Ở Việt Nam, Bộ GD-ĐT hiện nay đã cho thi hành những chính sách cải cách giáo dục nhằm mục tiêu phát triển nhân cách và năng lực cho học sinh. Theo đó, vai trò của những giáo viên mới vào nghề mang ý nghĩa rất quan trọng bởi đây là lực lượng được xem là thích ứng với việc đổi mới giáo dục nhanh hơn so với các giáo viên lâu năm, những người đã quen với lối giáo dục truyền thống.
Các tác giả đã tiến hành phân tích thực tiễn về năng lực quản lý lớp học của đội ngũ giáo viên mới vào nghề (công tác từ 1 đến 5 năm) hiện nay. Dữ liệu được thu thập từ các bảng hỏi và phỏng vấn sâu 618 khách thể đến từ các trường thuộc 12 tỉnh ở Việt Nam.
Nguồn ảnh: Lao động Thủ đô
Kết quả cho thấy, những giáo viên mới vào nghề không thường xuyên thực hiện năng lực quản lý lớp học. Ngoài ra, các khách thể dành nhiều quan tâm hơn đến các hoạt động hướng vào giáo viên thay vì hướng vào học sinh. Đặc biệt, năng lực quản lý lớp học giữa các giáo viên có kinh nghiệm từ 1 đến 5 năm có sự khác biệt đáng kể. Cụ thể, các giáo viên có 5 năm kinh nghiệm quan tâm nhiều hơn đến việc quản lý lớp học so với những giáo viên có 1 năm kinh nghiệm. Họ thực hiện các năng lực trong lớp học của mình thường xuyên hơn, bao gồm xây dựng môi trường học tập, quản lý các hoạt động học tập của học sinh và quản lý hành vi của học sinh.
Cuối cùng, nhằm giải quyết các vấn đề còn tồn tại và giúp giáo viên mới vào nghề quản lý lớp học hiệu quả, nghiên cứu đưa ra một số đề xuất như áp dụng phương pháp tiếp cận kiến tạo xã hội và xem xét các đặc điểm của văn hóa Nho giáo để phát triển chiến lược quản lý lớp học.
Nguồn:
Ghi chú: Các quan điểm của Tác giả không nhất thiết là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.