Kinh nghiệm và những thách thức đặt ra trong quá trình triển khai chương trình GDPT mới

Ngày 28/10/2022, Tạp chí Giáo dục và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đã tổ chức Hội thảo quốc gia với chủ đề: “Lí luận và thực tiễn triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong các cơ sở giáo dục và đào tạo”. Nhiều kinh nghiệm thực tiễn được báo cáo về việc tập huấn giáo viên, triển khai chương trình nhà trường, cách thức tổ chức lựa chọn và sử dụng sách giáo khoa đã được chia sẻ tới các nhà khoa học, các nhà quản lí.

Chương trình giáo dục phổ thông mới nhằm hướng tới việc đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với giai đoạn phát triển mới của đất nước cũng như xu hướng phát triển của giáo dục phổ thông trên thế giới. Chuẩn bị cho việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục đại học có đào tạo giáo viên, các sở giáo dục và đào tạo đã tích cực, chủ động triển khai các hoạt động như: tập huấn giáo viên ngay từ khi đang viết Chương trình về những tư tưởng mới định hướng cho quá trình xây dựng Chương trình; điều chỉnh, đổi mới, xây dựng mới chương trình đào tạo giáo viên; thí điểm dạy học theo các bộ sách giáo khoa khác nhau để đáp ứng mục tiêu Chương trình,...  Hiện nay, sau 5 năm triển khai chương trình giáo dục phổ thông, đặc biệt là sau 3 năm triển khai việc dạy học theo các bộ sách giáo khoa mới, các nhà nghiên cứu, các nhà quản lí cũng có rất nhiều thông tin phản hồi từ thực tiễn dạy và học, cũng có những phân tích, đánh giá và có nhiều kết quả nghiên cứu đóng góp cho lí luận. Các kết quả này phản ánh sự sinh động trong thực tiễn dạy và học, triển khai Chương trình và cũng có thể có nhiều ý nghĩa, bình luận cho việc triển khai Chương trình ở các bước tiếp theo.

TS. Nguyễn Vinh Hiển, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT trao chứng nhận tham gia và báo cáo cho các báo cáo viên tại Hội thảo

Tại hội thảo, nhiều báo cáo đã chia sẻ về các mô hình hay kinh nghiệm triển khai chương trình, sách giáo khoa ở một số nước trên thế giới như Nhật Bản, Úc, Mỹ,… (Báo cáo của TS. Tạ Ngọc Trí về chương trình quốc gia, chương trình nhà trường, sách giáo khoa trong xây dựng và triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018). Từ đó có thể thấy, các bước tiến hành xây dựng chương trình, triển khai sách giáo khoa đã được nghiên cứu thực tiễn quốc tế khá sâu sắc, có những cách thức triển khai cho phù hợp với thực tiễn chính sách, điều kiện Việt Nam.

Các kinh nghiệm thực tiễn triển khai thực hiện chương trình, lựa chọn sách giáo khoa cũng đã được chia sẻ từ các sở giáo dục và đào tạo, trong đó có kinh nghiệm của Sở Giáo dục và Đào tạo Lào Cai là rất đáng được học tập, quan tâm. Báo cáo chỉ ra rằng ba yếu tố là cán bộ quản lí; giáo viên và cơ sở vật chất có vai trò quyết định tới việc thực hiện thành công chương trình mới. Trong khi đó, các phòng học, phòng bộ môn và phòng chức năng thực hiện chương trình giáo dục phổ thông ở các cơ sở giáo dục phổ thông còn thiếu để đáp ứng yêu cầu.

Về công tác đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, có nhiều nghiên cứu đề xuất về những giải pháp cơ bản trong đổi mới, đào tạo bồi dưỡng giáo viên. GS.TS. Phạm Hồng Quang đề xuất việc cần phải đổi mới, cập nhật các chương trình đào tạo giáo viên, cần coi chương trình đào tạo giáo viên là kết quả, sản phẩm của một công trình nghiên cứu về khoa học giáo dục được đầu tư công phu; cần có tổng kết thực tiễn, sử dụng kinh nghiệm quốc tế phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Các nhà trường sư phạm cần lưu ý rằng những người thầy “phải được đào tạo để trở thành những nhà giáo dục nhiều hơn là những chuyên gia truyền đạt kiến thức”.

