4 mẹo giúp cải thiện chất lượng các slide bài giảng điện tử

Các slide bài giảng điện tử được thiết kế cẩn thận có thể giúp học sinh tập trung hơn vào bài học và cho phép giáo viên truyền tải những bài giảng có nội dung phức tạp.

Bên cạnh nội dung và các phương pháp sư phạm khác, các slide trình chiếu bài giảng điện tử có giá trị rất lớn trong bộ công cụ giảng dạy của bất kỳ giáo viên nào. Nếu được thiết kế cẩn thận, chính xác, hợp lý, các slide bài giảng điện tử cho phép giáo viên truyền tải nội dung bài học một cách suôn sẻ, cũng như dễ dàng định hướng các hoạt động cho học sinh. Nếu thiết kế không tốt, chúng lại có nguy cơ trở thành rào cản và gây mất tập trung, làm giảm chất lượng các bài học được xây dựng cẩn thận.

Các giáo viên có thể kiểm soát chất lượng các bài giảng điện tử của mình bằng cách tự hỏi những câu hỏi sau về những nội dung có trong file trình chiếu của mình: "Nó có chiếm quá nhiều dung lượng không?", "Liệu học sinh của tôi có thu được lợi ích gì từ chúng không?" và "Các nội dung này có thể bị thay thế bởi một công cụ tương đương khac shay không?" Bằng cách xem xét những câu hỏi này và thận trọng với nội dung bài giảng điện tử của mình, bạn sẽ thấy sự rõ ràng của bài thuyết trình và sự tập trung của học sinh trong lớp được cải thiện.

Dưới đây là các mẹo giúp giảm thiểu sự mất tập trung của học sinh và nâng cao hiệu quả của các file bài giảng điện tử của bạn.

1. Sử dụng các hiệu ứng hoạt hoạ để tạo ra các “lớp” thông tin

Các hiệu ứng hoạt hoạ nên được sử dụng với những mục tiêu, ý nghĩa cụ thể. Bằng cách tạo hiệu ứng cho hộp văn bản xuất hiện, bạn không chỉ đang sắp xếp thứ tự nội dung thuyết trình của mình, mà còn có thể chọn thời điểm hiển thị cho học sinh các bước cần thực hiện của một hoạt động hoặc tiết lộ các gợi ý nhằm hỗ trợ các em.

Ví dụ, trong các lớp học của tôi, tôi thích tổ chức cho học sinh các hoạt động thảo luận. Bằng cách tạo hiệu ứng hoạt hoạ cho các hộp văn bản khác nhau, tôi có thể hướng dẫn học sinh thảo luận, giới thiệu những góc nhìn mới mà các em chưa nghĩ đến hoặc yêu cầu các em đổi hướng hoàn toàn cuộc thảo luận của mình. Tương tự, nếu bạn cho rằng sẽ cần tổ chức hoạt động thử thách bổ sung cho một số đối tượng học sinh, bạn có thể điều chỉnh slide để chọn thời điểm các hoạt động đó xuất hiện trên màn hình; điều này cho phép bạn giao thêm nhiệm vụ đối với những học sinh hoàn thành sớm bài tập mà không rơi vào trạng thái bị động trong lớp.

Các hiệu ứng hoạt hoạ điều hướng sự tập trung của học sinh bằng cách lần lượt bổ sung các thông tin mới khi cần thiết thay vì dồn chúng vào cùng một lúc. Tuy nhiên, hãy cẩn thận không tạo hiệu ứng hoạt hoạ cho những đối tượng không cần đến nó, như tiêu đề hoặc bất kỳ thông tin nào khác mà bạn muốn hiển thị ngay từ đầu slide.

2. Sử dụng các font chữ dễ đọc

Bạn cũng nên cân nhắc font chữ sử dụng trong slide thuyết trình. Theo nguyên tắc, bạn nên sử dụng phông chữ rõ ràng và quen thuộc với học sinh. Một số font chữ khác có thể trông đẹp hơn, hấp dẫn hoặc phù hợp với chủ đề bài học của bạn, nhưng học sinh có thể cảm thấy khó đọc hơn so với những font truyền thống. Các nội dung văn bản cũng cần được thiết lập kích thước phù hợp cho tất cả học sinh trong lớp học của bạn, đặc biệt là những học sinh ngồi xa. Tôi nhận thấy rằng việc sử dụng kích thước font chữ từ 24 đến 32 pt phù hợp để đưa một lượng thông tin vừa đủ vào slide, mà vẫn đủ to và dễ đọc đối với các học sinh ngồi xa.

Trừ khi bạn đã xác định trước một số màu cho những tình huống cụ thể (như màu xanh lá cây cho những câu hỏi dễ, màu vàng cho câu hỏi trung bình và màu đỏ cho câu hỏi khó), hãy hạn chế sử dụng nhiều màu sắc thuộc các phổ màu quá khác biệt cho các đoạn văn bản nói riêng và các đối tượng khác trong slide trình chiều của bạn nói chung. Chọn không quá ba màu cho slide trình chiếu của bạn — nhiều hơn số đó có thể khiến các nội dung trông lộn xộn đến khó hiểu. Tôi thường chỉ thích chọn một màu duy nhất cho slide của mình — chẳng hạn như màu tím. Tôi có xu hướng thiết kế nền slide với tông màu rất sáng còn font chữ có tông màu rất tối, và điều này giúp các bài thuyết trình của tôi vừa đơn giản đồng thời vẫn có sự tự do sáng tạo về màu sắc. Với các nội dung thảo luận, tôi sử dụng màu xanh lam; với nội dung tự đánh giá, tôi sử dụng màu tím, và với nội dung đòi hỏi sự làm việc độc lập, tôi sử dụng màu xanh lá cây. Học sinh của tôi đã quen với những mẫu này và có thể học tập tốt hơn với chúng.

3. Ứng dụng lưới trong thiết kế

Duy trì tính nhất quán trong bố cục trang trình bày của bạn là rất quan trọng. Điều này giúp đôi mắt học sinh thoải mái vì các em không phải dành quá nhiều sự chú ý để tìm kiếm vị trí các thông tin trên slide.

Việc dduy trì tính nhất quán từ trang chiếu này sang trang chiếu khác có thể hơi khó một chút. Một cách các hữu ích để làm việc này là sử dụng lưới tham chiếu dạng ô vuông để căn chỉnh các phần khác nhau của trang trình bày của bạn, trong đó mỗi ô sẽ chứa một đối tượng nội dung khác nhau (có thể là văn bản, biểu đồ hay hình ảnh). Bằng cách sắp xếp nội dung theo cách trên và phân phối chúng đồng đều trên trang trình bày, chúng ta kích thích khả năng tư duy trực quan theo các mẫu (pattern) của học sinh; điều này có tác dụng làm cho các em thoải mái hơn khi tìm kiếm các thông tin theo trật tự. Phần mềm PowerPoint giúp bạn sử dụng lưới tham chiếu rất dễ dàng: Trong thanh tìm kiếm, chỉ cần nhập cụm từ “grid” và cài đặt này sẽ xuất hiện.

4. Cung cấp cho học sinh thanh thời gian (thanh tiến trình) của bài học ngay trên mỗi slide

Một công cụ hữu ích mà bạn có thể thêm vào các slide trình chiếu của mình là thanh thời gian của bài học. Thanh thời gian cho học sinh thấy bài học đang diễn ra đến đâu, ở trình tự nào. Nếu bạn đã từng dạy một lớp học trong đó có những em học sinh tỏ ra bồn chồn, sốt ruột và không thể tập trung vào bài giảng, công cụ này có thể giúp các em tập trung cho đến khi kết thúc tiết học.

Có hai cách chính để tôi áp dụng thanh thời gian trong bài giảng của mình. Đầu tiên là đánh số các nội dung giảng dạy hay hoạt động trên khắp các slide, ví dụ: mỗi đề mục đều bắt đầu bằng chữ 1/5, 2/5, v.v. Cách làm này chứng tỏ hiệu quả nhất khi chỉ có một số lượng nhiệm vụ hữu hạn mà học sinh sẽ phải hoàn thành trong bài học. Chúng chỉ đơn giản là một lời nhắc nhở trực quan cho học sinh về kế hoạch và cấu trúc của bài học đó.

Kỹ thuật thứ hai là thiết kế một thanh thời gian trực quan hơn ở cuối trang trình bày của bạn. Tôi đã thử chèn một thanh ngang dài, trên đó có nhiều vòng tròn màu cam, mỗi vòng tròn tượng trưng cho mỗi hoạt động trong bài học. Khi chúng tôi tiến đến nội dung tiếp theo, phần đường thẳng và vòng tròn đã đi qua sẽ chuyển sang màu xanh lục, như một lời nhắc nhở liên tục đối với học sinh rằng các em đã vượt qua được chặng trước đó; giáo viên có thể khuyến khích thêm học sinh bằng cách trao một “phần thưởng” khích lệ cho học sinh sau khi kết thúc tiết học. Thang thời gian rất dễ thiết kế, sử dụng và bạn có thể thấy rằng chúng giúp học sinh tập trung lâu hơn trong các bài học của bạn.

Trên đây là một số chỉnh sửa mà bất kỳ giáo viên nào cũng có thể sử dụng để giúp các bài thuyết trình trở nên hiệu quả và có mục tiêu rõ ràng hơn, với vai trò là công cụ giảng dạy đắc lực. Bằng cách căn chỉnh gọn gàng các trang trình bày của mình, bạn sẽ giúp học sinh của mình cảm thấy thoải mái hơn khi đọc các thông tin quan trọng được hiển thị trên đó. Thông qua việc cắt giảm những phần nội dung không cần thiết, bạn sẽ giúp học sinh tập trung và chú ý hơn vào bài học.

Vân An dịch

Nguồn:

Ben Poulteney (2022). 4 Tips to Improve Slide Show Lessons. Edutopia.

Ghi chú: Các quan điểm của tác giả không phản ánh quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Bạn đang đọc bài viết 4 mẹo giúp cải thiện chất lượng các slide bài giảng điện tử tại chuyên mục Khoa học giáo dục và xã hội của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19