Hiện nay mặc dù vai trò và sự đóng góp của phụ nữ ở xã hội Việt Nam đã được ghi nhận và có những tiến bộ đáng kể, song vẫn còn rất ít phụ nữ nắm giữ các vị trí lãnh đạo ở các tổ chức thuộc tất cả các lĩnh vực ngành nghề khác nhau bao gồm cả ở ngành giáo dục. Ví dụ, trong số 39 giáo sư được bổ nhiệm năm 2020, chỉ có 6 người là nữ giới. Trong số 28 thành viên của Chính phủ Việt Nam được bổ nhiệm năm 2021, cũng chỉ có hai người là nữ giới. Nhìn từ hệ thống giáo dục Việt Nam, tuy đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ và những thành tựu đáng kể góp phần xây dựng xã hội ngày càng phát triển và hội nhập với thế giới nhưng vẫn còn có rất nhiều vấn đề bất cập cần được cải thiện. Do đó, cán bộ nữ trong các trường đại học của Việt Nam cần được tạo điều kiện thuận lợi ở các cấp độ gia đình, tổ chức, và xã hội để họ có thể phát huy tối đa năng lực cá nhân và vai trò lãnh đạo của mình. Trong bối cảnh như vậy, các cá nhân người Việt Nam có điều kiện được đi du học ở nước ngoài về, đặc biệt từ các nước có nền giáo dục phát triển như Australia là những người có khả năng để tạo ra những thay đổi tích cực trong xã hội Việt Nam nói chung, trong lĩnh vực giáo dục nói riêng.
Dự án ARWIL là dự án thúc đẩy năng lực lãnh đạo nữ trong ngành giáo dục (ARWIL) được Quỹ Cựu học sinh sinh viên Australia tài trợ. Nhóm thực hiện dự án bao gồm 4 tiến sĩ đã nhận các học bổng danh giá của Chính phủ Australia, có chuyên môn sâu về quản lý và giáo dục và hiện đang công tác tại các trường đại học ở Australia và Việt Nam, bao gồm: TS. Nguyễn Thị Lan Hương - Trường Đại học RMIT Australia, TS. Nguyễn Hữu Cương - Trường Đại học Văn Lang, TS. Đỗ Thị Hà Lan - Trường Đại học RMIT Việt Nam, TS. Phạm Thị Hồng Thanh – Trường Đại học Monash, Australia.
Cụ thể, dự án tập trung vào nghiên cứu để xác định những thể chế xã hội đã thúc đẩy hoặc cản trở khả năng lãnh đạo và thăng tiến nghề nghiệp của phụ nữ trong lĩnh vực giáo dục ở Việt Nam, những chiến lược cá nhân để vượt qua những rào cản về mặt thể chế nhằm tạo ra những thay đổi tích cực trong giáo dục và thăng tiến sự nghiệp của phụ nữ. Từ đó, dự án phát triển gợi ý chính sách nâng cao nhận thức và xây dựng năng lực lãnh đạo cho chị em phụ nữ cũng như tạo mạng lưới thúc đẩy vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong ngành giáo dục Việt Nam.
Theo TS. Nguyễn Thị Lan Hương, Trưởng Dự án - Đại học RMIT, Australia, trong sáu tháng qua, dự án đã tiến hành tổng số 14 tọa đàm với sự góp mặt của 28 diễn giả là các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ và lãnh đạo các cơ sở giáo dục và quản lý nhà nước, và khoảng 60 buổi trao đổi giữa các chị em nữ trong các nhóm nhỏ hàng tuần. Tại các buổi tọa đàm, các thành viên tham gia dự án đã được nghe và tìm hiểu về các thể chế xã hội đã thúc đẩy hoặc kìm hãm việc phát huy tối đa năng lực lãnh đạo và cơ hội phát triển bản thân, thăng tiến sự nghiệp của phụ nữ ở Việt nam nói chung và công tác trong ngành giáo dục nói riêng.
Đánh giá về đề tài nghiên cứu, GS. TS. Nguyễn Thị Mỹ Lộc, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Giáo dục học, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, ĐHQG Hà Nội nhận xét: “Những vấn đề mà nhóm nghiên cứu rất cần thiết và rất có ý nghĩa. Các thành viên trong nhóm thực hiện đề tài đã áp dụng được những kiến thức, kĩ năng được đào tạo ở Australia để thực hiện một dự án thiết thực, hữu ích dành cho chính các đồng nghiệp của mình ở Việt Nam”. GS. TSKH Phạm Thị Trân Châu, nguyên Đại biểu Quốc hội, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ - Môi trường của Quốc hội khóa 10, cho biết: “Chương trình đã kết nối được nhiều thế hệ nữ trí thức Việt Nam và tôi rất vui khi thấy chị em đều quan tâm đến các vấn đề lớn của đất nước”.
GS.TS. Nguyễn Thị Mỹ Lộc phát biểu và đánh giá về đề tài
Dự án sẽ xuất bản một cuốn sách biên tập viết bằng Tiếng Anh do các chị em tham gia dự án đóng góp và một số bài báo quốc tế. Hiện nay dự án đã hướng dẫn nội dung, cách viết chương sách và cung cấp tài liệu cần thiết cho các chị em trong dự án và nhận được bản tóm tắt của 15 cá nhân và 4 nhóm tác giả. Theo nhóm dự án, nội dung của các chương sách bám sát chủ đề trọng tâm của cuốn sách với những góc nhìn khác nhau về thể chế xã hội trong mối quan hệ thúc đẩy hoặc cản trở việc quản lý, lãnh đạo và thăng tiến trong sự nghiệp của phụ nữ lãnh đạo trong ngành giáo dục, ví dụ như gia đình, tổ chức, văn hóa tôn giáo, nghề nghiệp, cộng đồng. Trên cơ sở đó, dự kiến vào đầu năm 2022, dự án sẽ tổ chức một buổi hội thảo với sự tham dự của 100 khách mời là các nhà làm chính sách và lãnh đạo các cơ quan nhà nước có liên quan, các cơ sở giáo dục, và chị em phụ nữ đang công tác trong khu vực giáo dục để chia sẻ nội dung cuốn sách và đưa ra những gợi ý chính sách.
Tạp chí Giáo dục