Tổng kết Đề án Phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020

Sáng 21/1, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Đề án Phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chủ trì hội nghị. Cùng dự tại điểm cầu Bộ GDĐT có Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Vinh Hiển, đại diện Văn phòng Chính phủ, các bộ ngành Trung ương; lãnh đạo các vụ cục thuộc Bộ; lãnh đạo các trường Đại học có trường chuyên.

Điểm cầu tại các tỉnh thành có lãnh đạo UBND tỉnh/thành phố; lãnh đạo sở ban ngành của tỉnh/thành; lãnh đạo đại học, trường đại học có trường chuyên; lãnh đạo, chuyên viên các phòng chức năng của sở GDĐT; đại diện trường trung học phổ thông chuyên trên toàn quốc…

Trường chuyên thể hiện được vai trò tiên phong

Báo cáo tóm tắt công tác triển khai Quyết định số 959/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2010-2020”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết: Trong giai đoạn 2010-2020, hệ thống trường chuyên được củng cố và phát triển; mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã có ít nhất một trường chuyên.

Thứ trưởng Nguyễn Hứu Độ báo cáo tổng kết 10 năm triển khai Đề án “Phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2010-2020”

Từ 68 trường chuyên năm 2010, đến năm 2020 đã tăng lên thành 77 trường, đảm bảo mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã có ít nhất một trường chuyên, có nơi có 2 trường chuyên phù hợp với điều kiện và mục tiêu phát triển của địa phương. Quy mô số lượng học sinh đã tăng, tổng số học sinh chuyên chiếm khoảng 2,7% số học sinh THPT trên toàn quốc.

Các trường chuyên được đầu tư nâng cấp thành các trường đạt chuẩn quốc gia từ 21 trường năm 2010 lên 60 trường chuẩn năm 2020 và có chất lượng giáo dục cao. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học của các trường chuyên từng bước được tăng cường: thiết bị dùng chung và thiết bị dạy học môn chuyên phục vụ cho giảng dạy, bồi dưỡng học sinh năng khiếu. 15 trường trọng điểm quốc gia phát triển, trở thành hình mẫu của các vùng.

Các tỉnh đều có quy định về chính sách đặc thù để thu hút giáo viên về dạy trường chuyên, đảm bảo yêu cầu số lượng, hợp lý về cơ cấu và đạt mức cao của chuẩn nghề nghiệp; tăng cường đầu tư kinh phí cho việc bồi dưỡng, phát triển chuyên môn, nghiệp vụ, tin học, ngoại ngữ cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý trường chuyên.

Chất lượng giáo dục trong các trường chuyên có chuyển biến tích cực. Các nhà trường đã chủ động, linh hoạt xây dựng kế hoạch giáo dục trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông phù hợp với điều kiện và mục tiêu của từng trường nhằm thực hiện giáo dục toàn diện và phát huy cao nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của từng học sinh, dần tiếp cận với chương trình giáo dục hiện đại trong khu vực và trên thế giới… Trường chuyên đã tạo ra được một môi trường học tập năng động, sáng tạo, chủ động, tích cực cho cả học sinh, giáo viên và cán bộ quản lý.

Chất lượng giáo dục đại trà được cải thiện rõ rệt. Tỉ lệ học sinh giỏi của trường chuyên trong cả nước tăng dần qua các năm, năm 2020 tăng gần gấp đôi so với năm 2010. Đối với giáo dục mũi nhọn, trong các năm gần đây, số lượng và chất lượng giải quốc tế của học sinh Việt Nam đã có được sự chuyển biến rất tích cực. Năm 2020, 24/24 thí sinh Việt Nam tham dự các kỳ thi này đều đoạt giải; trong đó có 9 huy chương Vàng, 8 huy chương Bạc, 5 huy chương Đồng và 2 bằng khen.    

Mặc dù mô hình hoạt động của trường chuyên trong 10 năm qua đã khẳng định được phần nào vị trí là hình mẫu để có thể nhân rộng về chất lượng giáo dục tại các trường phổ thông khác, hệ thống trường chuyên còn bộc lộ một số hạn chế như: Một số tỉnh chưa đạt mục tiêu về quy mô học sinh. Tỷ lệ trường chuyên chưa đạt chuẩn quốc gia vẫn còn khá cao. Trình độ về ngoại ngữ của giáo viên chuyên và cán bộ quản lý hiện nay chưa thể đáp ứng và theo kịp với tốc độ hội nhập quốc tế.

Ở một số nơi vẫn đang coi nặng việc tổ chức bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi, chưa tăng cường nhiều cho học sinh thêm các kỹ năng thực hành, thí nghiệm, nghiên cứu khoa học và các kỹ năng mềm khác. Các chương trình tiên tiến của nước ngoài để đưa vào nhà trường tham khảo còn khiêm tốn. Việc tổ chức dạy học thí điểm các môn khoa học bằng tiếng Anh còn hạn chế. Liên thông giữa trường chuyên và đại học chưa sâu rộng.

Hệ thống trường chuyên phải được khẳng định hơn nữa trong xã hội

Trao đổi tại Hội nghị, đại diện các địa phương đều khẳng định vai trò, ý nghĩa của đề án phát triển hệ thống trường chuyên. Ông Phạm Duy Hương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho hay: Từ một trường quy mô nhỏ, sau 10 năm Trường THPT chuyên Bắc Kạn đã thay đổi gần như toàn bộ với đầy đủ phòng học, phòng bộ môn, phòng ngoại ngữ, phòng đa năng… Số lượng học sinh của trường so với năm 2010 đã tăng đến 50%. Chất lượng đào tạo chuyển biến tích cực, trong đó học sinh giỏi quốc gia tăng dần qua các năm.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trao bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai Đề án “Phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2010-2020”

Cũng trong điều kiện còn nhiều khó khăn như Bắc Kạn, sau 10 năm triển khai Đề án, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn tỉnh Lai Châu đã được xây dựng, nâng cấp, củng cố; chất lượng giáo dục và bồi dưỡng học sinh có nhiều tiến bộ; chất lượng đội ngũ cũng được nâng lên… “Trường chuyên của tỉnh mới được thành lập hơn 10 năm nên so với mặt bằng chung cả nước kết quả và quy mô còn khiêm tốn; nhưng đây thực sự là hình mẫu của các trường trung học phổ thông trên toàn tỉnh Lai Châu” - ông Lưu Hồng Phương, Phó Giám đốc Sở GDĐT Lai Châu chia sẻ.

Nhìn lại kết quả sau 10 năm phát triển của Trường Trường THPT chuyên Nguyễn Du, tỉnh Đắk Lắk, Bà H’Yim Kđoh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Với những nỗ lực của trường chuyên, kết quả thi chọn học sinh giỏi quốc gia trong những năm qua của tỉnh xếp thứ hạng đáng tự hào trong số 63 tỉnh, thành của cả nước. So với 10 tỉnh trong khu vực duyên hải miền Trung và Tây Nguyên, thành tích học sinh giỏi của tỉnh Đắk Lắk luôn giữ vững ở những vị trí tốp đầu.

Khẳng định, đề án phát triển trường chuyên là một chủ trương rất tốt, GS Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) chia sẻ: Nhờ có Đề án phát triển trường chuyên, từ 1 lớp A0, ĐHQGHN đã thành lập được 3 trường chuyên; các trường chuyên trong hệ thống ĐHQGHN phát triển vượt bậc cả về quy mô, số lượng và chất lượng. Học sinh của Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên dẫn đầu cả nước về giải thưởng quốc tế. Cũng nhờ Đề án này mà nhiều địa phương, kể cả địa phương khó khăn đã có giải thưởng quốc tế.

Kỳ vọng cho giai đoạn phát triển mới của hệ thống trường chuyên, ông Mai Tấn Linh, Phó Giám đốc Sở GDĐT Đà Nẵng đề xuất: Bộ GDĐT sớm có định hướng phát triển trường THPT chuyên giai đoạn tiếp theo. Có giải pháp để tăng cường kết nối hơn nữa giữa trường chuyên với các trường đại học hàng đầu. Có cơ chế chính sách huy động các nguồn lực hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài vào phát triển trường chuyên…

Mong muốn của ông Phạm Duy Hương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn là Bộ GDĐT sẽ xây dựng cơ chế chung để đào tạo, bồi dưỡng; đồng thời có chính sách đãi ngộ, thu hút với giáo viên các trường chuyên. Bên cạnh đó, hàng năm Bộ nên tổ chức các hội thảo, hội nghị trao đổi kinh nghiệm giữa các trường chuyên; tổ chức trại hè hay các hoạt động tương tự để học sinh chuyên Bắc Kạn có cơ hội tiếp cận với các chuyên gia đầu ngành trong đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi.

Là người gắn bó với việc triển khai đề án phát triển trường chuyên từ những ngày đầu tiên, ông Nguyễn Vinh Hiển, nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT cho rằng: Mục tiêu của trường chuyên là thống nhất với cả hệ thống nhưng trường chuyên có vai trò dẫn dắt đi đầu, là nơi sáng tạo dành cho những người sáng tạo nhất. Nhờ có hệ thống trường chuyên các tỉnh miền núi khó khăn mới phát hiện, bồi dưỡng được nhiều học sinh giỏi - đó chính là sự công bằng trong giáo dục.

“Hệ thống trường chuyên phải được khẳng định hơn nữa trong xã hội”, chia sẻ điều này, ông Nguyễn Vinh Hiển đồng thời nhìn nhận, thời gian qua, hệ thống trường chuyên đã có nền tảng đào tạo tốt, nhưng chưa có tiếng nói đầy đủ. Cần phải có thống kê trong hệ thống trường chuyên để biết các em học sinh chuyên thành người như thế nào, ra đời phục vụ đất nước ra sao. Nếu không có trường chuyên đội ngũ nhân lực chất lượng cao sẽ khó phát triển.

Cho rằng, trách nhiệm toàn bộ hệ thống trường chuyên là đi đầu, hỗ trợ, nhân rộng, nguyên Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển chia sẻ: Cần phát triển chương trình giáo dục của trường chuyên. Trường chuyên phải làm những việc những trường khác không làm được. Muốn làm được thế không nên áp dụng một chương trình cứng với trường chuyên, bởi nếu để chương trình cứng sẽ dễ ổn định, mà trường chuyên không phải để ổn định mà để phát triển.

Phát triển trường chuyên không chạy theo thành tích, ứng thí, huân huy chương

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhận định, thông qua quá trình khảo sát, đánh giá, qua báo cáo của Bộ GDĐT và ý kiến trao đổi từ phía các địa phương, chuyên gia tại Hội nghị… đến thời điểm này có thể đánh giá, Đề án "Phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020" ban hành kèm theo Quyết định số 959/QĐ-TTg ngày 22/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ đã hoàn thành được các mục tiêu đề ra, mang lại những kết quả tốt đẹp, đóng góp quan trọng vào phát triển giáo dục của đất nước, nhất là giáo dục phổ thông.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội nghị

Một số kết quả nổi bật được Bộ trưởng đề cập, đó là: Đề án đã có tác động điều chỉnh về nhận thức của xã hội đối với hệ thống trường chuyên và việc bồi dưỡng nhân tài. Quá trình thực hiện Đề án cũng là quá trình lãnh đạo các địa phương quan tâm hơn đến công tác bồi dưỡng nhân tài, gia tăng chất lượng đào tạo tại địa phương thông qua đầu tư phát triển hệ thống trường chuyên.  

Cũng qua thực hiện Đề án, hệ thống cơ sở vật chất trường chuyên đã có những thay đổi đáng kể, một số trường chuyên của các địa phương được đầu tư hàng trăm tỷ đồng, nhiều trường đạt chuẩn quốc gia, khu vực. Đề án trường chuyên còn là cú hích để các địa phương, đơn vị đầu tư xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo, góp phần gia tăng chất lượng đội ngũ không chỉ cho trường chuyên mà còn cho hệ thống giáo dục phổ thông nói chung.

Mang lại kết quả khả quan nhất, theo Bộ trưởng, đó là sản phẩm đào tạo. Học sinh các trường chuyên đã đạt được rất nhiều kết quả trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế, là nguồn tuyển rất tốt cho bậc đại học, cũng như nguồn nhân lực chất lượng cao. “Có thể nói Đề án "Phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020" đã trở thành cú hích, đóng góp chung vào sự nghiệp đổi mới giáo dục đào tạo, mà trực tiếp nhất là giáo dục phổ thông”, Bộ trưởng nói.

