham gia Mạng lưới bằng cách click vào đường dẫn sau: https://zalo.me/g/cvivrr885.
Tạp chí Giáo dục