Xuất bản bài báo tăng, xuất bản sách giảm: thực trạng trong lĩnh vực khoa học xã hội

Các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực KHXH đang quan tâm tới xuất bản bài báo hơn là xuất bản sách- một xu hướng tương tự như lĩnh vực STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học).

Một nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Phân tích Học thuật (AARC) được công bố trên tạp chí PLOS ONE cho thấy sự thay đổi đang diễn ra trong lĩnh vực khoa học xã hội: trong thập kỷ qua, số lượng các bài báo khoa học đăng tải trên tạp chí đã tăng lên, trong khi xuất bản sách lại chứng kiến sự sụt giảm. Sự gia tăng tổng thể về số lượng các bài báo học thuật trong những thập kỷ gần đây được ghi nhận rộng rãi, nhưng việc liệu sự gia tăng đó có ảnh hưởng đến các loại hình xuất bản khác hay không hiện vẫn chưa có sự thống nhất. Anthony J. Olejniczak, đồng tác giả của nghiên cứu "Phần lớn các ấn phẩm khoa học trong hầu hết các lĩnh vực STEM là các bài báo tạp chí, nhưng trong lĩnh vực khoa học xã hội, sách vẫn đóng một vai trò quan trọng, là công cụ để các học giả truyền đạt kết quả của họ, vì vậy khoa học xã hội là một điểm bắt đầu tuyệt vời để tìm hiểu các xu hướng và mô hình xuất bản học thuật".

Nghiên cứu đã tìm hiểu mô hình xuất bản trong suốt thập niên 2010 tại hơn 1.500 khoa trực thuộc 280 trường đại học nghiên cứu của Hoa Kỳ, trên 12 ngành Khoa học xã hội. Số lượng các ấn phẩm sách xuất bản có sự suy giảm ở mức từ 34% đến 54% trong thời gian nghiên cứu, trong khi các ấn phẩm xuất bản trên các tạp chí đã tăng tới 64%. Theo William Savage (đồng tác giả của nghiên cứu), “sự thay đổi phương pháp nghiên cứu và sự xuất hiện của các cơ chế tài trợ dựa trên hiệu suất nghiên cứu đã làm thay đổi đáng kể cách các nhà nghiên cứu khoa học xã hội tiếp cận các phương tiện phổ biến công trình của mình. Sự hợp tác ngày càng tăng thông qua các nhóm nghiên cứu, nhịp độ xuất bản cao và đòi hỏi phải cung cấp kết quả kịp thời cho các cơ quan tài trợ đều góp phần thúc đẩy các nhà nghiên cứu khoa học xã hội hướng tới các bài báo khoa học trên tạp chí được bình duyệt nhiều hơn là sách.”

Sự suy giảm về số lượng xuất bản sách được nhận thấy ở các nhà khoa học thuộc mọi nhóm tuổi, mặc dù sự kỳ vọng có công trình được xuất bản trên các tạp chí khoa học của các nhà nghiên cứu trẻ ngày càng tăng có thể góp phần làm thay đổi ưu tiên xuất bản của họ. Số lượng sách được xuất bản giảm có khả năng ảnh hưởng đến chiến lược mua sách của các thư viện. Các tác giả cũng lưu ý rằng số lượng sách xuất bản ngày càng giảm “… có thể có những tác động bất lợi cho các ngành khoa học xã hội có liên hệ chặt chẽ nhất đến khoa học nhân văn. Xuất bản học thuật dạng “dài” như sách tạo điều kiện thuận lợi để cả người viết và người đọc khám phá một chủ đề ở mức độ chi tiết cao, cho phép phân tích các chủ đề nghiên cứu với ngữ cảnh tốt hơn so với các bài báo đăng trên tạp chí, vốn bị giới hạn về độ dài.” Richard Wheeler, Trưởng khoa danh dự tại Đại học Illinois tại Urbana-Champaign và Cố vấn cấp cao cho AARC (người không tham gia nhóm nghiên cứu), nhận xét rằng, "Với độ chính xác khá cao, nghiên cứu này đã chỉ ra các xu hướng trong các xu hướng xuất bản khoa học xã hội trong thập niên 2010 và xác định các yếu tố bên ngoài và bên trong chính nghiên cứu đã thúc đẩy những thay đổi đáng chú ý này. Phát hiện của nhóm nghiên cứu có thể sẽ là tiền đề cho nhiều nghiên cứu hơn, tiếp tục khám phá nhiều vấn đề mà dữ liệu của họ đã nêu ra, bao gồm cả sự biến mất nhanh chóng của mô hình quan hệ cũ giữa các ngành khoa học xã hội và nhân văn.”

Vân An dịch

Nguồn:

Savage, W. E., & Olejniczak, A. J. (2022). More journal articles and fewer books: Publication practices in the social sciences in the 2010’s. PLOS ONE, 17(2), e0263410. https://doi.org/10.1371/journal.pone.0263410

Ghi chú: Các quan điểm của Tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Bạn đang đọc bài viết Xuất bản bài báo tăng, xuất bản sách giảm: thực trạng trong lĩnh vực khoa học xã hội tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn