Tại sao việc học cùng lớp với học sinh giỏi giúp cải thiện điểm số của học sinh?

Việc bạn đi học cùng với ai thực sự là một yếu tố khá quan trọng. Gần như tất cả chúng ta, dù là học sinh hay phụ huynh học sinh, đều cảm nhận được những người bạn cùng lớp tốt hay không tốt sẽ có ảnh hưởng đến chúng ta như thế nào.

Đã có rất nhiều nghiên cứu cho thấy việc học cùng những bạn giỏi hơn có thể giúp tăng điểm số các bài kiểm tra của học sinh. Nhưng ít người biết hơn về cách thức những tác động đồng trang lứa này thực sự diễn ra giữa các bạn cùng lớp như thế nào. Điều này là do khá khó để xác định cơ chế mà các bạn học sinh giỏi cùng lớp có ảnh hưởng tích cực đến việc học tập của các học sinh khác như thế nào.

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi giúp hiểu rõ hơn về cách hoạt động của các hiệu ứng đồng trang lứa này.

Chúng tôi nhận thấy sự đầu tư của cha mẹ cho việc học tập của con cái tăng lên khi học sinh học trong một lớp với các bạn cùng lứa tuổi có thành tích học tập cao hơn. Điều này có thể giải thích một phần lý do tại sao điểm kiểm tra của học sinh trong các lớp học như vậy lại có xu hướng tăng. Nhưng chúng tôi cũng nhận thấy rằng mặc dù điểm kiểm tra của các học sinh này có thể tăng lên, các yếu tố khác lại không có được xu thế như vậy. Chẳng hạn,  thời gian học sinh dành cho việc học khi học cùng lớp với các bạn có thành tích cao hơn lại không tăng lên.

Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy những tác động tích cực của bạn bè đồng trang lứa dường như xảy đến với học sinh mà không song hành với sự nỗ lực hơn từ chính bản thân các em.

Kết hợp các dữ liệu với một thử nghiệm xã hội

Nghiên cứu của chúng tôi là nghiên cứu đầu tiên thuộc loại này để kiểm tra nhiều cơ chế có thể có trong việc lan truyền các hiệu ứng đồng trang lứa.

Chúng tôi đã thử nghiệm 19 cách thức khác nhau mà bạn bè cùng lớp có thể gây ảnh hưởng tích cực đến những người bạn của mình. Các phương thức này được chia thành ba loại chính: hành vi của học sinh, sự đầu tư của phụ huynh và môi trường học đường. Chúng bao gồm các cơ chế như nỗ lực học tập và tham gia vào bài học của học sinh, nguyện vọng và kỳ vọng vào đại học, thời gian của phụ huynh, sự hỗ trợ và nghiêm khắc của phụ huynh cũng như sự tham gia của giáo viên.

Chúng tôi đã sử dụng dữ liệu từ Cuộc khảo sát của Hội đồng Giáo dục Đài Loan trên hơn 20.000 học sinh, phụ huynh, giáo viên và lãnh đạo trường học. Dữ liệu bao gồm các đặc điểm của học sinh như số giờ học mỗi tuần, trình độ học vấn của cha mẹ và thời gian cha mẹ dành để học với con.

Chúng tôi đã phân tích dữ liệu từ các trường trung học cơ sở ở Đài Loan, nơi học sinh được phân chia vào các lớp theo hình thức chỉ định ngẫu nhiên. Bằng cách này, chúng ta có thể so sánh những em học học cùng lớp với những học sinh có thành tích cao hơn hoặc thấp hơn (trong cùng một trường).

Mỗi học sinh phải làm một bài kiểm tra tiêu chuẩn vào đầu năm lớp 7, và một bài kiểm tra khác vào đầu năm lớp 9. Chúng tôi đo lường sự tiến bộ của những học sinh này.

Chúng tôi so sánh những đứa trẻ có cùng điểm kiểm tra vào đầu năm lớp 7, đồng thời kiểm soát các yếu tố tác động mà chúng tôi biết sẽ có thể tạo ra sự khác biệt tới điểm bài kiểm tra của các em. Các yếu tố này bao gồm bao gồm giáo dục của cha mẹ, thời gian mỗi học sinh dành cho việc học và động lực của giáo viên truyền đạt cho học sinh. Sự khác biệt duy nhất giữa các học sinh mà chúng tôi so sánh, về mức độ ảnh hưởng đến kết quả học tập, chính là lớp học mà các em được chỉ định một cách ngẫu nhiên.

Học sinh học các lớp có nhiều học sinh giỏi thường sẽ đạt điểm cao hơn

Để đơn giản, chúng ta có thể giải thích tình huống như thế này. Có hai học sinh cùng trường. Một em tình cờ được chỉ định vào một lớp học trong đó điểm thi chuẩn hóa của các học sinh ở mức trung bình trong cả nước. Và em còn lại được phân vào một lớp học có điểm thi đứng đầu cả nước. Ngoài yếu tố nêu trên, các đặc điểm của hai học sinh này là giống hệt nhau.

Chúng tôi đã kiểm tra điểm thi của cả hai em học sinh này hai năm sau đó.

Theo kết quả nghiên cứu của chúng tôi, em học sinh được xếp vào lớp học “điểm cao” đã tiến bộ hơn so với em học sinh ở lớp trung bình.

