Thiết kế trò chơi trong dạy học hình học cho học sinh Tiểu học

Được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực marketing và kinh doanh, trò chơi hoá trong dạy học (hay game hoá - gamification) là một trong những phương pháp đang ngày càng nhận được sự quan tâm trong lĩnh vực giáo dục, bởi khả năng giải quyết những vấn đề phức tạp theo cách đơn giản và trực quan. Môi trường trò chơi khuyến khích người học tham gia vào bài giảng, biến những giờ học nhàm chán thành những tiết học thông minh.

Nghiên cứu của nhóm tác giả Kamalodeen và cộng sự trình bày quá trình thiết kế trò chơi trong khuôn khổ nội dung giảng dạy hình học (môn Toán) ở cấp Tiểu học, dựa trên mô hình của Huang và Soman (Đại học Toronto, Toronto, Canada, 2013). Các tác giả miêu tả cách thức những hiểu biết từ nhiều nguồn giúp đổi mới phương pháp thiết kế và tích hợp trò chơi mà trước đó đã từng được một trường học áp dụng. Thiết kế được đề cập đến trong bài nghiên cứu này là việc “trò chơi hoá” (hay game hoá) tangram (một trò chơi xếp hình từ bảy miếng ghép đa giác (được gọi là tans) để tạo nên các hình thù mới mà không được chồng chéo lên nhau cũng như không được để thừa ra mảnh nào), thông qua việc tích hợp các yếu tố trò một trò chơi, bao gồm bảng xếp hạng, bảng điểm, điểm/sao và các thử thách… Các khung nhận thức và động lực thúc đẩy học tập được chia làm 5 mức độ thử thách, mỗi mức độ lại bao gồm các yếu tố cá nhân và xã hội nhằm tăng cường sự tham gia của người học trong các bài toán hình học có độ khó tăng dần.

Kết quả nghiên cứu trình bày những khám phá của nhóm nghiên cứu về việc thiết kế trò chơi để tăng cường môi trường học toán cho học sinh tiểu học, với mục tiêu giúp các em lĩnh hội tốt kiến thức thuộc nội dung hình học. Do đó, game hoá đã chuyển đổi môi trường học tập buồn tẻ thành một môi trường thông minh, bằng cách thu hút người học tham gia một cách chủ động. Nhóm nghiên cứu đã kết hợp các chiến lược nâng cao nhận thức và động lực để xây dựng sự tự tin của học sinh đối với môn hình học, thông qua các tương tác cộng tác giữa các học sinh với nhau, mang lại cho các em sự hài lòng và thích thú khi học tập môn Toán. Việc thiết kế hình thức lồng ghép trò chơi đòi hỏi phải áp dụng tri thức có được từ các nghiên cứu thử nghiệm, đồng thời kết hợp cách tư duy linh hoạt để triển khai các loại hình trò chơi nhằm đảm bảo hiệu quả.

Vân An lược dịch

Nguồn:

Kamalodeen, V. J., Ramsawak-Jodha, N., Figaro-Henry, S., Jaggernauth, S. J., & Dedovets, Z. (2021). Designing gamification for geometry in elementary schools: insights from the designers. Smart Learning Environments, 8(1). https://doi.org/10.1186/s40561-021-00181-8

Ghi chú: Những quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Bạn đang đọc bài viết Thiết kế trò chơi trong dạy học hình học cho học sinh Tiểu học tại chuyên mục Khoa học giáo dục và xã hội của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn