Nâng cao hiệu quả chất lượng giáo dục học sinh khiếm thính cấp tiểu học

Ngày 25/8, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội nghị Tổng kết Dự án “Nâng cao chất lượng giáo dục học sinh khiếm thính cấp tiểu học thông qua ngôn ngữ ký hiệu” sau 2 năm triển khai thực hiện. Thứ trưởng Ngô Thị Minh dự và phát biểu tại hội nghị.

Dự án “Nâng cao chất lượng giáo dục học sinh khiếm thính cấp tiểu học thông qua ngôn ngữ ký hiệu (QIPEDC) do Quỹ Hợp tác toàn cầu tài trợ theo kết quả đầu ra (GPRBA) ủy thác thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ. Dự án QIPEDC do Ban Quản lý các dự án, Bộ Giáo dục và Đào tạo làm chủ dự án, được thực hiện tại 20 tỉnh thành gồm: Cao Bằng, Bắc Kạn, Sơn La, Thái Nguyên, Yên Bái, Nam Định, Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Phú Yên, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Long, Cà Mau, Tiền Giang, Hà Nội, Tp HCM, Hải Phòng. Mục tiêu của dự án QIPEDC nhằm tăng cường khả năng tiếp cận cho học sinh khiếm thính cấp tiểu học thông qua việc sử dụng ngôn ngữ ký hiệu tiếng Việt nhằm nâng cao kết quả học tập của trẻ.

Đại diện nhóm chuyên gia báo cáo đánh giá độc lập cuối kỳ của dự án

Sau hai năm học triển khai Dự án, mặc dù có những khó khăn nhất định cả về chủ quan và khách quan, song, với sự phối hợp hiệu quả, chỉ đạo kịp thời của các đơn vị tham gia, dự án đã tổ chức tập huấn cho phụ huynh của học sinh khiếm thính, xây dựng 150 băng hình dạy học sinh khiếm thính bằng ngôn ngữ ký hiệu, bao quát chương trình học môn Toán và môn Tiếng Việt từ lớp 1 đến lớp 5. Cùng với đó, hơn 400 người lớn điếc cũng được tập huấn để hỗ trợ giáo dục học sinh khiếm thính; 400 giáo viên và 100 nhân viên tình nguyện được tập huấn về ngôn ngữ ký hiệu và chăm sóc học sinh khiến thính.

Thay mặt lãnh đạo Bộ GDĐT, Thứ trưởng Ngô Thị Minh cảm ơn sự hỗ trợ hiệu quả của Quỹ Hợp tác toàn cầu của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, các chuyên gia đến từ WB trong quá trình xây dựng, phê duyệt và triển khai Dự án; cũng như 2 Trường ĐHSP Hà Nội, ĐHSP thành phố Hồ Chí Minh - đơn vị chủ trì biên soạn Tài liệu và trực tiếp tổ chức bồi dưỡng cho các nhóm đối tượng tham gia dự án; các Sở GDĐT, trường Sư phạm có học sinh khiếm thính tham gia dự án; lãnh đạo, chuyên viên các Vụ/Cục chuyên môn của Bộ GDĐT, Viện KHGD Việt Nam; chuyên gia, tư vấn, cộng đồng người điếc và các bậc phụ huynh học sinh khiếm thính.

Để tiếp tục duy trì, tạo kết quả bền vững của dự án và có sức lan tỏa sâu rộng tới các cơ sở giáo dục có học sinh khiếm thính trong cả nước trong những năm học tiếp theo, Thứ trưởng đề nghị phía nhà tài trợ tiếp tục quan tâm và tạo điều kiện tốt nhất có thể để các địa phương/đơn vị, cơ sở giáo dục có học sinh khiếm thính tham gia dự án có thêm nhiều cơ hội được hỗ trợ từ phía WB, các tổ chức quốc tế,… để duy trì, phát huy kết quả đạt được của dự án. Đồng thời mong muốn được tiếp tục mở rộng, tiếp nối phát triển lên cấp THCS, làm tiền đề cho việc triển khai ở các cấp học cao hơn.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh phát biểu tại hội nghị

Thứ trưởng Ngô Thị Minh đề nghị các Vụ/Cục chuyên môn của Bộ GDĐT phối hợp chỉ đạo các địa phương/đơn vị tiếp tục áp dụng và phát huy hiệu quả các phương pháp giáo dục/dạy học theo tiếp cận ngôn ngữ ký hiệu; các Tài liệu, Học liệu của Dự án để không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục học sinh khiếm thính tại các cơ sở giáo dụcTừ kinh nghiệm chỉ đạo và kết quả triển khai dự án, các Sở GDĐT cần xây dựng kế hoạch nhân rộng mô hình giáo dục học sinh khiếm thính thông qua ngôn ngữ ký hiệu tới tất cả các cơ sở giáo dục có học sinh khiếm thính trên địa bàn...

Đối với các Trường Đại học, Cao đẳng Sư phạm có khoa Giáo dục đặc biệt cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện và sử dụng linh hoạt các tài liệu bồi dưỡng của Dự án để có thể giảng dạy cho sinh viên theo học phần hoặc làm tài liệu tham khảo để sau khi tốt nghiệp ra trường có khả năng giảng dạy và hỗ trợ cho học sinh khiếm thính thông qua ngôn ngữ ký hiệu tại các cơ sở giáo dục đạt kết quả tốt.

Về phía các cơ sở giáo dục có học sinh khiếm thính cần tiếp tục duy trì và tăng cường hơn nữa mối quan hệ, phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường với gia đình học sinh và các lực lượng xã hội để cùng chung tay, cộng đồng trách nhiệm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, hỗ trợ học sinh khiếm thính thông qua ngôn ngữ ký hiệu, nhất là với những người lớn điếc đã được bồi dưỡng, tập huấn theo chương trình của dự án…

Các địa phương/đơn vị cần tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông; thực hiện tuyên truyền và phổ biến sâu rộng hơn nữa về ngôn ngữ ký hiệu, dạy học sinh khiếm thính thông qua ngôn ngữ ký hiệu tới các cơ sở giáo dục trong và ngoài dự án nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm tham gia của các lực lượng trong xã hội về giáo dục, hỗ trợ học sinh khiếm thính, tạo điều kiện đưa học sinh khiếm thính đến gần hơn với cộng đồng, nhất là với cộng đồng người điếc để gia tăng môi trường học tập và giao tiếp cho học sinh khiếm thính thông qua ngôn ngữ ký hiệu

Nguồn tin: Trung tâm Truyền thông giáo dục

Bạn đang đọc bài viết Nâng cao hiệu quả chất lượng giáo dục học sinh khiếm thính cấp tiểu học tại chuyên mục Tin tức, sự kiện của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19