Vào năm lớp 7, cả hai học sinh đều trả lời đúng 31 câu hỏi trong số 75 câu hỏi trong bài kiểm tra chuẩn hoá. Hai năm sau, em học sinh trong lớp có điểm thi ở mức trung bình vẫn chỉ trả lời đúng 31 câu hỏi, trong khi em học sinh ở lớp có điểm kiểm tra cao đã trả lời đúng gần 32 câu hỏi. Như vậy, em học sinh ở lớp điểm cao đã trả lời đúng nhiều hơn 2,4% số câu trả lời so với bạn còn lại.

Mặc dù đây dường như là một sự khác biệt khá nhỏ, nhưng nó vẫn có ý nghĩa thống kê và tương tự như các kết quả nghiên cứu trước đây. Tuy nhiên, nghiên cứu của chúng tôi thậm chí còn đi xa hơn thế.

Nghiên cứu của chúng tôi còn nhận ra điều gì nữa?

Nghiên cứu của chúng tôi cũng cho thấy rằng hai năm sau, em học sinh trong lớp có điểm kiểm tra cao có nguyện vọng muốn vào đại học cao hơn 1,6 điểm phần trăm so với em học sinh trong lớp có điểm kiểm tra trung bình. Và học sinh trong lớp có điểm số cao tự tin vào khả năng bản thân có thể đỗ và theo học đại học cao hơn 2 điểm phần trăm so với em học sinh học trong lớp có điểm số trung bình..

Một phát hiện sau đó của chúng tôi (nhưng vẫn chưa được công bố) là các học sinh được chỉ định vào lớp học có điểm kiểm tra cao nhất trường lại không hề thay đổi số giờ mà các em dành cho việc học.

Tuy nhiên, trong khoảng thời gian hai năm đó, phụ huynh của em học sinh học cùng lớp với những bạn có thành tích cao đã dành nhiều thời gian học cùng con mình hơn, và cho con sự hỗ trợ về cảm xúc nhiều hơn so với phụ huynh của em học sinh học trong lớp có điểm số ở mức trung bình.

Lý do đằng sau “hiệu ứng đồng trang lứa” vẫn là một ẩn số

Bằng cách thử nghiệm nhiều cơ chế tiềm năng hơn so với các công trình trước đây, nghiên cứu của chúng tôi đưa ra nhiều đáp án khả thi hơn để lý giải các “hiệu ứng đồng trang lứa” đã được giả thuyết trong công bố trước đó. Chẳng hạn, chúng tôi không tìm thấy sự ảnh hưởng của những người bạn cùng lớp đạt thành tích cao tới mức độ chủ động của học sinh trong lớp, hiện tượng gian lận, các hành vi thiếu chuẩn mực và hiện tượng trốn học, cũng như tới việc phụ huynh đầu tư vào việc thuê gia sư/giáo viên dạy kèm riêng và nguyện vọng cho con vào đại học. Cũng không có sự khác biệt trong nhận thức của học sinh về môi trường học và sự tham gia của giáo viên.

Mặc dù nghiên cứu của chúng tôi cho thấy các bạn học cùng lớp có thành tích cao có tác động tích cực đến hành vi của học sinh và phụ huynh học sinh, chỉ riêng những yếu tố này là chưa đủ để giải thích đa số các tác động tích cực về mặt điểm số trong dữ liệu của chúng tôi. Nói cách khác, những yếu tố có sự thay đổi - các nguyện vọng và kỳ vọng, cũng như sự đầu tư của phụ huynh - không hoàn toàn giải thích được những lợi ích của việc học chung với các học sinh có thành tích cao.

Việc nghiên cứu của chúng tôi không thể mang lại bức tranh tổng thể rõ ràng hơn về sự vận hành của các “hiệu ứng đồng trang lứa” chính là một minh chứng cho sự phức tạp của chúng.

Chúng tôi đã có thể khám phá các cơ chế này là do dữ liệu phong phú của giáo dục Đài Loan kết hợp với thử nghiệm độc đáo đối với học sinh được xếp ngẫu nhiên vào các lớp học trong trường học. Song, vẫn có hai trường hợp ngoại lệ đáng chú ý không được đo lường, chẳng hạn như việc học hỏi trực tiếp từ các bạn cùng lớp và các phương pháp giảng dạy chi tiết.

Việc thu thập dữ liệu về các tương tác ngang hàng, chẳng hạn như thảo luận và phối hợp thực hiện các nhiệm vụ, rất khó nhưng có thể là chìa khóa để mở ra bí ẩn về cách các bạn học cùng lớp có thành tích cao hơn mang lại lợi ích cho các học sinh khác.

Dữ liệu về phương pháp thực hành giảng dạy, chẳng hạn như ghép cặp học sinh để làm việc nhóm và các tài liệu môn học, cũng có thể cung cấp những hiểu biết mới về vấn đề này.

Vân An dịch

Nguồn:

de Gendre, A., & Salamanca, N. (2021, November 14). Being in a class with high achievers improves students’ test scores. We tried to find out why. The Conversation. 

Ghi chú: Các quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Bạn đang đọc bài viết Tại sao việc học cùng lớp với học sinh giỏi giúp cải thiện điểm số của học sinh? tại chuyên mục Khoa học giáo dục và xã hội của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19