Vì sao nhiều nữ sinh không theo đuổi chuyên ngành khoa học máy tính?

Không khó để tìm thấy những định kiến về những sở thích của con trai và con gái, ngay cả trong xã hội hiện nay. Quảng cáo của các hãng đồ chơi cũng “ngầm phát đi” tín hiệu rằng những món đồ chơi khoa học và điện tử là dành cho trẻ em trai hơn là trẻ em gái. Các nhà khoa học và kỹ sư máy tính trên các chương trình truyền hình và phim ảnh thường là đàn ông da trắng, giống như trong bộ phim “The Big Bang Theory”.

Các nhà hoạch định chính sách, giáo viên và phụ huynh đôi khi cũng chấp nhận những định kiến này. Và họ có thể “lây lan” tư tưởng đó sang cho trẻ em. Những nỗ lực để chống lại những định kiến này thường tập trung vào vấn đề năng lực của cả trẻ em trai và trẻ em gái.

Nhưng với tư cách là các nhà nghiên cứu chuyên về yếu tố động lực, bản sắc và sự phát triển nhận thức, Beth Daley (biên tập viên chuyên trang The Conversation) và cộng sự cho rằng xã hội phần lớn đã bỏ qua một định kiến có hại khác. Và đó là quan điểm cho rằng trẻ em gái ít quan tâm tới các bộ môn thuộc nhóm STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) hơn trẻ em trai.

Trong một nghiên cứu (đã đăng trên tạp chí có bình duyệt) của nhóm tác giả - được công bố vào tháng 11 năm 2021 trên tạp chí Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ - nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng những định kiến về mối quan tâm của trẻ em gái đối với khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học vẫn còn khá phổ biến trong giới trẻ ngày nay. Nhóm tác giả cũng nhận thấy rằng những khuôn mẫu này thực sự có ảnh hưởng đến động lực và cảm giác thân thuộc của các cô gái đối với các ngành khoa học máy tính và kỹ thuật.

Những thành tựu đã đạt được

Các lĩnh vực như toán học gần như đã đạt được sự bình đẳng về giới tính - có nghĩa là, số lượng nam và nữ gần bằng nhau - và phụ nữ thực sự chiếm đa số trong các lĩnh vực như sinh học trong số các sinh viên tốt nghiệp đại học ở Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, quốc gia này vẫn chưa thành công trong việc đa dạng hoá giới tính đối với các lĩnh vực khoa học máy tính và kỹ thuật. Chỉ khoảng 1/5 số bằng cấp được trao trong các ngành khoa học máy tính và kỹ thuật là cho các sinh viên, nhà nghiên cứu là phụ nữ.

Nghiên cứu của nhóm cho thấy rằng định kiến xã hội đã vô hình trung “gắn kết” các lĩnh vực này với trẻ em trai và đàn ông, và đóng vai trò như một rào cản khiến trẻ em gái và phụ nữ trở nên không mặn mà với các ngành này. Đã có nhiều cuộc trò chuyện về tác hại của những định kiến về “tài năng thiên bẩm”, trong đó có các định kiến khẳng định nam giới giỏi hơn nữ giới về các môn STEM. Tuy nhiên, không chỉ là vấn đề năng lực, điều có thể còn gây bất lợi hơn đối với động lực của trẻ em gái trong việc theo đuổi các ngành này chính là định kiến cho rằng nam giới thường “quan tâm” đến các hoạt động và nghề nghiệp STEM hơn so với phụ nữ. Những định kiến này có thể khiến các cô gái cảm thấy rằng STEM không thuộc về họ.

Đo lường nhận thức của trẻ em

Đối với nghiên cứu này, bước đầu tiên của nhóm nghiên cứu là tìm hiểu xem liệu trẻ em và thanh thiếu niên có tin những định kiến ​​xã hội này hay không. Chúng tôi đã khảo sát 2.277 thanh thiếu niên từ lớp 1-12 trong năm 2017 và 2019 về quan điểm của các em về mức độ quan tâm của trẻ em gái và trẻ em trai đối với khoa học máy tính và kỹ thuật. Đa số thanh niên cho biết trẻ em trai có hứng thú với các lĩnh vực này hơn trẻ em gái. Hầu hết thanh niên - chiếm tỉ lệ 63% - tin rằng trẻ em gái ít quan tâm về ngành kỹ thuật so với trẻ em trai. Chỉ 9% tin rằng trẻ em gái quan tâm đến ngành kỹ thuật hơn trẻ em trai. Những “khuôn mẫu về sở thích” này đã nhận được sự tán thành bởi những thanh niên từ nhiều nguồn gốc khác nhau, bao gồm cả thanh niên da đen, da trắng, châu Á và gốc Tây Ban Nha.

Những định kiến này đã được tán thành bởi những đứa trẻ ngay từ khi 6 tuổi, ở độ tuổi học lớp một. Những niềm tin về sở thích theo giới cũng phổ biến hơn những định kiến ​​về khả năng, rằng con trai tài năng hơn con gái trong các lĩnh vực này.

Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng những định kiến ​​về sở thích này có ảnh hưởng tiêu cực đến thành tích của các trẻ em gái. Một cô gái điển hình trong nghiên cứu của chúng tôi nếu càng tin vào những định kiến ​​mang tính chất thiên vị nam giới này thì cô ấy càng ít có động lực hơn trong việc theo đuổi các ngành khoa học máy tính và kỹ thuật. Điều này không xảy ra với một nam giới điển hình. Càng tin vào những định kiến ​​này, anh ấy càng có động lực hơn.

