Quang cảnh hội thảo tại điểm cầu Bộ GDĐT
Hội thảo nhằm đánh giá thực trạng, xác định tồn tại, hạn chế và đề ra định hướng trong việc xây dựng môi trường học đường bảo đảm an ninh trật tự; phòng, chống tai nạn thương tích; phòng, chống cháy nổ; phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, hỗ trợ các cơ sở giáo dục tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Ủy ban Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm đã giao cho ngành Giáo dục thực hiện trong năm 2021.
Theo đánh giá chung, năm 2021, nhiều địa phương phải cho học sinh tạm dừng đến trường, chuyển sang hình thức học trực tuyến, học qua truyền hình do tác động của dịch bệnh Covid-19. Bên cạnh công tác ban hành các hướng dẫn đảm bảo an toàn trường học đối với các địa phương học sinh học trực tiếp thì Bộ GDĐT cũng ban hành nhiều kế hoạch nhằm giúp các cơ sở giáo dục triển khai thực hiện các hoạt động đảm bảo an toàn cho học sinh sinh viên khi học tập trên môi trường internet.
Công tác phối hợp để đảm bảo an toàn trường học được các địa phương quan tâm chỉ đạo. Các Sở GDĐT chỉ đạo các đơn vị, trường học phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường với Công an quận, huyện, phường, xã, Ban đại diện cha mẹ học và các Sở, ban, ngành tổ chức nhiều hoạt động để xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường.
Tuy nhiên, tại một số địa phương và cơ sở giáo dục vẫn xảy ra tình trạng học sinh sử dụng các chất kích thích trong và ngoài cơ sở giáo dục. Cùng với đó, vẫn còn tình trạng học sinh, sinh viên vi phạm đạo đức, lối sống, an toàn trường học, vi phạm pháp luật, bạo lực học đường. Một số địa phương, trường học vẫn xảy ra các vụ tai nạn làm tử vong hoặc gây chấn thương đối với học sinh như: đổ tường rào, cổng, cánh cổng trường, lan can, cây đổ, điện giật, rơi ngã từ tầng cao, đặc biệt là tai nạn đuối nước.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác đảm bảo an toàn trường học, đại diện các Sở GDĐT trao đổi tại hội thảo cho rằng, cần phải tăng cường công tác tuyên truyền cho học sinh sinh viên và cha mẹ. Cũng như cần phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa ngành giáo dục và các đơn vị liên quan.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GDĐT Ngô Thị Minh khẳng định công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống tội phạm, bạo lực học đường, ma túy, tệ nạn xã hội, tai nạn thương tích, phòng chống cháy nổ và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm của các cơ sở giáo dục có những khó khăn rất lớn.
Thứ trưởng đề nghị các Sở GDĐT và các cơ sở giáo dục cần căn cứ vào tình hình cụ thể của dịch bệnh Covid-19 để lựa chọn hình thức tổ chức các hoạt động tuyên truyền giáo dục cho học sinh, sinh viên phù hợp với từng cấp học. Các Sở GDĐT cũng cần chủ động tham mưu cho UBND các tỉnh/thành phố phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để triển khai hiệu quả 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm theo kế hoạch đã ban hành. Đồng thời, thiết lập mối quan hệ chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường để đảm bảo an toàn cho các em học sinh, giúp các em tránh xa hiểm họa ma túy.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, Thứ trưởng đề nghị các địa phương chủ động xây dựng các phương án, quy trình xử lý những sự cố phát sinh khi học sinh quay trở lại trường học tập trực tiếp. Trong đó, ngành Giáo dục cần tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tại địa phương nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh Covid-19 trong trường học.