Làm bài hộ, thi hộ: Vấn nạn toàn cầu nổi lên do tác động của đại dịch Covid-19

Do tác động của đại dịch Covid-19, ngay cả những trường đại học trước đó chưa từng quen với các thao tác trên môi trường số cũng phải nhanh chóng chuyển đổi sang áp dụng các hình thức giảng dạy và kiểm tra, đánh giá trực tuyến. Sự chuyển đổi gấp gáp này đã tạo ra cơ hội cho tình trạng gian lận thi cử trực tuyến và góp phần làm đa dạng hoá thêm các loại hình dịch vụ này.

Đạo văn là một tình trạng đã tồn tại trong suốt hàng nghìn năm qua, và nghề viết thuê cũng như vậy - một bên là một hành vi phi chuẩn mực, bên còn lại là một dịch vụ. Các xu hướng hiện đại về thái độ của người tiêu dùng đối với giáo dục, quá trình quốc tế hoá và các lỗ hổng còn tồn tại trong các phần mềm đạo văn đã tạo ra một môi trường chín muồi trong việc gian lận. Gần đây nhất, sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 và việc chuyển đổi số diễn ra ồ ạt, gấp gáp tại các nhà trường lại càng tạo điều kiện thuận lợi cho các loại hình dịch vụ làm bài hộ, thi hộ nở rộ.

Thực tế là, các phần mềm kiểm tra đạo văn không phải lúc nào cũng bắt được hết tất cả các trường hợp đạo văn, thậm chí đôi khi còn mắc sai sót và nhầm lẫn. Các phần mềm nhận dạng ngôn ngữ tự nhiên có thể giúp xác định các bất thường trong văn phong cá nhân, nhưng vẫn đang phát triển và chưa được công nhận chính thức. Các giải pháp công nghệ chặt chẽ và cao cấp hơn hiện đã có sẵn để giúp các nhà trường quản trị kỳ thi hiệu quả và an toàn, nhưng lại đi kèm với giá thành đắt đỏ và có thể khiến các cơ sở giáo dục rơi vào tình trạng thiếu chắc chắn.

Trong bối cảnh đó, nghiên cứu của nhóm tác giả Guzyal Hill, Jon Mason và Alex Dunn góp thêm vào diễn ngôn về chủ đề gian lận thi cử với việc tìm hiểu, điều tra phạm vi và quy mô của các vấn đề liên quan đến sự vi phạm tính liêm chính trong học tập, vốn đang trở nên trầm trọng hơn do quá trình chuyển đổi khẩn cấp sang các hình thức kiểm tra, đánh giá trực tuyến trong đại dịch Covid-19.

Nghiên cứu sử dụng một phương pháp nghiên cứu hành động, trong đó một trong các tác giả sẽ đóng vai học sinh, sinh viên và đi tìm các dịch vụ gian lận bài vở trên mạng. Nghiên cứu sử dụng phương pháp nghiên cứu trực tuyến và phân tích tài liệu khám phá để xác định quy mô các dịch vụ làm bài hộ, thi hộ mà học sinh, sinh viên có thể tiếp cận. Phương pháp nghiên cứu trực tuyến ở đây ở mức khá cơ bản, sử dụng các công cụ tìm kiếm chính là Google và Google Scholar.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, khi truy vấn tìm kiếm trên Google với từ khoá ‘assignment help’ (hỗ trợ làm bài tập), có đến 279.000.000 kết quả được trả về ở thời điểm năm 2020 và 302.000.000 kết quả được trả về ở thời điểm năm 2021. Khi tiến hành tìm kiếm từ dịch vụ Google ở khu vực Australia trong khoảng thời gian giữa tháng 6/2020 và đầu năm 2021, có một số trang web cung cấp dịch vụ làm bài hộ, thi hộ nổi bật được các nhà nghiên cứu thống kê, chẳng hạn như myasssignmenthelp.com, assignmenthelp4me.com, myasssignmentservices.com, thanksforthehelp.com, allassignmenthelp.com, v.v… Tương tự với từ khoá ‘online exam help’ (hỗ trợ làm bài thi trực tuyến), công cụ tìm kiếm Google trả về 538.000.000 kết quả ở thời điểm năm 2020 và 559.000.000 ở thời điểm năm 2021. Một số website được xếp hạng hàng đầu ở khu vực Australia bao gồm: onlineassignmentexpert.com, brainyassignmenthelp.com, myassignmentservices.com, assignmentgeek.com, takemyclassesonline.com, v.v…

Các nhà nghiên cứu sau đó tiếp tục truy cập và tìm hiểu sâu về một số khía cạnh trên các trang web này, như tính dễ sử dụng, hoạt động marketing của chủ sở hữu các dịch vụ, thiết kế giao diện của trang web, các hình thức liên lạc sẵn có của từng dịch vụ như số điện thoại, nhắn tin qua Whatsapp hoặc các công cụ chat online tích hợp trên website… Nhìn chung, các nhà nghiên cứu nhận định các trang web này đa số được vận hành một cách khá chuyên nghiệp, marketing bài bản, sử dụng nhiều công cụ hiện đại như các hình thức giảm giá, khuyến mãi khi giới thiệu bạn bè, trí tuệ nhân tạo, v.v… - những công cụ mà một số trường đại học hiện mới chỉ bắt đầu làm quen. Các trang web này được đánh giá là tương đối dễ tiếp cận và sử dụng đối với đối tượng học sinh, sinh viên. Cuối cùng, các nhà nghiên cứu đưa ra một số bàn luận và khuyến nghị để cải thiện thực trạng này.

Vân An lược dịch

Nguồn:

Hill, G., Mason, J., & Dunn, A. (2021). Contract cheating: an increasing challenge for global academic community arising from COVID-19. Research and Practice in Technology Enhanced Learning, 16(1). https://doi.org/10.1186/s41039-021-00166-8

Ghi chú: Các quan điểm của Tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Bạn đang đọc bài viết Làm bài hộ, thi hộ: Vấn nạn toàn cầu nổi lên do tác động của đại dịch Covid-19 tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19