Công đoàn Giáo dục Việt Nam kỷ niệm 70 thành lập, đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba (lần thứ 2)

Ngày 11/12/2021, tại Hà Nội, Công đoàn Giáo dục Việt Nam long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Công đoàn Giáo dục Việt Nam, đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba (lần thứ hai) và Tuyên dương cán bộ công đoàn tiêu biểu.

Lễ kỷ niệm được tổ chức dưới hình thức trực tiếp tại Hà Nội và kết hợp trực tuyến các điểm cầu ở các Đại học, trường Đại học, các đơn vị trong khối thi đua; Công đoàn giáo dục tỉnh, thành phố và các đơn vị, trường học trong ngành Giáo dục.

Tham dự Lễ kỷ niệm tại Hà Nội có:  Đồng chí Võ Thị Ánh Xuân - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Phó Chủ tịch Thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương; đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn - Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Đồng chí Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ, Tạp chí Giáo dục và các đơn vị trực thuộc Bộ GD&ĐT; các đồng chí nguyên Chủ tịch, Phó Chủ tịch, đại diện BTV, BCH và cán bộ cơ quan CĐGD Việt Nam các thời kỳ; đặc biệt là 70 cán bộ công đoàn tiêu biểu trong toàn ngành được tuyên dương nhân dịp 70 năm ngày thành lập Công đoàn Giáo dục Việt Nam.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam
phát biểu khai mạc Lễ kỉ niệm

Trải quan 70 năm xây dựng và phát triển, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: một Huân chương Độc lập hạng Nhất, hai Huân chương Độc lập hạng Nhì, một Huân chương Độc lập hạng Ba, một Huân chương Lao động hạng Nhất cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba
(lần thứ 2) cho Công đoàn Giáo dục Việt Nam

Với những đóng góp to lớn của mình, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba (lần thứ 2). Đây là sự ghi nhận xứng đáng cho những đóng góp của Công đoàn Giáo dục trong 70 năm qua, một sự khẳng định vị trí, vai trò, sứ mệnh của tổ chức công đoàn trong Ngành Giáo dục. Đồng thời, Đảng và Nhà nước, Công đoàn Giáo dục Việt Nam cũng đặt niềm tin và giao trọng trách cho tổ chức đại diện, chăm lo, bảo vệ cho đội ngũ trí thức, người lao động Ngành Giáo dục trong thời gian tới.

Trong khuôn khổ của buổi lễ, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã tuyên dương cán bộ công đoàn tiêu biểu.

Đồng chí Nguyễn Kim Sơn - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT và đ/c Nguyễn Ngọc Ân
- Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam tặng Bằng khen cho các công đoàn viên tiêu biểu

Đôi nét về sự hình thành, phát triển của Công đoàn Giáo dục Việt Nam:

Ngày 28/7/1929, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN) được thành lập, từ đó giáo giới cả nước được tiếp cận với các chủ trương của Tổng Liên đoàn. Tổ chức của giáo giới bắt đầu được hình thành ở nhiều nơi với nhiều tên gọi: Liên đoàn giáo giới ở Thanh Hoá, Nghệ An và một số tỉnh ở khu V; Công đoàn giáo giới ở Phú Yên; Công đoàn giáo dục tiểu học ở Hà Tĩnh... Các tổ chức này lúc đầu hoạt động như các đoàn thể cứu quốc, lấy việc phục vụ kháng chiến, tham gia công tác xã hội làm nội dung chính.

Tháng 9/1950, thực hiện chủ trương của Tổng Liên đoàn và được sự giúp đỡ của Lãnh đạo Bộ Giáo dục, đặc biệt là Thứ trưởng Nguyễn Khánh Toàn, Bí thư Đảng đoàn Bộ Giáo dục, Ban vận động thành lập Công đoàn Giáo dục (CĐGD) Việt Nam đã ra đời. Từ đó, theo đường hướng của Tổng Liên đoàn và sự chỉ đạo của Liên hiệp công đoàn các tỉnh, tổ chức CĐGD nhanh chóng được phát triển ở các cơ quan giáo dục và các trường học từ Việt Bắc đến khu III, khu IV, khu V. Số lượng đoàn viên lúc này đã lên tới 9857 người.

Trên cơ sở đó, ngày 22/7/1951, tại Hội nghị CĐGD toàn quốc ở Việt Bắc, Ban Chấp hành lâm thời CĐGD Việt Nam chính thức được thành lập với chức năng tập hợp, vận động cán bộ, giáo viên trong các cơ quan giáo dục và trường học thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, phục vụ kháng chiến. Ban Chấp hành CĐGD Việt Nam lâm thời có 15 uỷ viên do đồng chí Nguyễn Cát Tường làm Chánh thư ký, đồng chí Phương Hoa làm Phó thư ký. Hội nghị đã thông qua chương trình công tác gồm bốn điểm: Thúc đẩy đoàn viên làm nhiệm vụ chuyên môn; Xây dựng tổ chức công đoàn lớn mạnh, đảm bảo thực hiện cải cách giáo dục; Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đoàn viên; Đoàn kết lao động trí óc và chân tay đấu tranh giải phóng dân tộc.

Tuy còn sơ lược nhưng chương trình hoạt động nói trên đã như một lời tuyên ngôn về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Công đoàn ngành, đặt cơ sở cho quá trình tổ chức và hoạt động của Công đoàn Giáo dục Việt Nam. Với tinh thần hăng hái của một tổ chức mới ra đời, được đông đảo giáo giới cả nước hưởng ứng, tổ chức Công đoàn Giáo dục đã phát triển nhanh chóng. Đến cuối năm 1952, tổng số đoàn viên đã lên tới 11.500 người. Tính đến nay, năm 2021, tổng số đoàn viên công đoàn và người lao động đã lên tới 1,7 triệu người. Số lượng đoàn viên công đoàn ở thời điểm hiện tại cho thấy sự phát triển lớn mạnh của tổ chức công đoàn trong 70 năm qua.

Tháng 7/1953, tại Hội nghị Công đoàn Giáo dục Quốc tế (FISE) họp tại Viên (Thủ đô nước Áo), Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã được công nhận là một thành viên chính thức và có đại diện tham gia Ban Chấp hành Công đoàn Giáo dục Quốc tế. Từ đó, vai trò, tiếng nói của Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã vượt ra ngoài biên giới quốc gia và ngày càng tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của giáo giới các nước đối với công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và sự nghiệp xây dựng nền giáo dục mới ở nước ta.

                                                                                   Nguồn: Tạp chí Giáo dục

Bạn đang đọc bài viết Công đoàn Giáo dục Việt Nam kỷ niệm 70 thành lập, đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba (lần thứ 2) tại chuyên mục Tin tức, sự kiện của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19