Tính minh bạch trong thực hiện và báo cáo kết quả nghiên cứu: Khảo sát các tác giả, người phản biện và biên tập viên tạp chí

Đã có những ý kiến kêu gọi cải thiện sự minh bạch trong quá trình thực hiện và báo cáo kết quả nghiên cứu, ngăn chặn các hành vi gian lận trong học thuật. Để đánh giá thái độ và việc thực hành các vấn đề trên, nhóm nghiên cứu của Mario Malički và cộng sự đã gửi bảng câu hỏi khảo sát qua email tới các tác giả, người phản biện và các biên tập viên tạp chí để tìm hiểu những khía cạnh này.

Xuất bản học thuật bắt đầu xuất hiện và phát triển mạnh mẽ trong 2 thế kỷ qua, với trung bình khoảng 3 triệu bài báo được xuất bản mỗi năm. Gần đây, việc phát hiện và ngăn chặn các hành vi không đúng mực và gian lận trong nghiên cứu đang nhận được sự chú trọng ngày càng lớn nhằm nâng cao tính liêm chính và minh bạch trong học thuật, cũng như kiến tạo môi trường khoa học lấy những yếu tố trên làm trọng tâm. Trước đó, đã từng có một số lời kêu gọi nâng cao tính minh bạch trong hoạt động khoa học, một trong số đó được tiến hành vào năm 2014, khi Uỷ ban Thúc đẩy Minh bạch và tính Mở trong học thuật (TOP) đã phát triển 4 tiêu chuẩn minh bạch có liên quan đến các khía cạnh: 1) trích dẫn, 2) dữ liệu, 3) phương pháp phân tích, 4) tài liệu nghiên cứu, 5) dữ liệu và báo cáo phân tích, 6) quá trình đăng ký trước đề tài nghiên cứu, 7) đăng ký trước kế hoạch phân tích, 8) các nghiên cứu “nhân rộng” (các nghiên cứu đi sau, có cùng mục tiêu, sử dụng cùng phương pháp hoặc biến số thử nghiệm với một nghiên cứu trước đó). Tuy nhiên, theo nhóm tác giả bài báo này, thái độ của các nhà nghiên cứu, các cơ quan, đơn vị khoa học và xuất bản về các tiêu chí đánh giá của TOP vẫn chưa được đánh giá một cách đầy đủ, và do vậy, khó có khả năng việc thực hành xuất bản học thuật sẽ có sự thay đổi nếu các bên liên quan không có sự đồng thuận trong nhận thức về vấn đề này.

Mục tiêu của nhóm tác giả là đánh giá sự khác biệt trong thái độ và nhận thức của các tác giả nghiên cứu, người phản biện và biên tập viên về bộ tiêu chí hướng dẫn của TOP, sự khác biệt về nhận thức trong môi trường làm việc, và sự phổ biến của các hành vi nghiên cứu có trách nhiệm và gian dối. Phương pháp nghiên cứu được nhóm tác giả sử dụng là trưng cầu ý kiến bằng bảng khảo sát tự ghi, trong đó, bảng câu hỏi khảo sát sẽ được gửi đến một danh sách gồm 100.000 địa chỉ email. Các địa chỉ email này được lấy từ hai nguồn: 1) địa chỉ email của các tác giả liên hệ lấy ngẫu nhiên từ các bài nghiên cứu được cơ sở dữ liệu Scopus lập chỉ mục (n = 99.708) và 2) các biên tập viên tạp chí được phân tích trong nghiên cứu trước đó của nhóm tác giả (n = 292). Khảo sát được gửi ngày 24/4/2018, hai email nhắc bổ sung được gửi vào ngày 09/5 và 24/5, và khảo sát được đóng vào ngày 12/6 cùng năm. Các nhóm câu hỏi có trong bảng khảo sát bao gồm:

1) Thái độ của người trả lời về sự minh bạch trong việc thực hiện và báo cáo nghiên cứu (11 câu, sử dụng thang Likert 5 điểm, từ “hoàn toàn đồng ý” đến “hoàn toàn không đồng ý)

2) Nhận thức về môi trường làm việc (13 câu, sử dụng thang Likert 5 điểm, sử dụng thang Likert 5 điểm, từ “hoàn toàn đồng ý” đến “hoàn toàn không đồng ý).

3) Mức độ phổ biến của các hành vi nghiên cứu có trách nhiệm và gian dối theo nhận thức của người trả lời (14 câu, thang Likert 5 điểm, từ “rất phổ biến” đến “không bao giờ xảy ra).

4) Đặc điểm nhân khẩu - xã hội học của người trả lời và hiểu biết về các phương pháp thống kê (10 câu hỏi, các phương án trả lời phân loại).

Tất cả câu hỏi của 3 phần đầu đều có 1 phương án trả lời phụ là “Không biết/Không xác định”. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn bổ sung thêm các câu hỏi mở nhằm tìm hiểu nguyên nhân người trả lời đồng thuận/không đồng thuận với ý kiến nêu ra trong các câu hỏi ở 3 phần đầu. Dữ liệu sau đó được nhóm tác giả xử lý bằng phần mềm STATA phiên bản 13.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, các tác giả nghiên cứu, người phản biện và các biên tập viên tạp chí không hoàn toàn đồng ý với các khuyến nghị của TOP về sự minh bạch trong tiến hành và báo cáo kết quả nghiên cứu. Chẳng hạn, mặc dù 95% số người trả lời hoàn toàn đồng ý rằng nhà nghiên cứu cần trích dẫn các dữ liệu, phương pháp và tài liệu nghiên cứu theo đúng chuẩn, 74% cho rằng tác giả phải tuân thủ nguyên tắc viết báo cáo, 61% cho rằng các tạp chí nên khuyến khích xuất bản các nghiên cứu “nhân rộng”, hay 60% cho rằng tác giả nghiên cứu nên chia sẻ dữ liệu nghiên cứu; thì chỉ có một nửa (50%) người trả lời cho rằng chính các tạp chí nên có trách nhiệm kiểm tra khả năng “nhân rộng” về sau của một nghiên cứu, hay chỉ 21% đồng ý rằng tác giả nghiên cứu nên đăng ký trước đề tài để tránh trùng lặp về sau. Mặc dù không có sự khác biệt đáng kể nào về quan điểm và thái độ về các tiêu chí này giữa các nhóm tác giả nghiên cứu, nhóm phản biện và nhóm biên tập viên, nhóm nghiên cứu nhận thấy có sự khác biệt giữa người trả lời đến từ các quốc gia, các lĩnh vực nghiên cứu và độ tuổi. Nghiên cứu còn cho thấy dư địa để cải thiện môi trường làm việc của các tác giả nghiên cứu, người phản biện và biên tập viên tạp chí vẫn còn rất nhiều. Thống kê của nhóm cũng cho thấy những hành vi nghiên cứu gian dối được nhận thức phổ biến nhất bao gồm hành vi đề tên các tác giả không có sự đóng góp đáng kể với công trình nghiên cứu và việc không trích dẫn đầy đủ các công trình đi trước có liên quan.

Vân An lược dịch

Nguồn:

Malički, M., Aalbersberg, I. J., Bouter, L., Mulligan, A., & Riet, G. T. (2022). Transparency in Conducting and Reporting Research: A Survey of Authors, Reviewers, and Editors across Scholarly Disciplines. https://doi.org/10.21203/rs.3.rs-1296644/v1

Ghi chú: Các quan điểm của Tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19