Những ảnh hưởng đến động lực

Nhóm nghiên cứu cũng đã thực hiện hai thí nghiệm trong phòng thí nghiệm bằng cách sử dụng thiết kế phân công ngẫu nhiên theo tiêu chuẩn vàng để xem liệu các khuôn mẫu về sở thích có mối quan hệ ảnh hưởng nhân quả đến yếu tố động lực hay không. Nhóm nghiên cứu nói với các trẻ em tham gia thí nghiệm về hai hoạt động mà các em có thể thử làm. Sự khác biệt duy nhất giữa các hoạt động này là một trong hai hoạt động - được chọn ngẫu nhiên - có liên quan đến định kiến ​​rằng trẻ em gái ít quan tâm hơn trẻ em trai trong hoạt động đó.

Trong khi đó hoạt động khác không có sự liên quan đến khuôn mẫu như vậy. Nếu trẻ em tham gia thử nghiệm thích hoạt động này hơn hoạt động khác, chúng ta có thể suy ra rằng khuôn mẫu đã gây ra sự khác biệt trong sở thích của các em. Nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng định kiến ​​về sở thích thực sự có thể khiến các cô gái giảm động lực tham gia các hoạt động có liên quan đến ngành khoa học máy tính.

Chỉ 35% trẻ em gái lựa chọn tham gia hoạt động tuân theo khuôn mẫu giới nêu trên thay vì hoạt động không theo khuôn mẫu. Những định kiến ​​này - vốn dành sự ưu tiên hơn với các bé trai trong trường hợp này - không gây ra vấn đề gì đối với các bé trai, và các bé trai cũng không thể hiện sự thích thú hơn đáng kể đối với các hoạt động đó. Không có khoảng cách giới khi không có khuôn mẫu - khoảng cách giới chỉ xuất hiện khi hoạt động được khuôn mẫu.

Xóa bỏ định kiến

Tại sao khuôn mẫu giới về sở thích lại mạnh mẽ đến vậy? Định kiến ​​về sở thích có thể khiến con gái cho rằng: Nếu con trai thích những lĩnh vực này hơn con gái, thì tôi cũng sẽ không thích những lĩnh vực này. Những định kiến cũng gửi một tín hiệu rõ ràng về những ai sẽ thuộc về những ngành nghề hay lĩnh vực nào đó. Cảm giác thân thuộc có ý nghĩa liên hệ rất lớn đối với động lực, bao gồm cả những phụ nữ trẻ hoạt động trong các lĩnh vực liên quan đến STEM như khoa học máy tính và kỹ thuật. Cảm giác thân thuộc của các cô gái đối với một nghề nghiệp càng thấp thì sự quan tâm của họ càng thấp.

Nhưng nếu những định kiến ​​đó là đúng thì sao? Trung bình, các bé gái ở Hoa Kỳ cho biết các em ít quan tâm hơn đến các bé trai trong ngành khoa học máy tính và kỹ thuật.

Cho dù những định kiến ​​văn hóa này hiện tại có đúng hay không, nhóm nghiên cứu tin rằng chúng có thể tạo ra một vòng lặp không lối thoát. Các cô gái có thể bỏ lỡ cơ hội vì cho rằng họ không quan tâm hoặc không nên quan tâm đến một số lĩnh vực thuộc nhóm STEM nhất định. Trừ khi người lớn cố tình gửi cho các bé gái một thông điệp khác về việc giới tính nào nên làm việc trong các ngành khoa học máy tính và kỹ thuật, thì chúng tôi - với tư cách là một xã hội - không khuyến khích các bé gái thử các nghề nghiệp này và do đó cũng không cho các em cơ hội phát hiện ra rằng các em phù hợp với chúng.

Nhưng tin tốt là cảm giác “không thân thuộc” với các lĩnh vực STEM mà nhiều cô gái cảm thấy không phải là một dạng cảm xúc vĩnh viễn. Ngược lại, các nhà nghiên cứu tin rằng nó có thể được thay đổi.

Có nhiều cách đơn giản để gửi cho trẻ em một thông điệp khác về ngành khoa học máy tính và kỹ thuật. Cha mẹ và những người lớn khác có thể thay đổi quan điểm về món đồ chơi mà họ nghĩ nên mua cho con hoặc cho con tham dự một trại hè chủ đề khác. Các cô gái có thể lấy tấm gương từ những người như Aicha Evans và Debbie Sterling - những người phụ nữ đang thay đổi thế giới thông qua công nghệ và cảm thấy hạnh phúc khi được làm việc đó.

Việc các cô gái nhận ra sự thật rằng họ có thể bước chân vào các lĩnh vực như khoa học máy tính và kỹ thuật là chưa đủ. Để thay đổi hiện trạng, nhóm nghiên cứu nhận định cần phải tuyên truyền với họ rằng có nhiều cô gái khác cũng thực sự muốn làm việc trong các ngành nghề tương tự.

Vân An dịch

Nguồn:

Master, A., Meltzoff, A. N., & Cheryan, S. (2021). Stereotypes about girls dissuade many from careers in computer science. The Conversation. 

Ghi chú: Các quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Bạn đang đọc bài viết Vì sao nhiều nữ sinh không theo đuổi chuyên ngành khoa học máy tính? tại chuyên mục Khoa học giáo dục và xã hội của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn