Thực trạng xuất bản khoa học bằng các ngôn ngữ không phải tiếng Anh của học giả Việt Nam

Nghiên cứu của các tác giả Van Luong Nguyen, Dinh-Hai Luong và Hiep-Hung Pham khảo sát thực trạng xuất bản khoa học bằng các ngôn ngữ không phải tiếng Anh của các học giả Việt Nam trong khoảng thời gian từ năm 1960 đến 2021.

Tiếng Anh hiện là ngôn ngữ chung trong giao tiếp học thuật của các học giả trên khắp thế giới. Đối với các học giả có tiếng mẹ đẻ không phải là tiếng Anh, việc thành thạo tiếng Anh tối thiểu ở mức độ cơ bản là điều bắt buộc để có thể giao tiếp và được các đồng nghiệp quốc tế công nhận. Việt Nam không phải là ngoại lệ. Trong bối cảnh nền học thuật hiện tại của Việt Nam, khi nói đến “xuất bản quốc tế”, các học giả thường ngầm hiểu đó là tiếng Anh. Tuy nhiên, thống kê cho thấy các học giả Việt Nam còn xuất bản nghiên cứu của mình bằng các ngôn ngữ nước ngoài khác không phải tiếng Anh, bao gồm tiếng Nga, tiếng Pháp và tiếng Trung. Xuất bản học thuật bằng các ngôn ngữ không phải tiếng Anh cũng đóng vai trò quan trọng trong các ngành khoa học xã hội, nghệ thuật và nhân văn. Đặc biệt, Việt Nam có mối quan hệ lịch sử, xã hội, kinh tế và chính trị lâu dài với một số quốc gia không nói tiếng Anh, bao gồm Trung Quốc, Pháp và Nga.

Nghiên cứu này khảo sát các mô hình và động lực của việc xuất bản các tài liệu khoa học bằng các ngôn ngữ không phải tiếng Anh do các học giả Việt Nam đứng tên tác giả (hoặc đồng tác giả) về các khía cạnh: ngôn ngữ xuất bản, năm xuất bản, loại tài liệu, số lượng trích dẫn tài liệu, số lượng trích dẫn của tác giả và chủ đề nghiên cứu chính.

Đây là một nghiên cứu trắc lượng thư mục sử dụng dữ liệu từ cơ sở dữ liệu Scopus. Truy vấn tìm kiếm được thực hiện lúc 10:00 sáng ngày 10 tháng 2 năm 2022. Cơ sở dữ liệu Scopus được chọn vì đây là một trong những cơ sở dữ liệu khoa học được lập chỉ mục lớn nhất bao gồm các tài liệu bằng tiếng Anh và các ngôn ngữ đáng chú ý khác. Nhóm nghiên cứu tìm kiếm tất cả các tác giả có liên quan tới “Việt Nam” hoặc “Việt Nam” đã xuất bản tài liệu bằng các ngôn ngữ không phải tiếng Anh. Kết quả, nhóm nghiên cứu đã lập danh sách 833 tài liệu không phải tiếng Anh do ít nhất một học giả từ Việt Nam biên soạn từ năm 1960 đến năm 2021.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong số các ngôn ngữ không phải tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga và tiếng Trung Quốc là ba ngôn ngữ thường được các học giả Việt Nam lựa chọn để xuất bản. Năm 2015 là một năm bản lề khi số lượng các ấn phẩm khoa học không phải tiếng Anh từ Việt Nam tăng lên đáng kể. Các bài báo khoa học xuất bản trên các tạp chí là loại tài liệu phổ biến nhất và các chủ đề nghiên cứu thường gặp nhất không sử dụng ngôn ngữ nước ngoài là tiếng Anh gồm y học, khoa học nông nghiệp và sinh học, kỹ thuật, năng lượng và khoa học môi trường.

Mặc dù tiếng Anh là ngôn ngữ chính của nền khoa học thế giới, nhưng số lượng nghiên cứu xuất bản không sử dụng tiếng Anh của các nhà nghiên cứu Việt Nam đang có xu hướng ngày càng tăng. Điều này cho thấy rằng sự hợp tác giữa các nhà nghiên cứu Việt Nam và các nhà nghiên cứu nước ngoài cũng đã có sự gia tăng tương ứng.

Vân An lược dịch

Nguồn:

Nguyen, V. L., Luong, D. H., & Pham, H. H. (2022, August 19). Science beyond English: to what extent do Vietnamese scholars publish in non-English languages? Science Editing, 9(2), 105–111. https://doi.org/10.6087/kcse.275

Ghi chú: Các quan điểm của Tác giả không nhất thiết là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Bạn đang đọc bài viết Thực trạng xuất bản khoa học bằng các ngôn ngữ không phải tiếng Anh của học giả Việt Nam tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19