Trao đổi về những việc cần làm và cần làm mạnh mẽ hơn nữa để phát triển hệ thống trường chuyên cả về quy mô và chiều sâu trong thời gian tới, Bộ trưởng nhấn mạnh đến việc cần tiếp tục nhìn nhận phát triển trường chuyên trong đổi mới giáo dục và đào tạo nói chung, là khâu quan trọng trong phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng nhân tài. Tiếp tục củng cố, phát huy tính tiên phong, mũi nhọn của hệ thống trường chuyên, vai trò của trường chuyên không chỉ cho trường chuyên và cần lan tỏa trong hệ thống, đặc biệt là về phương pháp, cách thức tổ chức và khoa học giáo dục.

“Một số trường chuyên hiện nay đạt đến đào tạo nhân tài với quan điểm, phương pháp phù hợp, nhưng một phần vẫn đang dừng ở mức là trường chất lượng cao và trường chọn mà chưa phải trường chuyên. Cần tránh quan điểm coi trường chuyên là để có học sinh giỏi, có các giải thưởng, các huân huy chương… mà cần có quan điểm đúng về phương diện đào tạo, bồi dưỡng nhân tài và lấy đó làm trọng tâm trong phát triển”, Bộ trưởng lưu ý.

Với quan điểm đào tạo phát triển toàn diện, Bộ trưởng cho rằng, đào tạo chuyên dẫu đặc biệt những vẫn là đào tạo phổ thông, vẫn lấy nền tảng nhân cách, cảm xúc, thẩm mỹ, lấy phát triển con người làm đầu; vì vậy, đào tạo chuyên cần theo hướng toàn diện, không thiên lệch, đào tạo không phải vì tấm huy chương, mà trước hết vì chính con người họ, đó cũng là nền tảng để có nhân lực chất lượng cao.

“Quyết không chạy theo thành tích, ứng thí, huân huy chương, câu chuyện học thật, thi thật, nhân tài thật triển khai đầu tiên phải là ở các trường THPT chuyên”, nhấn mạnh điều này, Bộ trưởng đồng thời nhắc tới áp lực tuyển sinh trường chuyên mà ở đó không ít bậc phụ huynh còn chưa suy nghĩ thấu đáo, còn chạy theo trường chuyên vì mong muốn của bản thân, dẫn tới học sinh có lựa chọn không phù hợp. “Nếu vào học không phù hợp sẽ là nỗi khổ của học sinh, nỗi vất vả của thầy cô và nỗi lo của xã hội. Phải tránh tiêu cực trong tuyển sinh, tránh ngồi nhầm trường. Nhân tài không phải là câu chuyện của nhiều người nên phải có cách thức phù hợp”, Bộ trưởng chia sẻ.

Về việc các địa phương dành đầu tư lớn cho hệ thống trường chuyên, Bộ trưởng lưu ý, đầu tư cho trường chuyên nhưng không vì thế không lưu ý đến giáo dục phổ thông và chính sách bình đẳng trong giáo dục. “Không nên quá đầu tư cho hệ thống trường chuyên mà quên hệ thống trường khác. Đành rằng trong điều kiện khó khăn phải đầu tư tập trung nhưng bên cạnh trường chuyên được đầu tư lộng lãy là nhóm trường khác còn chưa được kiên cố hóa thì thực sự phản cảm. Phát triển nhóm trên nhưng phải nâng đỡ nhóm dưới một cách hài hòa”.

Xác định trường chuyên là môi trường áp dụng các phương pháp giáo dục đặc biệt, do đó, Bộ trưởng bày tỏ sự cổ vũ với phương pháp giáo dục cá thể hóa. Theo Bộ trưởng, phát hiện, bồi dưỡng nhân tài và để nuôi dưỡng được nhân tài cần phương pháp phù hợp; trong đó cần phát huy được năng lực tự học của học sinh và khích lệ để tài năng tỏa ra.Trong sự phát triển trường chuyên, ngoài cơ sở vật chất, ngoài đầu tư cần lưu ý phương pháp phù hợp cho hệ thống này.

“Bộ GDĐT đã giao nhiệm vụ cho đơn vị chuyên môn chuẩn bị quy chế về trường chuyên mới, dự kiến sẽ sớm ban hành để làm chỗ dựa cho các đơn vị, địa phương triển khai. Chúng ta đã có 10 năm đầu tư phát triển. Chặng đường mới sẽ tiếp tục đổi mới, đã đầu tư sẽ tiếp tục đầu tư nhưng đúng và trúng. Từ các công việc khác nhau để phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài - một việc rất hệ trọng cho sự phát triển của đất nước trong tương lai”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Trung tâm Truyền thông Giáo dục

Cùng dự có Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn; Thứ trưởng Bộ GDĐT Ngô Thị Minh; đại diện Vụ Khoa giáo Văn xã, Văn phòng Chính phủ; lãnh đạo mọt số đơn vị thuộc Bộ Y tế, Bộ GDĐT; các chuyên gia, các nhà khoa học, đại diện các tổ chức quốc tế. Tại các điểm cầu 63 tỉnh thành có Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND các tỉnh thành phố; Giám đốc, Phó giám đốc các sở GDĐT, sở Y tế, các sở ngành liên quan của địa phương, lãnh đạo UBND cấp quận huyện.

Tỷ lệ nhiễm Covid-19 trong trường học rất thấp

Báo cáo tình hình phòng, chống dịch COVID-19 và công tác tổ chức dạy học tại các địa phương, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất - Nguyễn Thanh Đề cho biết tính đến tuần đầu tháng 1/2022, cả nước có 9 tỉnh/thành phố tổ chức dạy học trực tiếp hoàn toàn; 35 tỉnh thành dạy học kết hợp trực tiếp với trực tuyến và qua truyền hình; 19 địa phương phố còn lại dạy học trực tuyến và qua truyền hình.

Quang cảnh Hội nghị

Trong đó, 43/63 tỉnh/thành phố đã cho học sinh mầm non đi học trở lại; 46/63 tỉnh/thành cho học sinh tiểu học đến trường chiếm tỉ lệ 57,38%; 53/63 tỉnh/thành cho học sinh THCS, THPT (nhất là học sinh khối lớp 7 đến lớp 12) học trực tiếp, chiếm tỉ lệ 69% học sinh cả nước. Dự kiến đến ngày 7/2 sẽ có thêm 8 tỉnh thành cho học sinh đi học trực tiếp.

Việc xúc tiến tiêm vắc xin cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, được  ngành giáo dục đặc biệt quan tâm. Hiện nay hơn 6,5 triệu học sinh từ 12-17 tuổi đã được tiêm vắc xin mũi 1, đạt tỷ lệ 90,10%mũi 2 là 72,24%. Tỷ lệ cán bộ, giáo viên, nhân viên được tiêm vắc xin mũi 2 là 82%; mũi 3 là 28,2%.

Ở đợt bùng dịch thứ tư, toàn ngành giáo dục có hơn 130.000 cán bộ, giáo viên, giảng viên, học sinh, sinh viên nhiễm Covid-19. Đến 18/1, chỉ còn gần 4.800 người đang điều trị. Tại TP HCM-địa phương bùng phát dịch mạnh nhất thời gian trước, sau thời gian thí điểm học trực tiếp, chỉ có 130 ca mắc Covid-19 trong trường học, chiếm 0,02%. Tại Bắc Giang, tỷ lệ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nhiễm là 0,009%.

Khẳng định nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trong trường học là rất thấp, thấp hơn nguy cơ trong cộng đồng và các gia đình - theo kết luận mà Hoa Kỳ có được từ báo cáo tổng quan nghiên cứu khoa học của các nước trên thế giới về mở cửa trường họcPGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến nghị các địa phương nên mở cửa trường học.

Chuyên gia này cũng chỉ ra nhiều tiền đề quan trọng giúp Việt Nam có thể mở rộng cho học sinh đi học trực tiếp. Đó là những kinh nghiệm trong hơn 2 năm phòng chống dịch; các điều kiện về chữa bệnh, phòng bệnh Covid-19 cũng đã tốt hơn; ý thức và năng lực thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân, cộng đồng của người dân nâng lên; tỷ lệ phủ vắc xin tạo miễn dịch cộng đồng của Việt Nam thuộc nhóm 6 nước cao nhất thế giới…

Nhấn mạnh việc mở cửa trường học là xu hướng chung của các nước trên thế giới theo phương châm “sống chung với Covid”; ở Việt Nam, các biện pháp đảm bảo an toàn để học sinh có thể quay trở lại trường học đã và đang thực hiện khá tương đồng thế giới, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ GDĐT) Phạm Quang Hưng khuyến nghị đẩy nhanh tiến độ cho học sinh đi học trực tiếp.

Nói rõ hơn về kinh nghiệm quốc tế trong việc mở cửa trường học, ông Hưng cho hay, khi tỷ lệ phủ vắc xin đạt yêu cầu thì các quốc gia đều coi mở cửa trường học là điều tất yếu nhằm đảm bảo an toàn từ tâm lý, thể chất đến chất lượng học tập... cho học sinh.

Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã có 65% quốc gia đã mở cửa hoàn toàn trường học và 35% mở cửa một phần. Trong đó, Thái Lan cho phép các trường học có giáo viên, nhân viên tiêm chủng vaccine từ 85% trở lên được mở cửa. Một số quốc gia như Hàn QuốcSingapore đã hoàn thành tiêm vắc xin Covid-19 cho học sinh từ 12-18 tuổiIndonesia, Campuchia, Ấn Độ, Malaysia đang triển khai tiêm chủng cho trẻ dưới độ tuổi 12.

Với trẻ chưa được tiêm vaccine, nhiều quốc gia vẫn hối thúc đi học nhưng kiểm soát bằng nhiều biện pháp. Trong đó, Nhật Bản, Singapore tăng cường kiểm tra triệu chứngCanada, Mỹ yêu cầu nộp kết quả xét nghiệm....

Rủi ro khi học sinh nghỉ học lớn hơn rất nhiều khi đi học

Trao đổi tại Hội nghịTrưởng Chương trình giáo dục UNICEF tại Việt Nam - bà Simone Vis cho biết, tổ chức này có bằng chứng rõ ràng cho việc học sinh ở nhà kéo dài vì dịch bệnh đã bị ảnh hưởng lớn về thể chất, tinh thần, chất lượng học tập… Tình trạng bạo lực gia đình, tảo hôn… gia tăng. Do đó, một trong những trọng tâm mà Liên hợp quốc đặt ra là phải đưa học sinh quay lại học bình thường và phục hồi những gì thiếu hụt khi các em phải ở nhà học trực tuyến. “Quyết định cho học sinh trở lại trường học là vì quyền lợi các em. Rủi ro khi học sinh nghỉ học còn lớn hơn rất nhiều so với khi các em được đi học”, Trưởng Chương trình giáo dục UNICEF tại Việt Nam nói.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn phát biểu tại Hội nghị

Dẫn chứng về sức ảnh hưởng nặng nề của việc học sinh không được đến trường mà ở nhà học trực tuyến, PGS.TS. Phạm Mạnh Hà (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, tỷ lệ học sinh, sinh viên đến thăm khám và điều trị các vấn đề về sức khoẻ tâm thần tăng vọt theo thống kê gần đây của Bệnh viện Sức khoẻ tâm thần. Nghiên cứu của Đại học Quốc gia TP HCM cũng cho thấy 56,8% sinh viên thiếu tập trung và không hứng thú học tập; 48% thấy tự ti, mất phương hướng; 56,2% bị rối loạn giấc ngủ; 35,7% thấy tính tình thay đổi, hay cáu gắt, lo lắng không lý do. Ông Hà cho rằngcần có lộ trình đưa học sinh, sinh viên sớm quay lại trường học và thực hiện các biện pháp an toàn phòng chống dịch.

Với tỷ lệ bao phủ 2 mũi vắc xin Covid-19 đạt gần 100% ở cả người lớn và trẻ từ 12-17 tuổi để đạt miễn dịch cộng đồng, việc sẵn sàng tiếp nhận tiêm vắc xin cho trẻ 5-11 tuổi; những kinh nghiệm trong phòng chống dịch và nhận thức của người dân tăng lên, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn khẳng định “đây là thời điểm hết sức hợp lý và cần thiết để đưa học sinh trở lại trường”.

“Trong khi các hoạt động kinh tế, giao tiếp xã hội đã gần như hoàn toàn bình thường, học sinh đã theo bố mẹ đi chơi, đi ăn ngoài hàng quán; thì không có lý do gì để các em phải học trực tuyến nữa”, Thứ trưởng Bộ Y tế nói.

Với trẻ ở lứa tuổi từ 5-11 tuổi chưa được tiêm vắc xin, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đề nghị tăng cường truyền thông để phụ huynh an tâm cho con trở lại trường. Bởi lẽ, lợi ích của việc trẻ được đến trường lớn hơn nhiều so với cho trẻ ở nhà, trong khi người lớn đã đi làm và giao tiếp cộng đồng.

Theo thông tin của Cục Quản lý môi trường (Bộ Y tế), tỷ lệ tử vong vì Covid-19 ở nhóm từ 0 đến 17 tuổi chỉ chiếm rất nhỏ, khoảng 0,42%; trong khi con số này ở độ tuổi từ 18 đến 49 là trên 15%. Do đó đại diện Cục này đề xuất, sau Tết Nguyên đán, các tỉnh thành học sinh đi học trở lại với nhóm từ 12 đến 17 tuổi. Lứa tuổi mầm non và tiểu học cũng được đề nghị tính toán lộ trình để trẻ được đến trường.

Phương án tốt nhất ở thời điểm hiện tại là nhanh chóng đưa học sinh trở lại trường

“Khẩn trương, cương quyết, chu đáo đưa học sinh quay trở lại trường học” là nhấn mạnh được Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhắc lại nhiều lần trong kết luận Hội nghị. Bộ trưởng cho biết, suốt thời gian qua ngành Giáo dục đã chủ động, linh hoạt chuyển đổi hoạt động dạy học để hạn chế tối đa tác động của dịch bệnh và thực tế việc triển khai tích cực. Trong tình hình mới, cần có sự ứng phó chủ động và quyết liệt hơn.

Trên cơ sở khảo sát, đánh giá của Bộ GDĐT, các địa phương, chuyên gia… có thể thấy, sau một thời gian dài nhiều địa phương do dịch bệnh chuyển sang dạy học trực tuyến đã phần nào duy trì nhịp độ học tập và bảo đảm tiến độ. Tuy nhiên, nếu kéo dài hơn việc dạy học gián tiếp với các hình thức qua internet, trên truyền hình, thì tác động tiêu cực sẽ lớn dần, ảnh hưởng đến chất lượng dạy học, cũng như sức khỏe thể chất, tinh thần của cả người dạy, người học và các đối tượng liên quan.

Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu kết luận Hội nghị

Đến thời điểm này, khi tỷ lệ tiêm vắc xin trong cộng đồng cao, trong đó có đối tượng học sinh từ 12 đến dưới 18 tuổi; kinh nghiệm phòng chống dịch, điều kiện y tế dự phòng, thuốc chữa được tăng cường; chúng ta có đầy đủ căn cứ, kinh nghiệm, điều kiện để quyết tâm thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc đưa học sinh quay trở lại trường học. Đây không chỉ là chuyện mở cửa trường học mà còn là củng cố, tái thiết giáo dục sau dịch bệnh.

“Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt việc đưa học sinh quay trở lại trường học. Bộ Y tế cũng đã nêu một số quan điểm hoàn toàn ủng hộ chủ trương đưa học sinh nhanh chóng học trực tiếp trở lại trong thời gian tới. Về quan điểm chỉ đạo, Bộ GDĐT đề nghị lãnh đạo các địa phương, các Sở GDĐT, các cơ sở giáo dục cần khẩn trương, kiên quyết, chu đáo để đưa học sinh quay trở lại trường”, Bộ trưởng nói, đồng thời nêu chỉ đạo cụ thể: 

“Học sinh từ 12 đến dưới 18 tuổi đã được tiêm vắc xin, việc cho các em đi học trực tiếp trở lại sau Tết Nguyên Đán là phù hợp. Còn với trẻ mầm non, học sinh tiểu học, các địa phương cần có sự chuẩn bị khẩn trương, trong đó chuẩn bị về tư tưởng, nhận thức là hết sức quan trọng để tạo sự đồng thuận của phụ huynh, giáo viên, các cấp, các ngành; đặc biệt là sự đồng thuận, hợp tác của phụ huynh”.

Bộ trưởng cũng khẳng định, không có phương án tuyệt đối đáp ứng mọi yêu cầu nhưng phải chọn phương án tốt nhất, mà tốt nhất ở thời điểm hiện tại là nhanh chóng đưa học sinh trở lại trường. Bộ trưởng cũng lưu ý các địa phương tránh rơi vào 2 trạng thái cực đoan: hoặc e dè chần chừ thái quá trong mở cửa, hoặc khi chuyển sang trạng thái mới tích cực đưa học sinh tới trường lại chủ quan, chuẩn bị không chu đáo, phó mặc cho nhà trường, thầy cô…

Về một số việc cần làm, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay, Bộ Y tế sẽ sớm có văn bản chỉ đạo điều chỉnh về cách xác định cấp độ dịch, Bộ GDĐT theo đó cũng sẽ ban hành văn bản điều chỉnh các văn bản cũ để phù hợp với hướng dẫn của Bộ Y tế trong tình hình mới. Ngoài ra, Bộ GDĐT cũng sẽ có thêm một số hướng dẫn cho bậc mầm non để tạo thuận lợi cho các địa phương triển khai.

Trước khi học sinh quay trở lại trường, theo Bộ trưởng, cần chuẩn bị tinh thần, thái độ cho cả phụ huynh và học sinh; trong những ngày đầu học sinh quay trở lại trường cần có các hoạt động hội nhập, tương tác xã hội, kỹ năng khác. Bởi sau thời gian dài học trực tuyến, sẽ có trường hợp học sinh ngại học trực tiếp, giáo viên ngại dạy trực tiếp, do đó, cần có những hỗ trợ để học sinh hứng thú, mong muốn được học trực tiếp, giáo viên thích ứng trở lại với dạy trực tiếp.

Với hình thức dạy trực tuyến đã được xác lập trong 2 năm qua và tạo ra cú hích thúc đẩy công nghệ thông tin, chuyển đổi số của ngành Giáo dục, Bộ trưởng lưu ý, không vì học sinh trở lại học trực tiếp mà lãng phí hình thức dạy học này; ngược lại cần tăng cường những yếu tố tích cực của dạy học trực tuyến để hỗ trợ dạy học trực tiếp. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh trọng tâm của năm 2022 là củng cố, bù đắp kiến thức để chuẩn bị tốt nhất cho những năm tiếp theo, vì vậy, khi học sinh trở lại, các nhà trường cần tập trung hỗ trợ kiến thức, tâm lý cho học sinh, thực hiện đánh giá, phân nhóm phù hợp để hỗ trợ hiệu quả.

Thời gian qua, các địa phương, nhà trường triển khai dạy và học dựa theo nội dung chương trình cốt lõi do Bộ GDĐT ban hành, khi học sinh quay trở lại học trực tiếp, các Sở GDĐT cần lưu ý vẫn tiếp tục thực hiện nội dung chương trình này. Nếu các địa phương, cơ sở giáo dục nào hoàn thành sớm thì quay trở lại củng cố kiến thức, kỹ năng cho học sinh. Bên cạnh đó, các địa phương, nhà trường cũng cần cân nhắc lộ trình kiểm tra đánh giá phù hợp.

“Chính phủ đã chỉ đạo, các chuyên gia đã khuyến cáo, Bộ GDĐT và Bộ Y tế đã phối hợp trao đổi, mong rằng các địa phương khẩn trương, cương quyết đưa học sinh quay trở lại trường học, kể cả mầm non, tiểu học cũng cần có kế hoạch và kịch bản phù hợp, kịp thời. Những địa phương có kinh nghiệm tốt cần chia sẻ với các địa phương khác. Sau hội nghị hôm nay, các địa phương cần có phương án phù hợp với tình hình thực tế và phân cấp trách nhiệm để cùng phối hợp với ngành Giáo dục triển khai đưa học sinh quay trở lại trường hiệu quả, an toàn”, Bộ trưởng nêu rõ.

Nguồn tin: Trung tâm Truyền thông Giáo dục

Bạn đang đọc bài viết Tổng kết Đề án Phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020 tại chuyên mục Tin tức, sự kiện của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn