Theo kết quả từ bản thảo tiền xuất bản của nhà sinh thái học tiến hóa Stephen B Heard tại Đại học New Brunswick, Canada, và các đồng nghiệp trên trang bioRxiv, các tác giả đã đưa ra nhận định rằng các bài báo học thuật có tiêu đề “hài hước” có thể mang lại hiệu quả cao về mặt trích dẫn.
Để chứng minh nhận định này, nhóm tác giả đã yêu cầu các tình nguyện viên chấm "điểm hài hước" cho tiêu đề của 2.439 bài báo khoa học xuất bản trong năm 2000 và 2001 trên 9 tạp chí về lĩnh vực sinh thái và tiến hóa. Tình nguyện viên chấm điểm tiêu đề trên thang 7 mức điểm tùy theo mức độ hài hước và thú vị. Cụ thể, điểm 0 dành cho tiêu đề "hoàn toàn nghiêm túc" và điểm 6 đối với tiêu đề "cực kỳ hài hước". Sau đó, nhóm tác giả tiến hành tìm mối liên hệ giữa "điểm hài hước" của tiêu đề và và số lần trích dẫn bài báo nhận được, gồm cả số lần chính tác giả tự trích dẫn bài báo của họ.
Kết quả khảo sát cho thấy, các bài báo có tiêu đề hài hước ít được trích dẫn hơn một chút so với các bài báo có tiêu đề nghiêm túc. Các bài báo có tiêu đề gây cười cũng ít được chính tác giả tự trích dẫn hoặc nhắc lại trong các bài báo khác của họ về sau, điều này khiến nhóm của Heard suy đoán rằng các nhà khoa học có thể thường dành tiêu đề hài hước cho các bài báo mà họ coi là ít quan trọng. Heard nói: “Giả định của chúng tôi là những tác giả không trích dẫn các bài báo của chính họ sau đó bởi họ không nghĩ rằng đó là những bài báo quan trọng nhất của mình”.
Tuy nhiên, sau khi kiểm soát việc tự trích dẫn để đánh giá mức độ quan trọng của một tờ báo, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng các bài báo có tiêu đề hài hước trên thực tế được trích dẫn nhiều hơn so với các bài báo có tiêu đề nghiêm túc trong trường hợp mức độ quan trọng được đánh giá tương đương. Ví dụ, các bài báo có tiêu đề được chấm điểm 6 sẽ có số lượt trích dẫn trung bình cao gần gấp đôi so với các bài báo có tiêu đề được chấm điểm 4 về độ hài hước.
Một số nhà nghiên cứu đặt câu hỏi về kết luận của nghiên cứu, chỉ ra rằng số lần tự trích dẫn có thể không thể hiện tầm quan trọng của một bài báo. Nhà vật lý lý thuyết Michael Schreiber, Đại học Công nghệ Chemnitz, Đức cho biết, tự trích dẫn có thể là cách các tác giả tăng mức độ tác động của bài báo vốn sẽ không được những người khác trích dẫn nhiều. “Điều đó có nghĩa những bài báo không quan trọng chính là những bài báo được tự trích dẫn nhiều”, Michael Schreiber nhận định.
Stefanie Haustein, nhà nghiên cứu truyền thông học thuật và trắc lượng thư mục tại Đại học Ottawa cho biết, có nhiều lý do để các tác giả trích dẫn công trình của họ. Chẳng hạn, một số tác giả có thói quen trích dẫn tất cả công trình của mình kể cả những bài báo được đánh giá là không quan trọng khi đang viết về một chủ đề liên quan bởi vì các nhà tài trợ cũng như các trường đại học thường sử dụng số lượng các trích dẫn để đo lường sự tác động. Do đó, các nhà khoa học tham khảo công trình của chính họ để tăng tỷ lệ trích dẫn nói chung.
Theo Vincent Traag, một nhà khoa học xã hội tại Đại học Leiden, Hà Lan, để ước tính mức độ quan trọng của bài báo nên dựa trên ý kiến của các nhà đánh giá độc lập, thay vì dựa vào số lượt tự trích dẫn.
Ngoài ra, Stefanie Haustein cũng cho biết thêm một cách khác để đo lường hiệu quả của các tiêu đề hài hước là lượt xem và lượt tải bài báo. Trước đây đã có nghiên cứu chỉ ra rằng các bài báo có tiêu đề hài hước được chia sẻ rộng rãi trên phương tiện truyền thông xã hội, nhưng nhưng không tìm thấy mối liên hệ nào giữa sự chú ý mà các bài báo nhận được trên Twitter và số lượng trích dẫn của chúng. “Thật thú vị khi quan sát các nhà nghiên cứu và công chúng tương tác khác nhau như thế nào với các bài báo khoa học”, “Tôi thấy ý tưởng của nhóm Heard rất tuyệt vời”, Stefanie Haustein chia sẻ.
Nguồn
Giorgia Guglielmi (2022). You must be joking: funny paper titles might lead to more citations. Nature.
Ghi chú: Các quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.