Các giáo viên dạy thêm môn Toán tại Trung Quốc bị nghi ngờ về hiệu quả giảng dạy và hỗ trợ học sinh

Dựa trên các dữ liệu khảo sát trên quy mô lớn và phương pháp thực nghiệm trực tiếp, nhóm nghiên cứu của Ping Ren và cộng sự tìm hiểu tác động của việc dạy và học thêm môn Toán tại Trung Quốc đến thành tích học tập môn học này của học sinh.

Việc dạy học phụ đạo riêng (thường được gọi là dạy thêm) được cộng đồng nghiên cứu khoa học giáo dục thế giới coi là hình thức “giáo dục trong bóng tối”. Gần đây, ngành công nghiệp dạy thêm đã chứng kiến sự phát triển nhanh chóng tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó điển hình là tại Trung Quốc. Dạy thêm là chiến lược được nhiều phụ huynh, học sinh, giáo viên, hiệu trưởng và trường học sử dụng trong trường hợp học sinh không đạt được một mức thành tích học tập nhất định. Lời quảng cáo về việc học sinh theo học tại các trung tâm dạy thêm có thể đạt được những tiến bộ đáng kể trong học tập, mặc dù không có bằng chứng thực chứng, vẫn tỏ ra rất hiệu quả trong việc thu hút học sinh và phụ huynh tại Trung Quốc.

Nhìn chung, tại các kỳ thi học sinh giỏi quốc tế, học sinh Trung Quốc và một số quốc gia Đông Á khác thường đạt thành tích cao hơn so với các học sinh phương Tây. Một số nghiên cứu đánh giá rằng điều này có đươc là nhờ sự kết hợp giữa nỗ lực của học sinh, tính hiệu quả của chương trình học chính khoá lẫn dạy thêm. Do đó, tính hiệu quả của các hoạt động dạy thêm trở thành một chỉ báo nhận được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu giáo dục. Đồng thời, số liệu này cũng là cơ sở để chính phủ và các cơ quan quản lý có các hoạt động hỗ trợ và quản lý hiệu quả hơn.

Dữ liệu được sử dụng trong nghiên cứu đến từ một dự án khảo sát và thử nghiệm quy mô lớn, có tính đại diện quốc gia. Tổng cộng, các quận thuộc 31 tỉnh (bao gồm các khu tự trị và thành phố trực thuộc trung ương) và Quân đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương là những địa bàn nghiên cứu của nhóm. Mẫu dữ liệu cuối cùng bao gồm dữ liệu thu thập từ 120 quận và huyện. Mỗi quận sẽ chọn ra 8 trường trung học cơ sở để tham gia nghiên cứu. Ở mỗi quận, các trường được phân loại dựa trên vị trí của chúng (tức là thành phố, thị trấn và khu vực nông thôn). 30 học sinh lớp 8 được chọn ngẫu nhiên từ mỗi trường. Mỗi người tham gia khảo sát được yêu cầu hoàn thành một bài kiểm tra toán và một bảng câu hỏi tự ghi. Tổng cộng mẫu thiết kế bao gồm 29.337 học sinh lớp 8, và thực tế sau quá trình khảo sát thực địa và làm sạch, nhóm nghiên cứu thu được dữ liệu của 27.716 học sinh. Toàn bộ dữ liệu được xử lý bằng phần mềm Stata 15.0 và SPSS 24.0.

Kết quả nghiên cứu cho thấy trong học kỳ mà khảo sát được tiến hành, việc dạy thêm học thêm không có tác động tích cực đáng kể nào đến thành tích học tập môn Toán của học sinh. Điều này gợi ý rằng những khoản đầu tư tài chính lớn của nhiều gia đình dành cho các trung tâm và giáo viên dạy thêm đã không phát huy được hiệu quả như mong đợi. Tương tự, kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng phụ huynh cần lựa chọn trung tâm/giáo viên dạy thêm kĩ càng cho con mình, và chính phủ cần có những hướng dẫn chính thức, chuyên nghiệp để quản lý ngành công nghiệp dạy thêm, học thêm này.

Vân An lược dịch

Nguồn:

Ren, P., Dou, Z., Wang, X., Li, S., & Wang, L. (2022). Think Twice before Seeking Private Supplementary Tutoring in Mathematics: A Data Set from China Questioned Its Effectiveness. The Asia-Pacific Education Researcher. https://doi.org/10.1007/s40299-022-00664-3

Ghi chú: Các quan điểm của Tác giả không phản ánh quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Bạn đang đọc bài viết Các giáo viên dạy thêm môn Toán tại Trung Quốc bị nghi ngờ về hiệu quả giảng dạy và hỗ trợ học sinh tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19