Đại dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng sâu sắc đến nền giáo dục Việt Nam nói chung và giáo dục cho trẻ có nhu cầu đặc biệt nói riêng. Trẻ khuyết tật dù được hỗ trợ nhưng vẫn gặp nhiều trở ngại khi học online. Các em vẫn cần phải có hình thức hoạt động để được kết nối, giao lưu với bạn bè khi không thể tới trường. Hoạt động nhóm online dành cho trẻ em khuyết tật và trẻ không khuyết tật cùng tham gia với mục đích nhằm phát triển, kết nối về mặt xã hội và mục đích giáo dục cho trẻ em khuyết tật theo phương thức hòa nhập. Hoạt động nhóm online (team-building online) đã được xây dựng nhằm đem lại những trải nghiệm vui vẻ cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt, tạo sự gắn kết giữa trẻ với những thành viên trong gia đình, với thầy cô và bạn bè không khuyết tật.
Về mặt xã hội: Hoạt động nhóm online được mở ra nhằm gắn kết trẻ có nhu cầu đặc biệt với mọi người xung quanh: với gia đình gồm bố mẹ, anh chị em,... với bạn bè đồng trang lứa có khuyết tật và không khuyết tật. Thông qua các hoạt động nhóm online, trẻ được tương tác cùng nhau, được chia sẻ, giải tỏa tâm lí căng thẳng trong thời gian giãn cách.
Về mặt giáo dục: Trẻ được cung cấp những kiến thức cơ bản về các sự kiện xã hội: Tết Trung Thu, ngày Phụ nữ Việt Nam, đặc biệt là nội dung về đại dịch Covid. Qua chủ đề này, trẻ được trang bị, cập nhật những thông tin về dịch Covid - 19 trong việc phòng tránh và thích nghi với cuộc sống.
Hoạt động nhóm online tổ chức với chủ đề “Bắp cải xanh đẩy nhanh Covid”
Trong hoạt động nhóm online, trẻ được học và rèn luyện các kỹ năng chú ý- làm theo hướng dẫn của giáo viên trên môi trường tương tác thực tế ảo, trẻ được thực hành thao tác sử dụng thiết bị điện tử, sử dụng các tính năng của phần mềm Zoom. Trẻ cũng tiếp tục được phát triển kỹ năng chia sẻ cảm xúc, tương tác và giao tiếp, kỹ năng hoàn thành nhiệm vụ, kỹ năng đọc viết, kỹ năng vận động... Đặc biệt, nhờ sự tham gia cùng nhau của trẻ khuyết tật và trẻ không khuyết tật, các em được quan sát hoạt động, sản phẩm của nhau, từ đó học tập các ý tưởng của nhau, biết cách lắng nghe, biết cách nói cho nhau nghe và hiểu về nhau hơn. Điều này góp phần thúc đẩy cảm giác của sự đồng cảm, chia sẻ và hòa nhập.
Trong các buổi online, các hoạt động được tổ chức đa dạng về hình thức nhằm để phát triển toàn diện cho trẻ. Đó là hoạt động vận động theo nhịp theo phong cách Nhật Bản, giúp trẻ cảm nhận âm nhạc và vận động cơ thể, phát triển khả năng vận động cùng với khả năng cảm nhận cơ thể. Các em cũng cùng nhau chơi các trò chơi bằng cách sử dụng các thao tác reaction, bật mic phát biểu trên Zoom. Các nội dung về kỹ năng xã hội, phát triển ngôn ngữ, khả năng tưởng tượng, sự tập trung chú ý được lồng ghép khéo léo trong các hoạt động biểu diễn kịch vải và kịch giấy của Nhật Bản. Đây là những hoạt động mới được giới thiệu và xuất hiện ở Việt Nam trong giáo dục đặc biệt. Nhờ sự gần gũi về yếu tố văn hóa (văn hóa của thế giới trẻ thơ), yếu tố màu sắc, yếu tố kỹ thuật biểu diễn và cốt truyện, các hoạt động kịch vải và kịch giấy đã diễn ra trong sự bất ngờ và chăm chú tham gia của tất cả các em. Thú vị nhất là sau khi được xem kịch vải, kịch giấy, sau khi tham gia trò chơi, các em được tự tay sáng tạo sản phẩm từ những nguyên liệu sẵn có, nguyên liệu tái chế ngay trong nhà. Đây là một trong những cách lồng ghép nội dung giáo dục bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu vào các nội dung giáo dục trẻ khuyết tật.
Một trong những điều kiện để trẻ tham gia hoạt động nhóm online chính là sự hỗ trợ, đồng hành của phụ huynh. Trong mỗi buổi hoạt động, các cha mẹ và cả anh chị em của trẻ khuyết tật đã cùng trẻ tham gia theo dõi các câu chuyện, cùng nhau vận động, cùng nhau tạo sản phẩm. Những nụ cười, niềm vui và cả sự xúc động khi được chứng kiến con mình tương tác với thầy cô, với các bạn là những trải nghiệm quý giá mà phụ huynh có được thông qua hoạt động. Đối với một số phụ huynh đó là lần đầu tiên được thấy con mình viết lên dòng chữ “Con yêu mẹ!”. Có những phụ huynh lần đầu tiên được nắm tay con mình để nhảy theo nhịp điệu. Có những phụ huynh lần đầu tiên trải nghiệm kĩ năng lắng nghe – phản hồi tích cực với con. Các hoạt động đã tạo cơ hội để cha mẹ, anh chị em và trẻ khuyết tật gắn bó với nhau hơn, cha mẹ cùng tham gia, hòa mình làm bạn với con.
Với một chương trình hoạt động theo chủ đề có logic, chặt chẽ và xuyên suốt trong từng buổi hoạt động, cha mẹ, gia đình và trẻ khuyết tật có các giáo viên chuyên môn giáo dục đặc biệt và giáo viên đến từ Nhật Bản đồng hành theo sát. Các phụ huynh được nhận những hướng dẫn cụ thể từ các thầy cô để biết cách làm việc cùng con và đồng hành, hỗ trợ con trong mỗi hoạt động.
Một số sản phẩm học sinh dựa trên nguyên liệu tái chế
Hoạt động nhóm online được tổ chức bởi Câu lạc bộ Cá Chép Xanh với sự cố vấn chuyên môn của TS. Nguyễn Thị Cẩm Hường - Giảng viên khoa Giáo dục Đặc biệt, trường Đại học Sư phạm Hà Nội và sự hỗ trợ của Dự án Nón lá Pipi do cô Koga Masako – Giáo viên Trường Quốc tế Nhật Bản phụ trách. Hiện tại, hoạt động được tổ chức vào thứ 7 hàng tuần (thời lượng khoảng từ 60 phút đến 90 phút) trên phần mềm Zoom. Hoạt động nhóm online cho trẻ khuyết tật tại Câu lạc bộ Cá chép xanh đã đem lại những niềm vui và tạo sự kết nối trong thời điểm giãn cách xã hội vì dịch Covid-19.
Nội dung chương trình hoạt động được xây dựng theo các chủ đề gắn với các sự kiện của cuộc sống, được cập nhật thêm những tinh hoa từ nền giáo dục trẻ em của Nhật Bản với hoạt động đa dạng về hình thức giúp các trẻ được cập nhật những kiến thức, kĩ năng mới mẻ và đầy sáng tạo, các em đều hào hứng, vui vẻ và mong chờ tham gia.
Các hoạt động đã đẩy mạnh sự hợp tác, chia sẻ giữa trẻ khuyết tật với cha mẹ, anh chị em trong gia đình, với thầy cô, với các bạn có khuyết tật khác và với các bạn không khuyết tật. Điều này giúp tất cả các trẻ em được kết nối với mọi người. Dù là trẻ có nhu cầu đặc biệt, các em cũng không bị bỏ lại phía sau.
Trần Hương Quỳnh, CLB Cá Chép Xanh