Năng lực quản lý lớp học của giáo viên mới vào nghề: Nghiên cứu trường hợp ở Việt Nam

Nghiên cứu với đề tài “Classroom management competence of novice teachers in Vietnam” của nhóm tác giả Ngô Vũ Thu Hằng, Nguyễn Thị Hằng và Nguyễn Thị Liên (2022) đã được công bố trên tạp chí Cogent Education. Đây là tạp chí thuộc Q2 Scopus và được ESCI chỉ mục. Bài báo này trình bày về thực trạng quản lý lớp học của giáo viên mới vào nghề ở Việt Nam, đồng thời so sánh sự thể hiện năng lực này giữa các giáo viên có kinh nghiệm từ 1 năm đến 5 năm.

Ở Việt Nam, Bộ GD-ĐT hiện nay đã cho thi hành những chính sách cải cách giáo dục nhằm mục tiêu phát triển nhân cách và năng lực cho học sinh. Theo đó, vai trò của những giáo viên mới vào nghề mang ý nghĩa rất quan trọng bởi đây là lực lượng được xem là thích ứng với việc đổi mới giáo dục nhanh hơn so với các giáo viên lâu năm, những người đã quen với lối giáo dục truyền thống.

Các tác giả đã tiến hành phân tích thực tiễn về năng lực quản lý lớp học của đội ngũ giáo viên mới vào nghề (công tác từ 1 đến 5 năm) hiện nay. Dữ liệu được thu thập từ các bảng hỏi và phỏng vấn sâu 618 khách thể đến từ các trường thuộc 12 tỉnh ở Việt Nam. 

Nguồn ảnh: Lao động Thủ đô

Kết quả cho thấy, những giáo viên mới vào nghề không thường xuyên thực hiện năng lực quản lý lớp học. Ngoài ra, các khách thể dành nhiều quan tâm hơn đến các hoạt động hướng vào giáo viên thay vì hướng vào học sinh. Đặc biệt, năng lực quản lý lớp học giữa các giáo viên có kinh nghiệm từ 1 đến 5 năm có sự khác biệt đáng kể. Cụ thể, các giáo viên có 5 năm kinh nghiệm quan tâm nhiều hơn đến việc quản lý lớp học so với những giáo viên có 1 năm kinh nghiệm. Họ thực hiện các năng lực trong lớp học của mình thường xuyên hơn, bao gồm xây dựng môi trường học tập, quản lý các hoạt động học tập của học sinh và quản lý hành vi của học sinh. 

Cuối cùng, nhằm giải quyết các vấn đề còn tồn tại và giúp giáo viên mới vào nghề quản lý lớp học hiệu quả, nghiên cứu đưa ra một số đề xuất như áp dụng phương pháp tiếp cận kiến ​​tạo xã hội và xem xét các đặc điểm của văn hóa Nho giáo để phát triển chiến lược quản lý lớp học.

Nguồn:

Hằng, N. T., & Liên, N. T. (2022, September 19). Classroom management competence of novice teachers in Vietnam. Cogent Education9(1). https://doi.org/10.1080/2331186x.2022.2124042
 

Ghi chú: Các quan điểm của Tác giả không nhất thiết là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Bạn đang đọc bài viết Năng lực quản lý lớp học của giáo viên mới vào nghề: Nghiên cứu trường hợp ở Việt Nam tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19