Giáo dục đại học và tầm quan trọng của các giá trị: Từ kết quả Khảo sát Giá trị Thế giới

Bộ dữ liệu về các giá trị được thu thập qua các công cụ như cuộc Khảo sát Giá trị Thế giới đã tập trung sự chú ý vào hai xu hướng đối lập nhưng có sự liên kết chặt chẽ, điển hình là sự kết hợp giữa những biến đổi văn hoá then chốt ở nhiều quốc gia và sự tồn tại của những giá trị truyền thống đặc trưng của mỗi dân tộc.

Sự gia tăng về tỉ lệ dân số học đại học là một hiện tượng toàn cầu; theo đó, một báo cáo mới đây của UNESCO đã khẳng định rằng “trong thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI, tỉ lệ dân số học đại học đã tăng khoảng 10 điểm phần trăm hoặc thậm chí cao hơn ở nhiều khu vực như châu Âu, châu Á, Mỹ Latinh và Caribbean”. Trên thực tế, việc phổ cập giáo dục đại học có ý nghĩa định hình xã hội theo nhiều phương diện khác nhau. Người tốt nghiệp đại học sẽ có thu nhập cao hơn những người không đạt được trình độ này, ngay cả khi thực tế cho thấy “đặc quyền” thu nhập của đối tượng này đang có xu hướng giảm xuống (chẳng hạn như tại Vương quốc Anh). Với sự gia tăng tỉ lệ người dân học đại học và có bằng tốt nghiệp, có thể khẳng định giáo dục đại học là một nhân tố quan trọng trong việc hình thành bộ giá trị của mỗi quốc gia.

Hai quan điểm chủ đạo về tác động của những yếu tố trên đến văn hoá quốc gia chủ yếu được định nghĩa qua sự hội tụ của các giá trị và đặc trưng văn hoá dân tộc do chúng gây ra: i) quá trình hiện đại hoá, trong đó các giá trị vân hoá truyền thống được thay thế bởi các giá trị “hiện đại”; và ii) toàn cầu hoá, trong đó, sự chuẩn hoá các cấu trúc công nghiệp, văn hoá và giáo dục dẫn đến hệ quả là một nền văn hoá xuyên quốc gia đồng nhất.

 

Trong bài viết này, nhóm nghiên cứu của Paul Koshy và cộng sự tập trung vào sự tiếp nhận giáo dục đại học với tư cách là một yếu tố ảnh hưởng quan trọng đến các giá trị, qua các bằng chứng thực chứng thu thập được từ cuộc Khảo sát Giá trị Thế giới (WVS), cụ thể là đánh giá của người trả lời về sáu giá trị WVS cốt lõi. Các bộ mẫu khảo sát gồm bộ mẫu chính và các bộ mẫu con được phân chia theo các yếu tố giới tính, thế hệ và quốc gia.

Cụ thể, các tác giả còn tìm hiểu sự khác biệt về sự tự đánh giá giá trị giữa những người đã tốt nghiệp và chưa tốt nghiệp đại học. Dữ liệu sử dụng để trả lời các câu hỏi này là bộ dữ liệu Khảo sát Giá trị Quốc tế (giai đoạn 2017-2020) đối với 6 giá trị cốt lõi – gia đình, bạn bè, giải trí, công việc, chính trị và tôn giáo – và ảnh hưởng của phổ cập giáo dục đại học đối với “tầm quan trọng” của mỗi giá trị và sự khác biệt do các yếu tố nhân khẩu học như giới tính, thế hệ và quốc gia tạo ra. Nghiên cứu đã tìm ra bằng chứng về các tác động liên tục và nhất quán trong đa số các hoàn cảnh, và không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê nào giữa những người đã tốt nghiệp và chưa tốt nghiệp đại học trong việc nhìn nhận tầm quan trọng của gia đình và công việc, nhưng có sự tác động tích cực, có ý nghĩa thống kê về nhận thức của những người tốt nghiệp đại học khi nhìn nhận về tầm quan trọng của bạn bè, giái trí và chính trị. Ngược lại, đối với yếu tố tôn giáo, có sự tác động tiêu cực, có ý nghĩa thống kê đối với nhận thức của nhóm khách thể này.

Vân An lược dịch

Nguồn:

Koshy, P., Cabalu, H., & Valencia, V. (2022). Higher education and the importance of values: evidence from the World Values Survey. Higher Education. https://doi.org/10.1007/s10734-022-00896-8

Ghi chú: Các quan điểm của Tác giả không phản ánh quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Bạn đang đọc bài viết Giáo dục đại học và tầm quan trọng của các giá trị: Từ kết quả Khảo sát Giá trị Thế giới tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn