Giáo dục khởi nghiệp và ý định kinh doanh của sinh viên Việt Nam: Ảnh hưởng của niềm tin về năng lực bản thân và định hướng học tập

Nghiên cứu của nhóm tác giả Giang Hoang, Thuy Thu Thi Le, Anh Kim Thi Tran, Tuan Du (2021) đã được công bố trên tạp chí Education and Training, đây là tạp chí thuộc Q1 Scopus và được SSCI chỉ mục. Bài báo này trình bày về vai trò trung gian của niềm tin vào năng lực bản thân và định hướng học tập đặt trong mối quan hệ giữa giáo dục khởi nghiệp cũng như ý định kinh doanh của sinh viên đại học ở Việt Nam.

Giáo dục khởi nghiệp có một vai trò vô cùng quan trọng đặc biệt là ở trong chương trình giáo dục đại học. Theo đó, đưa ra những chính sách hiệu quả, đồng thời góp phần hỗ trợ tới ý định kinh doanh của sinh viên là mục tiêu mà các nhà quản lý giáo dục, hoạch định chính sách và nhà trường hiện nay đang hướng đến. Nghiên cứu đã tiến hành khảo sát trực tuyến với 1021 sinh viên đại học tại Việt Nam và sử dụng phương pháp phân tích hồi quy thức bậc để kiểm định các giả thuyết. Kết quả cho thấy giáo dục khởi nghiệp ảnh hưởng tích cực đến ý định kinh doanh và mối quan hệ này chịu sự tác động trung gian bởi cả yếu tố niềm tin vào năng lực bản thân và định hướng học tập.

Tuy nhiên, nghiên cứu mới chỉ tập trung vào ba biến độc lập trong dự báo của ý định kinh doanh mà trong đó chỉ có giáo dục khởi nghiệp có thể được quản lý bởi chính sách công. Nhóm tác giả đã đề xuất rằng những nghiên cứu kế thừa sau này nên kiểm nghiệm những yếu tố giả định khác như năng lực của sinh viên, tính cách và đam mê trong việc tạo động lực thúc đẩy kinh doanh với những sinh viên bậc cử nhân. Để đồng nhất giáo dục đại học với nhu cầu cụ thể của sinh viên đại học ở nhiều quốc gia khác nhau, những nghiên cứu sau này có thể xem xét về ảnh hưởng điều tiết của định hướng học tập đối với mối liên hệ giữa giáo dục đại học và ý định kinh doanh trong nhiều bối cảnh khác nhau. Trong một thế giới biến đổi nhanh, nghiên cứu này dừng lại ở việc trình bày, báo cáo những kết quả với hướng tiếp cận theo chiều ngang (crossectional approach). Nhóm tác giả vì vậy cũng gợi ý những học giả nghiên cứu sau này nên tiến hành một nghiên cứu theo chiều dọc (longitudinal study) để kiểm chứng mô hình lý thuyết đã có.

Nhìn chung, nghiên cứu này đóng góp vào việc mở rộng những hiểu biết về tầm ảnh hưởng của giáo dục đại học đối với sự phát triển của ý định kinh doanh. Kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả cho thấy giáo dục đại học tại Việt Nam có thể ảnh hưởng trực tiếp tới ý định kinh doanh. Điều ấy cũng có những ảnh hưởng gián tiếp tới ý định kinh doanh thông qua niềm tin vào năng lực bản thân và định hướng học tập. Những kết quả nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục đại học và đề xuất rằng chính phủ Việt Nam và các trường đại học nên tạo thuận lợi cho sự tiếp cận của sinh viên với giáo dục khởi nghiệp. 

Nguồn

Hoang, G., Le, T. T. T., Tran, A .K. T., & Du, T. (2021). Entrepreneurship education and entrepreneurial intentions of university students in Vietnam: the mediating roles of self-efficacy and learning orientation. Education and Training, 63(1), 115 - 133. https://doi.org/10.1108/ET-05-2020-0142

Ghi chú: Các quan điểm của Tác giả không nhất thiết là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.