Các yếu tố thách thức, học tập chuyên môn và công cụ tri thức: Trao đổi về khái niệm

Học tập chuyên môn (professional learning) có thể mang lại hiệu quả cao nhất đối với giáo viên khi việc dạy học, niềm tin và cái tôi của họ bị thách thức. Trong bài báo này, những yếu tố tạo ra những thách thức, nghi vấn như vậy được gọi là yếu tố thách thức (disruptive hooks). Quá trình giải quyết các yếu tố này mang lại việc học tập chuyên môn cho giáo viên, từ đó taọ ra các công cụ tri thức (knowledge artefacts) khác nhau để lưu trữ ý nghĩa của các thông tin khác nhau.

Trong bối cảnh lớp học, có nhiều loại thông tin khác nhau được tạo ra một cách liên tục. Học tập chuyên môn được coi là một quá trình để giáo viên hiểu sâu hơn và đa dạng hóa các cách giải thích ý nghĩa của thông tin đó. Những thông tin này chủ yếu bắt nguồn từ chính học sinh của họ. Theo đó, một trong những nguồn gây ra những thách thức đối với các giáo viên nảy sinh từ yêu cầu hiểu học sinh, đặc biệt là những hiểu lầm, nhu cầu không được thể hiện rõ ràng của các em, thậm chí là phi ngôn từ. Một khi họ có thể hiểu rõ hơn ý nghĩa của các thông tin khác nhau, đặc biệt là thông tin nảy sinh từ các yếu tố thách thức, những thông tin, bí quyết hoặc kiến ​​thức đã tiếp nhận sẽ được lưu trữ qua công cụ tri thức.

Bài báo này trình bày mối quan hệ giữa những yếu tố thách thức, học tập chuyên môn và công cụ tri thức. Theo đó, những yếu tố thách thức được chỉ ra đã góp phần mang đến cơ hội và là điều kiện cần thiết cho việc học tập chuyên môn của giáo viên. Kết quả học tập chuyên môn chính là việc hình thành các công cụ tri thức để lưu trữ tri thức và bí quyết dưới dạng (1) các công cụ hữu hình, (2) các khái niệm, và (3) niềm tin chung hay quy định chung của tổ chức ở dạng văn bản hay phi văn bản.

Đồng thời, tác giả cũng chỉ ra mối liên hệ qua lại giữa ba yếu tố này (xem hình 1). Ví dụ, có khả năng bản thân các công cụ tri thức có thể tạo ra sự không chắc chắn, khó hiểu hoặc các tình huống có vấn đề, tức là những yếu tố thách thức. Nguyên nhân là do tri ​​thức đằng sau công cụ tri thức có thể có sự khác biệt hoặc mâu thuẫn với tri thức của những người mới được trang bị công cụ và trong trường hợp này, những người mới làm quen với công cụ tri thức phải tự từ bỏ tri thức cũ và học tri ​​thức mới. Bằng cách mở rộng mạng lưới cho các giáo viên tham gia, có thể xảy ra nhiều khác biệt và khoảng cách hơn giữa các giáo viên về quan điểm, giá trị, niềm tin hoặc thậm chí là mức độ hiểu biết về những yếu tố thách thức mà họ cảm nhận được từ nguồn thông tin trong lớp học hoặc trường học.

Hình 1: Mô hình DPK (Disruptive hooks, professional learning, and knowledge artefacts)

Tương tự như vậy, công cụ tri thức có thể cung cấp thông tin cho việc học tập chuyên môn, và nó cũng sẽ phản hồi lại cho giáo viên về nhu cầu cải thiện công cụ tri ​​thức. Điều này có thể được tìm thấy trong ví dụ về việc giáo viên Việt Nam tự phát triển công cụ của riêng mình để cải thiện cách quay dựng video dựa trên kiến ​​thức về việc sử dụng các video clips trong khi suy ngẫm về bài học với đồng nghiệp.

Ngoài ra, việc học tập chuyên môn cũng có thể được xem là yếu tố thách thức, tạo động lực cho giáo viên tiến hành học tập chuyên môn sâu hơn. Đây là vấn đề của việc từ bỏ tri thức cũ và học tri thức mới - mặc dù giáo viên có thể tin rằng mình đã nắm chắc tri thức. Tuy nhiên, tri thức này, giá trị, hiệu lực, hoặc ý nghĩa của nó, cũng như bản thân cái tôi nghề nghiệp của giáo viên có thể bị nghi vấn về mặt căn bản.

Nhìn chung, những yếu tố thách thức được cho là cần thiết cho việc học tập chuyên môn, tiền đề để tạo ra công cụ tri thức. Tuy nhiên, việc gặp gỡ các yếu tố thách thức có thể mang tính ngẫu nhiên cao. Nếu không có can thiệp, cơ hội gặp gỡ này sẽ không đồng đều giữa các giáo viên vì nó phụ thuộc vào sự nhạy cảm về nhận thức của họ. Từ góc độ quan điểm nhà trường, lãnh đạo nhà trường câng cung cấp các cơ hội như nhau cho giáo viên được trải nghiệm các yếu tố thách thức. Như vậy, việc phát triển chuyên môn cần phải là một hoạt động có chủ định để có thể tạo ra sự gặp gỡ với các yếu tố thách thức, thông qua việc dự giờ và suy ngẫm về bài học cũng như là các đối thoại về chuyên môn, từ đó tạo ra các công cụ tri thức.

Nguồn:

Eisuke Saito (2022): Disruptive hooks, professional learning, and knowledge artefacts: a conceptual discussion, Professional Development in Education, DOI: 10.1080/19415257.2022.2111322

Bạn đang đọc bài viết Các yếu tố thách thức, học tập chuyên môn và công cụ tri thức: Trao đổi về khái niệm tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19