Làm cách nào để thúc đẩy sự tham gia học tập của sinh viên trong các lớp học trực tuyến “khẩn cấp”? Kinh nghiệm từ đại dịch Covid-19

Nghiên cứu của nhóm tác giả Yating Huang và Siyao Wang tìm hiểu các tác động của yếu tố động lực và sự tham gia của sinh viên đến thành tích học tập của các em trong bối cảnh các lớp học phải diễn ra theo hình thức trực tuyến do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 đã khiến các hệ thống giáo dục trên toàn thế giới trải qua sự gián đoạn chưa từng có trong lịch sử hiện đại, ảnh hưởng đến khoảng 1,6 tỷ học sinh, sinh viên trên toàn cầu. Ở cấp độ đại học, Covid-19 đã khiến hàng loạt trường đại học phải đóng cửa; giáo viên và sinh viên phải chạy đua với thời gian để chuyển từ các lớp học truyền thống sang trực tuyến “chỉ sau một đêm”. Trong đó, yếu tố động lực và sự tham gia của sinh viên trong các lớp học trực tuyến là điều cần được khẩn trương nghiên cứu vì cả nguyên nhân lý luận và thực tiễn. Đầu tiên, các bằng chứng thực chứng đã chỉ ra rằng việc thúc đẩy và gắn kết sinh viên trong bối cảnh các phòng học phải diễn ra trực tuyến là điều sống còn với chất lượng và tính hiệu quả của giáo dục online. Tuy nhiên, việc chuyển đổi quá gấp gáp sang hình thức đào tạo trực tuyến đã gây ra những thách thức chưa từng có đối với trải nghiệm và hiệu quả học tập của sinh viên. Thứ hai, lý thuyết về sự tự quyết (self-determination theory) là một trong những khung lý luận đầy đủ và có cơ sở thực chứng vững chắc nhất để tìm hiểu về động lực học tập của người học trong nhiều bối cảnh khác nhau.

Thông qua quá trình tổng quan tài liệu, các tác giả xác định đây là một trong những nghiên cứu đầu tiên về tác động của yếu tố động lực và sự tham gia của sinh viên đến thành tích học tập của các em sử dụng lý thuyết về sự tự quyết. Các mục tiêu nghiên cứu chính bao gồm: Thứ nhất, tìm hiểu về quy mô tác động của việc chuyển đổi hình thức học tập sang trực tuyến đến sự hài lòng và sự đáp ứng các nhu cầu tâm lý của sinh viên sau đại học Trung Quốc khi họ đang nỗ lực duy trì hoạt động học tập của bản thân diễn ra bình thường. Thứ hai, nghiên cứu tìm hiểu tác động của nhận thức sinh viên đối với việc thoả mãn các nhu cầu tâm lý cơ bản của bản thân đến sự tham gia học tập và thành tích học tập của họ. Thứ ba, nghiên cứu tìm hiểu những điểm khác biệt của sự tác động trên đối với sinh viên thế hệ thứ nhất và không phải thế hệ thứ nhất.

Nghiên cứu sử dụng một phần dữ liệu từ cuộc khảo sát quy mô lớn về Giảng dạy và Học tập Trực tuyến của Học viên Sau đại học do Ủy ban giáo dục thành phố Thượng Hải tiến hành theo hình thức trực tuyến. Trong tổng số 39 trường đại học công tại Thượng Hải, 31 trường đồng ý tình nguyện tham gia trả lời khảo sát này vào thời điểm cuối học kỳ. Sinh viên được đề nghị điền một bảng đánh giá sâu rộng về trải nghiệm học tập trực tuyến. Nhóm nghiên cứu thu thập được 19.744 bảng trả lời khảo sát (tỉ lệ phản hồi đạt 7,5%) và 14.935 bảng được xác định là hợp lệ. Đây được đánh giá là khảo sát có tính đại diện cao, do các trường đại học ở Thượng Hải có thứ hạng cao trong hệ thống giáo dục đại học, đồng thời đây cũng là một trong những khảo sát hiếm hoi được tiến hành trên quy mô cực lớn. Về thang đo, nghiên cứu này bao gồm ba thang đo nhằm đánh giá nhận thực của người trả lời khảo sát về sự thoả mãn các nhu cầu tâm lý, sự tham gia và thành tích học tập của sinh viên trong bối cảnh học tập trực tuyến. Kết quả khảo sát được phân tích bằng phần mềm SPSS 22.0 và Amos 21.0.

Nghiên cứu này đã có đóng góp tới lý thuyết về sự tự quyết thông qua việc mở rộng lý thuyết này để phân tích các tình huống thuộc dạng “khẩn cấp” (như việc chuyển đổi lớp học sang trực tuyến do bối cảnh đại dịch) và củng cố luận điểm chính rằng môi trường học tập trực tuyến “khẩn cấp”, nếu đáp ứng được các nhu cầu tâm lý “tự chủ” và mang lại chất lượng giảng dạy cạnh tranh, có thể góp phần thúc đẩy động lực học tập, sự tham gia lớp học tích cực của sinh viên và đi kèm với đó là thành tích chuyên môn được nâng cao. Nghiên cứu này cũng góp phần hé lộ tính chất phức tạp của sự thoả mãn có tính liên hệ trong trường hợp những tác động cụ thể của nó phụ thuộc vào tính chất văn hoá và loại hình tương tác sinh viên - lớp học cụ thể. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục là một thách thức y tế công cộng đáng kể trong thời gian tới, các hàm ý giúp cải thiện chất lượng giảng dạy trực tuyến trong tương lai cũng được đề cập.

Vân An lược dịch

Nguồn:

Huang, Y., & Wang, S. (2022). How to motivate student engagement in emergency online learning? Evidence from the COVID-19 situation. Higher Education. https://doi.org/10.1007/s10734-022-00880-2

Ghi chú: Các quan điểm của Tác giả không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19