Nghiên cứu của PGS.TS. Bùi Minh Đức và cộng sự (trên địa bàn các tỉnh trung du miền núi phía Bắc) chỉ ra rằng nhận thức về đổi mới đối với giáo viên là rất rõ ràng, đồng thời công tác tổ chức, phương pháp đánh giá, học liệu là những yếu tố tác động lớn nhất đến hiệu quả của hoạt động bồi dưỡng giáo viên. 

Về thực tiễn dạy học, nghiên cứu của TS. Nguyễn  Phương Thảo (dựa trên phân tích video) cũng đã chỉ ra những khía cạnh mang tính văn hoá của không gian vật lí lớp học và ngôn ngữ được sử dụng trong lớp học dường như chưa thực sự phù hợp với mục tiêu “lấy học sinh làm trung tâm” và những khuyến nghị về việc điều chỉnh các yếu tố trên nhằm tạo ra môi trường “bình đẳng hơn” và học sinh thực sự trở thành trung tâm hơn trong lớp học.

Tại hội thảo, ngoài những bình luận sâu sắc về vấn đề lí luận trong đào tạo giáo viên, phát triển chương trình, nhiều vấn đề phát sinh trong thực tiễn triển khai chương trình mới cũng đã được các nhà khoa học, các nhà quản lí đặt ra, bình luận. Vấn đề dạy học tích hợp các môn khoa học ở trường trung học cơ sở và thách thức đối với việc bố trí giáo viên giảng dạy, vấn đề chuẩn bị của các trường sư phạm trong đào tạo giáo viên để dạy học tích hợp trong các môn khoa học tự nhiên, khoa học xã hội. Thách thức nữa là thực trạng cơ sở vật chất của các nhà trường ở nhiều nơi chưa đáp ứng được thực hiện chương trình mới.

Một ý kiến vừa có tính bình luận, vừa có ý đóng góp chính sách là bên cạnh việc hướng dẫn một cách chi tiết, cụ thể từ các cấp quản lí, cũng cần có những yêu cầu mở hơn trong thực tiễn triển khai dạy học, kiểm tra và đánh giá giáo viên. Chẳng hạn, có đại biểu đề xuất việc khai thác nhiều bộ sách giáo khoa trong một nhà trường để giáo viên tham khảo, khai thác được các nội dung từ các bộ sách để đưa vào bài giảng, và do đó, tiến trình bài dạy không nhất thiết phải theo một cuốn sách giáo khoa cụ thể nào. Điều này cần sự tích cực và năng lực của giáo viên cũng như sự tạo điều kiện của Nhà trường, các cấp quản lí trong công tác kiểm tra đánh giá giáo viên. Có những báo cáo về thực trạng kiểm tra, đánh giá môn lịch sử ở nhiều nơi đang chỉ tập trung vào kiểm tra khả năng ghi nhớ, tái hiện, ít quan tâm tới khả năng phân tích, tư duy phản biện của học sinh. Do đó, tác giả khuyến nghị cần đổi mới cách kiểm tra đánh giá trong môn Lịch sử chẳng hạn có thể theo cách làm hiện nay của môn Ngữ Văn. Cách ra đề như ở môn Ngữ Văn hiện nay là rất tốt, toàn diện và thấy được ý nghĩa của môn học này trong cuộc sống.

Đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

Các báo cáo gửi về cho thấy nhiều hoạt động đổi mới trong dạy học cũng như nghiên cứu về thành công cũng như thách thức nhiều mặt đã đặt ra trong quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông. Các ý kiến trao đổi tại Hội thảo đã cung cấp nhiều thông tin, cách tiếp cận khác nhau và những đề xuất cho công tác quản lí, công tác đào tạo giáo viên, bồi dưỡng giáo viên nhằm tiếp tục thực hiện triển khai chương trình giáo dục phổ thông.

Tạp chí Giáo dục

Bạn đang đọc bài viết Kinh nghiệm và những thách thức đặt ra trong quá trình triển khai chương trình GDPT mới tại chuyên mục Hội thảo khoa học của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19