3 cách giúp học sinh tăng cường tương tác xã hội sau thời gian dài nghỉ dịch

Học sinh tại nhiều nước trên thế giới vẫn đang tìm cách để tham gia các nhóm xã hội và tạo dựng các kết nối với cộng đồng sau nhiều tháng phải học tập trực tuyến vì đại dịch. Bài viết sẽ giới thiệu kinh nghiệm cho các nhà quản lí nhà trường, giáo viên trong việc giáo dục học sinh sau đại dịch, đặc biệt tập trung vào các yếu tố tâm lí.

Trường học nơi tác giả Dave Eddy (chuyên trang Edutopia) công tác nhận thấy nhiều học sinh gặp phải tình trạng lo âu tăng cao khi quay trở lại trường học trực tiếp, cũng như gặp khó khăn trong việc kết nối lại với bạn bè. Nhà trường khi đó đã phải tổ chức các hoạt động trong giờ học cũng như một số hoạt động ngoại khoá đặc biệt để giải quyết vấn đề này, và đang thu được một số kết quả tích cực. Sau kỳ học đầu tiên, nhà trường thống kê số lượng học sinh tham gia các câu lạc bộ và các hoạt động thể lực tăng 20%. Từ kinh nghiệm thực tế, trường rút ra ba phương pháp nhằm gia tăng mong muốn tương tác xã hội của học sinh.

Mang đến những cơ hội khác cho các em bên cạnh các hoạt động

Trong suốt 18 tháng, học sinh tại trường trung học phổ thông Adlai E. Stevenson (bang Illinois, Mỹ - nơi tác giả công tác) đã phải học tập từ xa trước khi được phép trở lại học trực tiếp hoàn toàn hồi đầu năm nay. Giờ đây, các em đang tìm cách kết nối lại với nhau. Điều này thoạt nghe có vẻ đương nhiên, nhưng sự thật là học sinh chỉ có thể phát triển các kỹ năng xã hội và cảm xúc khi các em được tham gia các hoạt động chung với nhau. Học sinh coi trọng thời gian bên nhau, thậm chí tiếp tục tương tác ngoài thời gian chính thức của các hoạt động.

Tác giả và các đồng nghiệp đã chứng kiến điều này trong một trận đấu bóng rổ nội bộ của học sinh lớp 10 trong thời gian gần đây. Sau khi các hiệp thi đấu có trong kế hoạch kết thúc, các học sinh vẫn tiếp tục tập luyện ném bóng. Và đến khi phải thu dọn đồ đạc và về nhà, các học sinh vẫn tiếp tục ở lại loanh quanh, bàn tán với nhau. Một cố vấn của câu lạc bộ đã nhận xét, "Các bạn ấy không muốn về nhà." Nhóm này đang phát triển các kỹ năng xã hội và cảm xúc của bản thân xung quanh việc xây dựng mối quan hệ và nhận thức xã hội. Người giám sát nhận ra tầm quan trọng của hoạt động teambuilding này và đã cố gắng ở lại muộn ở mức tối đa cùng với học sinh rồi mới yêu cầu các em ra về.

Các huấn luyện viên và cố vấn của trường nhận ra mong muốn kết nối này của các học sinh, và vì vậy đã bắt đầu tạo điều kiện về thời gian để học sinh gắn kết với nhau bên ngoài các cuộc họp, các buổi luyện tập hoặc thi đấu có trong kế hoạch.

Tạo cảm giác về sự “bình thường mới”

Hiện tại, tâm trí của các học sinh liên tục “ngập” trong những lời nhắc nhở về đại dịch Covid-19 ngoài giờ học. Để giải quyết vấn đề này, mặc dù trường học có quy định về việc đeo khẩu trang, song tác giả và các đồng nghiệp là giáo viên trong trường đã tập trung vào việc khôi phục tất cả các hoạt động và cơ hội cho các học sinh như trước thời gian đại dịch diễn ra để tạo ra cảm giác “bình thường mới” cho các em.

Một trong những cách thức đã được thực hiện là tạo cơ hội cho học sinh tham dự các sự kiện quy mô lớn. Chẳng hạn, các giáo viên đã tổ chức một buổi khiêu vũ tại sân trường ngoài trời dành cho học sinh. Đây sẽ là một sự kiện cho phép học sinh được “giải phóng” khỏi chiếc khẩu trang (vốn được quy định trong không gian lớp học kín) và đây cũng là cơ hội để học sinh kết nối lại với bạn bè.

Ngoài các sự kiện toàn trường, huấn luyện viên các môn thể thao và lãnh đạo câu lạc bộ đã bắt đầu khôi phục lại một số hoạt động truyền thống trước đại dịch. Ví dụ: huấn luyện viên Lacrosse đã tổ chức các cuộc thi nhỏ trong toàn đội để thu thập hình dán mũ bảo hiểm cho các em học sinh và giải thưởng là một chiếc cúp du lịch cho người chiến thắng. Những hoạt động này đã cho phép các thành viên của câu lạc bộ quay trở lại tiếp tục những hoạt động truyền thống vốn được tổ chức thường xuyên trước đại dịch, để các thành viên mới có trải nghiệm điển hình của nhóm xã hội đó. Việc tạo ra cảm giác bình thường mới và khôi phục nề nếp sẽ giúp việc tạo ra thoải mái và kết nối trong văn hóa của trường.

Giao tiếp thường xuyên, liên tục

Giao tiếp có chủ đích đóng vai trò rất quan trọng khi giáo viên đưa các học sinh của mình trở lại các hoạt động chính khoá và ngoại khoá. Một cố vấn nhận ra rằng trong năm học 2019–2020, các sinh viên lớp 10 chỉ được học tập tại trường 7 tháng trước khi chuyển sang học từ xa. Đến khi trở lại trường, họ đã trở thành “đàn anh, đàn chị”. Tác giả thường coi đó là kỷ niệm được lưu truyền từ lớp này sang lớp khác, khi học sinh được hoà nhập vào văn hóa của trường hàng ngày. Gần như mọi huấn luyện viên và cố vấn đều nhận ra sự cần thiết phải tăng cường giao tiếp với các học sinh của mình. Ngoài ra, họ thấy mình cần hướng dẫn các đội trưởng và chủ tịch câu lạc bộ về cách tốt nhất để giao tiếp với các thành viên.

Có thể thấy một ví dụ điển hình là Chương trình Cố vấn Học sinh Năm nhất (FMP) của trường. Trong khuôn khổ chương trình FMP, các cố vấn là học sinh lớp 11, 12 sẽ hỗ trợ các giáo viên chủ nhiệm của các lớp học sinh lớp 10 nhằm hướng dẫn các em trong việc chuyển tiếp và thích nghi với cuộc sống trung học. Trong những năm trước, phần lớn sự phát triển của học sinh về khả năng lãnh đạo diễn ra một cách hữu cơ giữa các học sinh lớp trên và lớp dưới. Năm nay, các cố vấn học sinh tập trung nhiều hơn vào việc chia sẻ các trải nghiệm thực tế của bản thân để truyền đạt kinh nghiệm cho các học sinh lớp dưới.

Vân An lược dịch

Nguồn:

Dave Eddy (2022). 3 Ways to Meet Students’ Desire for Social Engagement. Edutopia.

Ghi chú: Các quan điểm của Tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Bạn đang đọc bài viết 3 cách giúp học sinh tăng cường tương tác xã hội sau thời gian dài nghỉ dịch tại chuyên mục Khoa học giáo dục và xã hội của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19