Covid-19 đã làm thay đổi nhu cầu và kỳ vọng của nhiều sinh viên: Các trường đại học giải quyết như thế nào?

Nói đến tác động của đại dịch Covid-19 với hệ thống giáo dục đại học, nhiều người chỉ đơn thuần nghĩ đến những bài giảng được chuyển từ giảng đường lên các phòng học trực tuyến. Thực tế, trong bối cảnh nhiều quốc gia như Anh, Australia, một trong những thay đổi quan trọng nhất nằm ở chỗ các quyết định được nhà trường đưa ra đang ngày càng xoay quanh nguyện vọng của sinh viên nhiều hơn, đáp lại nhu cầu của các em về sự linh hoạt trong hoạt động giảng dạy.

Sự linh hoạt ở đây thường được hiểu là sinh viên có quyền lựa chọn hình thức học tập mà các em mong muốn. Một số sinh viên nhận thấy các lợi ích của loại hình đào tạo trực tuyến toàn thời gian và muốn tiếp tục hình thức này. Tuy nhiên, đại đa số sinh viên vẫn bày tỏ mong muốn được quay trở lại giảng đường - song vẫn duy trì tính “linh hoạt” của đào tạo trực tuyến.

Lấy ví dụ về việc lập thời khoá biểu. Trong suốt nhiều thập niên, thời khoá biểu thường được nhà trường lập ra với mục tiêu tối ưu hoá việc sử dụng cơ sở vật chất, giảng đường. Thực tế, khi chuyển sang đào tạo trực tuyến, sinh viên có thể chọn học một lớp học trực tuyến hoặc xem lại băng ghi hình bài giảng ở một thời điểm mà các em thấy phù hợp nhất. Nhờ đó, ngày càng có nhiều sinh viên thích sự linh hoạt để có thể học tập ở bất kỳ thời gian nào, 24/7/365. Một trong những bất cập lớn mà sinh viên phải đánh đổi để có được sự linh hoạt đó là mất đi kết nối liên tục với bạn bè, bởi mỗi người sẽ chọn cho mình những thời điểm học tập khác nhau.

Tuy nhiên, cần nhớ rằng với mô hình thời khoá biểu truyền thống, rất nhiều sinh viên phải di chuyển những quãng đường xa chỉ để dự một lớp học kéo dài một tiếng. Trong những trường hợp này, không lạ nếu sinh viên muốn dự lớp học đó từ xa hoặc ở một thời điểm khác thích hợp hơn. Vậy, tại sao không sử dụng công nghệ để lập nên những thời khoá biểu tối ưu hơn, trong đó các buổi học tập trung vào một vài ngày liên tục thay vì dàn trải “vụn vặt” suốt cả tuần? Nhờ đó, sinh viên vừa thuận tiện hơn trong việc sắp xếp thời gian cá nhân và di chuyển, vừa giữ được những yếu tố cốt lõi của trải nghiệm học tập tại giảng đường.

Trên một khía cạnh khác, một nhà trường “đưa ra các quy định dựa trên nhu cầu của sinh viên” cần phải tính đến thực tế có rất nhiều sinh viên gặp áp lực về tài chính trong bối cảnh đại dịch. Các chính phủ trên toàn cầu đang cắt giảm chi tiêu cho giáo dục đại học so với trước khi dịch bệnh nổ ra. Chi phí đào tạo cần được giảm xuống để hỗ trợ sinh viên và cả các chính phủ đang chịu áp lực trong bối cảnh tỷ lệ nợ sinh viên đang ngày càng gia tăng. Để giảm chi phí đào tạo, giáo viên có thể tận dụng các tài nguyên học tập mở, miễn phí hoặc các tài liệu trực tuyến. Bên cạnh đó, nhà tuyển dụng cũng đòi hỏi nhiều hơn ở các sinh viên ra trường - không chỉ cần có kiến thức, kĩ năng mà còn có khả năng giải quyết vấn đề, sự kiên trì, khả năng chịu áp lực… Các nhà trường cũng cần chú trọng đào tạo các khía cạnh này, chẳng hạn như mang đến những trải nghiệm học tập chủ động cho sinh viên, xây dựng môi trường học tập hỗ trợ các hoạt động học tập có ý nghĩa,…

Vân An lược dịch

Nguồn:

Alexander, S., Littlejohn, A., Sharpe, R., Bennett, S., & Varga-Atkins, T. (2021, December 16). COVID has changed students’ needs and expectations. How do universities respond? The Conversation. https://theconversation.com/covid-has-changed-students-needs-and-expectations-how-do-universities-respond-172863

Ghi chú: Các quan điểm của Tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Bạn đang đọc bài viết Covid-19 đã làm thay đổi nhu cầu và kỳ vọng của nhiều sinh viên: Các trường đại học giải quyết như thế nào? tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn