Noam Chomsky là giải thưởng thường niên của STAR Scholars (Hoa Kỳ) trao tặng. TS. Nghĩa là người Việt thứ 3 từng nhận giải thưởng này. Năm 2020, hai người Việt cũng nhận giải thưởng này (hạng mục ngôi sao tỏa sáng) là PGS. Trần Xuân Bách, ĐH Y Hà Nội và GS. Trần Thị Lý, ĐH Deakin.
Cơ cấu giải thưởng và thông tin về các nhà khoa học đạt giải như sau:
NORTH STAR MEDAL OF LIFETIME ACHIEVEMENT (HUÂN CHƯƠNG SAO BẮC ĐẨU CHO THÀNH TỰU TRỌN ĐỜI)
Huân chương Sao Bắc Đẩu cho Thành tựu Trọn đời là sự công nhận của Mạng lưới Star Scholars với những thành tựu xuất sắc trong nghiên cứu xuyên quốc gia; vinh danh những học giả có những cống hiến, tiên phong và đóng góp suốt đời, đóng vai trò như một “ngôi sao Bắc Đẩu” dẫn đường trong nghiên cứu.
Giáo sư Hans de Wit
Hans de Wit là giáo sư danh dự tại Đại học Boston College, Hoa Kỳ. Từ năm 2015 - 2020, ông là Giám đốc của Trung tâm Giáo dục Đại học Quốc tế (CIHE). Bên cạnh đó, ông còn là thành viên cấp cao của Hiệp hội các trường đại học quốc tế (IAU), có trụ sở tại UNESCO.
Ngoài ra, giáo sư Hans de Wit còn được biết đến là thành viên sáng lập (1989) và là cựu chủ tịch của Hiệp hội Giáo dục Quốc tế Châu Âu (1993-1994); Biên tập viên sáng lập của Tạp chí Journal of Studies in International Education; Biên tập viên (cố vấn) của Tạp chí Policy Reviews in Higher Education (SRHE); Phó Tổng biên tập của Tạp chí International Higher Education; và đồng biên tập bộ sách Global Perspectives in Higher Education (Brill/Sense).
Ông là tác giả, đồng tác giả của nhiều cuốn sách và bài báo về lĩnh vực giáo dục đại học quốc tế, giáo dục đại học; tích cực tham gia đánh giá và tư vấn trong giáo dục quốc tế cho các tổ chức như Ủy ban Châu Âu và Nghị viện Châu Âu, UNESCO, Ngân hàng Thế giới, Hiệp hội các trường đại học quốc tế.
Ông từng là Giám đốc Trung tâm Quốc tế hóa giáo dục đại học tại Đại học Cattolica Sacro Cuore (UCSC) ở Milan, Ý và là Giáo sư Quốc tế hóa giáo dục đại học tại Đại học Khoa học Ứng dụng Amsterdam. Ông là Phó Hiệu trưởng phụ trách các vấn đề quốc tế của Đại học Amsterdam.
Năm 2019, ông đã nhận được Giải thưởng Charles Klasek của Hiệp hội Quản trị viên Giáo dục Quốc tế (AIEA) cho sự cống hiến xuất sắc và lâu dài trong lĩnh vực Giáo dục Quốc tế. Ngoài ra ông còn nhận được một số giải thưởng khác từ Hiệp hội Giáo dục Quốc tế Châu Âu (2008), Hiệp hội các nhà giáo dục quốc tế (2002), Hội đồng Trao đổi Giáo dục Quốc tế (2006), Đại học Amsterdam (2006), Hiệp hội Giáo dục Quốc tế Mexico (2014) và Đại học Cattolica Sacro Cuore (2015).
SHINING STAR ACHIEVEMENT IN RESEARCH AWARD (GIẢI THƯỞNG NGÔI SAO TOẢ SÁNG VỀ THÀNH TỰU TRONG NGHIÊN CỨU)
Giải thưởng Ngôi sao Toả sáng về Thành tựu trong nghiên cứu công nhận những đóng góp học thuật có ảnh hưởng ở bất kỳ lĩnh vực, đóng góp này có thể là bài báo được công bố trên tạp chí quốc tế, sách, chương sách hoặc các dạng thức cộng tác học thuật khác.
Phó giáo sư Catherine Gomes
Catherine Gomes là Phó Giáo sư về Truyền thông và Văn hóa Châu Á tại Đại học RMIT, Australia. Nghiên cứu của Gomes bao gồm các chủ đề về bản sắc dân tộc, chủng tộc và giới. Gomes là biên tập viên của bộ sách Media, Culture and Communication in Migrant Societies (Nhà xuất bản Đại học Amsterdam), biên tập viên sáng lập của Transitions: Journal of Transient Migration (Intellect Books), đồng thời là người sáng lập nhóm nghiên cứu Mobilities, Migrations and Diverse Communities tại Đại học RMIT. Bà cũng đã từng nhận được giải thưởng Discovery Early Career Researcher của Hội đồng Nghiên cứu Úc (DECRA) vào năm 2013 - 2016. Gomes là tác giả của bốn cuốn sách chuyên khảo và chủ biên/ đồng biên tập của sáu cuốn sách. Tác phẩm của bà đã xuất hiện trên nhiều tạp chí, sách cũng như các phương tiện truyền thông đại chúng.
RISING STAR EMERGING SCHOLAR CERTIFICATE (CHỨNG NHẬN HỌC GIẢ NGÔI SAO MỚI NỔI)
Mỗi năm, Mạng lưới Star Scholars công nhận tối đa 2 học giả tiềm năng có những cam kết đáng kể với việc nghiên cứu xuyên quốc gia. Một giải thưởng sẽ được trao cho một học giả (đã hoàn thành bậc học cuối cùng) bất kỳ lĩnh vực mà thể hiện được tiềm năng dẫn đầu của mình trong việc thúc đẩy nghiên cứu xuyên quốc gia. Giải thưởng còn lại sẽ được trao cho một học viên sau đại học, thể hiện được những tiềm năng hứa hẹn trong việc thúc đẩy các nghiên cứu xuyên quốc gia thông qua công bố khoa học, lãnh đạo hoặc các đóng góp liên quan khác.
Giáo sư trợ lý Joseph Levitan
Joseph Levitan là giáo sư trợ lý tại Đại học McGill, Canada đồng thời là đồng sáng lập của hai tổ chức phi lợi nhuận quốc tế ở Peru. Ông đã xuất bản hơn 50 bài báo, chương sách về các lĩnh vực liên quan đến chính sách giáo dục, hợp tác quốc tế và các phương pháp nghiên cứu hợp tác dựa vào cộng đồng. Levitan đã nghiên cứu về các vấn đề công bằng xã hội và bản sắc trên khắp thế giới, bao gồm cả ở Đông Nam Á, Trung Đông, Bắc và Nam Mỹ. Hiện ông đang hợp tác cùng các sinh viên bản địa và nhà lãnh đạo cộng đồng để phát triển chương trình giảng dạy của trường dựa trên nền tảng kiến thức và lối sống của họ. Ông cũng đang thực hiện một dự án thiết kế lại hệ thống hoạch định chính sách trường học; hợp tác với các nhà lãnh đạo cộng đồng, sinh viên, phụ huynh, học giả và các nhà hoạch định chính sách ở Peru, Canada và Hoa Kỳ để xây dựng các hệ thống giáo dục công bằng hơn.
Tiến sĩ Trần Lê Hữu Nghĩa
Tiến sĩ Trần Lê Hữu Nghĩa hiện là nghiên cứu viên tại Trường Kinh doanh và Kinh tế tại Đại học Quốc gia Úc (ANU). Được biết, TS. Nghĩa nguyên là giảng viên của Trường Đại học Cần Thơ. Ông từng nhận học bổng danh giá Erasmus Mundus của Ủy ban Châu Âu và Giải thưởng Endeavour sau đại học của Chính phủ Úc (2016). Đến nay, ông đã (đồng) tác giả khoảng 30 công bố khoa học liên quan đến cơ hội việc làm sau đại học, học tập tích hợp trong công việc, đào tạo giáo viên, phát triển chương trình giảng dạy và đánh giá, giáo dục quốc tế và giảng dạy tiếng Anh. Các dự án nghiên cứu của ông bao gồm các quan điểm quốc tế và xuyên quốc gia khi ông hợp tác với các học giả ở các quốc gia khác nhau nhằm tăng tính hiệu quả. Ngoài ra, ông còn nhận tài trợ của Quỹ Nghiên cứu Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (Việt Nam), Quỹ Nghiên cứu Quốc tế của Trường Đại học Tôn Đức Thắng và Quỹ Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh của ANU. Đồng thời, ông cũng đã nhận được Giải thưởng Biên tập viên của năm 2021 vì đóng góp của mình cho Tạp chí Sinh viên Quốc tế.
Nghiên cứu sinh Anson Au
Anson Au là nghiên cứu sinh ngành Xã hội học tại Đại học Toronto, Canada. Nghiên cứu của ông tập trung vào các chủ đề liên quan tới các mạng lưới kinh tế và xã hội, các ngành nghề và tổ chức cũng như các vấn đề Đông Á. Tác phẩm của Au đã được đăng trên các tạp chí như Information, Communication, & Society, Journal for the Theory of Social Behaviour, The Sociological Quarterly, cùng nhiều tạp chí khác. Ông đã từng giữ các vị trí thỉnh giảng tại Đại học Quốc gia Seoul, Đại học Yonsei, Đại học Quốc gia Sun Yat-Sen, Đại học Malaya và Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London.
Phó Giáo sư Shaun Star
Phó giáo sư Shaun Star hiện là Phó trưởng khoa; giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ - Australia; giám đốc Trung tâm Luật Thể thao, Kinh doanh và Quản trị tại Đại học OP Jindal Global. Trước đó, ông đã làm việc tại nhiều công ty luật hàng đầu ở Australia và Ấn Độ và được đánh giá là một luật sư có trình độ chuyên môn cao. Các nghiên cứu của ông tập trung vào lĩnh vực luật thể thao, quản trị và luật so sánh. Ông rất tâm huyết với việc thúc đẩy mối quan hệ giữa Australia - Ấn Độ và đã xuất bản một cuốn sách có tựa đề Australia and India: A Comparative Overview of the Law and Legal Practice. Ông là người đồng sáng lập và là người từng chủ trì chương trình Đối thoại Thanh niên Australia - Ấn Độ.
Được biết, hiện đã có đại diện của STAR Scholar tại Việt Nam. Trưởng Đại diện STAR Scholars tại Việt Nam là TS. Phạm Hiệp (Trường Đại học Phú Xuân; Giám đốc nghiên cứu của Edlab Asia).
Nguồn tin: Vân An