Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Phước

Ngày 24/12, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cùng đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã có cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Phước nhằm nắm bắt việc thực hiện chủ trương đảm bảo phát triển đồng đều, bình đẳng trong giáo dục giữa các vùng miền; trao đổi một số quan điểm, chủ trương, giải pháp, các nhiệm vụ lớn của ngành giáo dục và lắng nghe nhu cầu của giáo dục địa phương.

Coi trọng công tác giáo dục để phát triển bền vững

Bình Phước là tỉnh miền núi, biên giới thuộc vùng Đông Nam bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Những năm qua, giáo dục Bình Phước đạt được nhiều kết quả nổi bật, thể hiện sự quan tâm của địa phương trong việc tạo cơ hội học tập và bảo đảm công bằng trong giáo dục cho trẻ em.

Quang cảnh cuộc làm việc

Toàn tỉnh hiện có 388 trường, 8.092 lớp nhóm, 252.000 trẻ mầm non và học sinh phổ thông. 100% đơn vị cấp huyện và đơn vị cấp xã đạt chuẩn quốc gia phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi và phổ cập trung học cơ sở; được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 vào năm 2020 (xếp thứ 19/63 tỉnh/thành phố); 15/111 xã, phường, thị trấn đạt phổ cập bậc THPT.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được quan tâm đầu tư, trình độ chuyên môn của đội ngũ giáo viên cơ bản đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục và thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Chất lượng giáo dục toàn diện được chú trọng và ngày càng nâng cao, công tác giáo dục đạo đức và xây dựng văn hóa học đường cũng được quan tâm đẩy mạnh.

Cùng chung khó khăn với giáo dục cả nước, ngành Giáo dục Bình Phước đã trải qua 2 năm thách thức do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, với các phương án chủ động, linh hoạt, các trường học đã có giải pháp dạy và học phù hợp; đồng thời triển khai tốt chương trình giáo dục phổ thông mới trong 2 năm đầu tiên.

Tuy nhiên, so với yêu cầu đặt ra của quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, giáo dục Bình Phước còn nhiều khó khăn. Đó là, cơ sở vật chất trường lớp, đặc biệt ở những địa bàn vùng đồng bào dân tộc còn thiếu thốn; chất lượng giáo dục còn có sự chênh lệch giữa các địa bàn; chưa có nhiều giải pháp, biện pháp mang tính “đột phá” trong nâng cao chất lượng giáo dục cả đại trà lẫn mũi nhọn; đội ngũ giáo viên còn thiếu khoảng gần 2.000 biên chế, chất lượng đội ngũ không đồng đều và còn ở mức thấp…

Trao đổi trong cuộc làm việc với đoàn công tác của Bộ GDĐT, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh tới tầm quan trọng của công tác giáo dục, đào tạo với lí giải: để tỉnh phát triển bền vững cần coi trọng nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng và để có nguồn nhân lực chất lượng, cần coi trọng công tác giáo dục.

Để thúc đẩy giáo dục Bình Phước phát triển trong giai đoạn tới, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Cường đề nghị Bộ GDĐT hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển của tỉnh, bởi hiện nay Bình Phước đang thiếu hụt trầm trọng nhân lực trình độ cao.

Tỉnh cũng mong muốn Bộ GDĐT hỗ trợ thực hiện xã hội hóa giáo dục; phát triển một số trường phổ thông tiêu chuẩn cao; dạy nghề và đào tạo cao đẳng; triển khai khoa học, phù hợp với thực tiễn địa phương công tác phân luồng, hướng nghiệp, qua đó, phát triển về số lượng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lao động.

Chuyển đổi số giáo dục theo chiều sâu và phải là ưu tiên hàng đầu

Phát biểu tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn chúc mừng tỉnh Bình Phước đã đạt được những kết quả ấn tượng về kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu kép trong năm  2021: vừa phát triển kinh tế, xã hội, vừa ứng phó tốt với dịch bệnh.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trao tặng học bổng và thiết bị phục vụ công tác giảng dạy, học tập cho một số học sinh và trường học của tỉnh Bình Phước

Bộ trưởng cũng cảm ơn lãnh đạo tỉnh Bình Phước đã quan tâm đến công tác giáo dục. Dù còn nhiều khó khăn nhưng tỉnh đã quan tâm, quyết tâm phát triển giáo dục hướng tới phát triển bền vững địa phương. Sự quan tâm, quyết tâm này được thể hiện qua một số hoạt động cụ thể như: Triển khai sớm mô hình trường học thông minh; phát triển các trường dạy toán và các môn Khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh; tham gia tích cực đề án ngoại ngữ quốc gia.

Bên cạnh những việc đã làm được, theo Bộ trưởng, tỉnh Bình Phước còn nhiều việc cần tập trung triển khai thời gian tới. Trong đó, trước mắt năm 2022, ngành Giáo dục cần tiếp tục triển khai kế hoạch, nhiệm vụ năm học trong tình hình dịch bệnh còn phức tạp.

Hiện nay, các địa phương, trong đó có Bình Phước đang triển khai các giải pháp để mở cửa trường học an toàn. Vì vậy, ngay khi học sinh đến trường, Sở GDĐT cần lưu ý có kế hoạch củng cố kiến thức, kỹ năng cho các cháu; việc bù đắp thiếu hụt kiến thức, kỹ năng phải xem là ưu tiên hàng đầu.

Tỉnh Bình Phước cũng cần tiếp tục củng cố hệ thống dạy học trên nền tảng số. Đây không phải hoạt động chỉ ứng phó với dịch mà còn là giải pháp lâu dài nên cần tập trung thực hiện có chiều sâu theo xu hướng chuyển đổi số và phải được coi là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Tiếp tục triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10 trong năm học tới, Bộ trưởng lưu ý tỉnh Bình Phước cần chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên cho triển khai chương trình.

Để khắc phục những khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho dạy và học, Bộ trưởng cho rằng, tỉnh có thể huy động nguồn lực từ nhiều phía gồm ngân sách của tỉnh, các chương trình mục tiêu quốc gia,… Bình Phước hiện là một trong những địa phương có chỉ số kiên số hóa trường học thấp, vì vậy, trong Nghị quyết của tỉnh, cần đưa ra chỉ tiêu cho chỉ số này để tập trung triển khai thực hiện, từ đó nâng cao chỉ lệ kiên cố hóa trường học.

Bộ trưởng cho biết thêm, trong chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ GDĐT sẽ chú ý đến nội dung kiên cố hóa trường học, đặc biệt là trường học cho đồng bào dân tộc.

Để giải bài toán thừa thiếu giáo viên, bên cạnh chỉ tiêu cho phép, Bộ trưởng gợi mở địa phương triển khai đa dạng các giải pháp, trong đó có thể tính đến giải pháp xã hội hóa đối với các môn như ngoại ngữ, tin học, thông qua việc ký hợp đồng với doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ trong thiết kế bài giảng elearning, mô hình dạy học trực tuyến,…

Nhiệm vụ với giáo dục dân tộc bao gồm: đầu tư phát triển các trường nội trú, bán trú; tăng cường dạy tiếng Việt, xóa mù chữ, tái mù, dạy tiếng dân tộc trong các trường phổ thông… cũng được Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn lưu ý với tỉnh Bình Phước.

Riêng về nhiệm vụ đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực cho địa phương, Bộ trưởng bày tỏ sự ủng hộ, ưu tiên phát triển các trường đại học, các phân hiệu đại học theo lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật tại Bình Phước. Bên cạnh việc tạo cơ chế, tạo điều kiện phát triển các đại học và phân hiệu của các đại học, tỉnh đồng thời cần có chính sách thu hút nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao. Ngoài ra, theo Bộ trưởng, việc lập các trường nghề với chất lượng tốt cũng sẽ là giải pháp quan trọng và phù hợp giải quyết vấn đề nhân lực lao động của tỉnh thời gian tới.

Tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã trao tặng 30 suất học bổng học sinh nghèo hiếu học tới Trường THPT chuyên Quang Trung và Trường THPT chuyên Bình Long; trao tặng thiết bị phục vụ công tác giảng dạy học tập tới Trường PT DTNT THPT tỉnh; Trường PT DTNT THCS&THPT Bù Gia Mập, và Trường PTDTNT THCS&THPT Điểu Ong.

Nguồn tin: Trung tâm Truyền thông Giáo dục

Bạn đang đọc bài viết Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Phước tại chuyên mục Tin tức, sự kiện của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn